Trăng Lu
Hương Thủy
Xóm Xẻo Lờ. Cái tên khiến những người nhạy cảm dễ đỏ mặt. Nhưng có hề chi. Nó được đặt và quen miệng từ thời cha ông… Nào là xóm Cầu Bà Banh, Cầu Bà Tành, Xẻo trầu, Xẻo Lờ…mộc mạc, giản dị như con nước ngày hai buổi lên xuống, như chuyện trai gái xưa nay, như chuyện của Út Năm và Bé Gái bây giờ.
Hai đứa biết nhau từ hồi còn ở truồng theo mấy ông anh chạy nhong nhong ngoài bờ ruộng hớt cá lia thia. Lớn chút nữa thì chơi trò vợ chồng làm nhà chòi đằng sau mấy đụn rơm. Cho đến khi biết mắc cở trong một lần tắm sông nhìn qua ngực Bé Gái thấy hai cái chũm cau phập phồng… Từ đó là những câu nói trỏng giữa hai đứa “Lấy cái gỗ đựng mấy con cá gô mới bắt đem về cho bà già kho tộ nè” hay “Ăn gau cải không? Non lắm. Tui bứt nghen.”
Tình yêu không cần những câu “anh yêu em, em yêu anh” như trong tiểu thuyết nhưng trai gái xóm Xẻo Lờ biết con Bé Gái là của thằng Út Năm. Chẳng đứa nào nhảy vào mà tranh giành, đâm chém như trong mấy cái phim chuyện tình tay ba tay tư trên Ti vi chạy bằng bình ắc quy coi ké nhà ông Ba. Tám Điếc cha Út Năm khề khà bên xị rượu đế nói to “Con đó ngó cũng đặng. Chờ nó lớn chút nữa rồi tính. Lo cho thằng Tư xong rồi đến mày nghe Năm!”. Út Năm im lặng, nhát búa bổ xuống gốc xoài khô nghe dòn như tiếng pháo chuột.
Nhà Bé Gái nghèo. Cha mất sớm, sống cùng má và chị Hai trong chòi lá cuối xóm. Cái nhà nhỏ mà vui. Mấy đứa trong xóm hay tụ tập mỗi tối ca vọng cổ rồi nướng chuột đồng, nướng khô sặc kèm mấy trái xoài sống làm mồi nhậu. Cuối năm chị Hai cũng sẽ theo chồng, nhà còn trơ trụi hai má con. Nhìn sức vóc thằng Năm, bà má mừng thầm trong bụng. Chà cái thằng, hai tay hai giạ lúa chạy gọn hơ!
Hai đứa thường hẹn riêng nhau ở ngoài cái cầu khỉ đầu xóm, khi trăng thượng tuần như một chiếc móc câu lơ lửng trên bầu trời. Sao vậy cà? Trăng giữa tháng sáng vằng vặc sợ dân xóm thấy xấu hỗ. Cuối tháng trời tối om thì Bé Gái ngại ngùng. Câu chuyện giữa hai đứa cũng chỉ là những chuyện không đầu không đuôi, vớ va vớ vẩn. Gan lắm cũng chỉ thêm một cái nắm tay. Ấy thế mà đêm về không đứa nào ngủ được.
Mấy năm gần đây, đời sống của cư dân có mòi thay đổi. Nhất là từ khi con lộ được trải đá dăm ra tận thị trấn Cái Tàu Hạ. Đám cưới, đám giỗ đã có nhạc sống. Những bài ca truyền thống Tình anh bán chiếu, Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà chỉ còn dành riêng cho các ông bà tứ thập trở lên; còn các cô cậu choai choai thì rống lên “Tình yêu đến em không mong đợi gì.Tình yêu đi em không hề nuối tiếc…”
Trong các khu vườn, cây trái cũng theo đó mà làm cách mạng. Không ai còn tìm ra giống mít nghệ tươm mật ngày xưa, những chùm dâu da đong đưa như gái mười sáu cũng thành của hiếm. Người ta trồng những công đất rặt giống mít Thái Lan, trái nhiều nhưng ăn nghe sao sống sít sần sật. Những vườn ổi bạt ngàn cũng được hiện đại hóa với hàng ngàn bao nhựa trắng. Nhìn trên cao xuống, màu xanh mát của thiên nhiên trở nên sượng sùng.
Đầu xóm Xẻo Lờ bỗng xuất hiện hai căn nhà ngói sáng rỡ. Nghe đâu của bà Năm Trầu ngoài chợ vô mua đất của chú Tư Năng. Mua đến năm công. Bà Năm Trầu làm gì mà giàu nhanh vậy ta? Mới ngày nào ra chợ còn thấy bà ngồi nhặt từng trái ổi dạt của dân xóm. Ông cha ta nói “người tốt vì lụa” chẳng sai chút nào. Bà Năm mặc áo màu hường hở cổ, ngồi oai phong trên nền gạch bông mát rượi, giọng sang sảng kêu Bé Gái bán cho bả hai quầy dừa giải khát vì “đêm qua ăn thịt gà nhiều quá khô cổ”. Bé Gái bỏ đôi dép nhựa dưới bậc thềm, bước vào cứ sợ chân mình làm dơ sàn nhà bóng loáng, tròn mắt nhìn những thứ đồ lạ lùng cả đời chưa thấy.
Dân xóm đồn đại bà Năm trúng số. Chiều đó ông bán vé số bán thêm được mươi vé cho mấy ông ngồi nhậu dưới gốc cây sanh cổ thụ. Nhưng cũng chính ông ta tiết lộ lý do giàu xổi của bà Năm. Ừa, thì là bà Năm trúng số thật. Trúng bạc triệu lận. “Trúng nhờ hai cô con gái lấy chồng Đài Loan! Ông nào ông nấy hói đầu, có hai cái bụng như đàn bà chửa”.
Má Bé Gái chép miệng “Giàu chi thì giàu chứ gả con cho người già như ông nội thì xưng hô làm sao? Lại còn nỗi chồng nói chồng nghe, vợ nói vợ nghe làm sao mà hòa hợp?”. Chồng sắp cưới của chị Hai cười hà hà “ Chắc họ nói bằng tay, má ơi!”. Bà già đập cái quạt lá bương xuống bộ ván “Quỷ hông hà!”. Út Năm cười hi hi, Bé Gái liếc xéo Út, cười mím chi.
Mới về làm dân Xẻo Lờ được hơn tháng, bà Năm Trầu đã lê la từ đầu trên ngỏ dưới. Bả trề môi chê nước phèn tắm nhớt nhợt, chê “con trai Việt Nam không thơm”, chê “làm ăn quanh năm không bằng qua xứ Đài một tiếng”và tiếc rằng “đã già chứ không cũng ráng đẻ thêm mấy đứa con gái để gả cho Đài Loan!”
Bà vô nhà Bé Gái khen “Cha mẹ cú đẻ con tiên”, quở đôi mắt lá răm của chị Hai, tiếc chị sắp lấy chồng chứ cỡ chị qua xứ Đài thế nào cũng có giá. Bả liếc Bé Gái khen mặt mày cũng khá “ngon cơm” dù nhỏ con. Bà má cau mặt “ Con tui có nơi có chốn hết rồi chị à! Nói chi chuyện tầm ruồng”.
Ngày cưới chị Hai thiệt là vui. Đêm nhóm họ trai gái trong xóm hát hò xôm tụ dưới cái cổng được kết bởi những tàu lá dừa nước. Sau chái, mấy bà mấy chị mổ mấy con vịt xiêm nói chuyện ì xèo. Chuyện sốt nhất là chuyện bà Năm Trầu vừa mai mối cho nhỏ Lài lên thành phố lấy chồng, dĩ nhiên là một ông Đài Loan. Họ chuyền tay nhau mấy tấm hình Lài mặc áo dài, vàng đeo đỏ tay bên bà má mặt mày hớn hở..Ông chồng đứng đằng sau ngó già hơn má vợ nhưng trên cổ có một sợi dây chuyền to như sợi xích chó. Nghe như có tiếng thở dài của một chị khi liếc xéo ông chồng đang cởi trần nốc rượu lè nhè ngoài sân!
Rồi một làn sóng ngầm mà bạo liệt, nhà bà Năm Trầu thì thụp kẻ ra vô. Bà Năm công khai nói oang oang “Tui sắp xóa đói giảm nghèo cho cái miệt này rồi nghen. Để coi, ít năm nữa, xóm này không lên nhà ngói mới lạ!” Mà quả thiệt, ông Tư Thăng nghèo rớt mồng tơi sau khi nhờ bà Năm “làm dịch vụ trọn gói” cho con gái đã chểm chệ trên một chiếc Cup bóng loáng. Nhà bà Bảy tận trong lung cũng lên đời cái mái tôn sau khi Bé Ba theo bà Năm lên Sè Gòn ra mắt đằng trai. Bà Tám Tàng nhiếc con “Mày xấu quá họ chê chứ không tao cũng kiếm được chút tiền dưỡng già!”.Bà nhiếc mà không nghĩ rằng cô con gái giống hệt mình ở hàm răng hô và đôi mắt hí. Chú Ba Hoàng thở ra “Coi chừng mấy năm nữa con trai xứ này ế vợ hết!”
Đời sống ngày một khó khăn, vườn tược thất bát. Ổi hạ giá một kí ba trăm, người ta chặt ổi trồng nhãn rồi lại chặt nhãn trồng xoài. Thêm cái nạn ruồi vàng chích, bọ xít bu trái hư, trái èo uột. Lũ con trai bỏ đất vườn rủ nhau lên thành phố làm ở các khu công nghiệp. Xóm làng buồn như chùa Bà Đanh.
Đêm nay, Út Năm và Bé Gái lại gặp nhau ở gò đất đầu cầu. Hai đứa bó gối nhìn ra mặt sông. Bé Gái thở ra “Con Bé Tám cũng lấy chồng Đài rồi. Em hết bạn tâm sự!”. Út Năm ném một hòn sỏi nhỏ xuống mặt nước “ Anh Tư rủ anh lên Bình Dương làm công nhân, Gái nghĩ sao?”-“Ai cũng đi hết, còn lại toàn ông bà già. Nhưng nếu không đi, lấy gì sống. Em còn Má chứ nếu không chắc cũng phải xin đi may trên khu chế xuất”.Út Năm nói “ Em ráng đợi anh thêm mấy năm, anh kiếm chút vốn cho sau này đỡ cực.” –“Em chờ anh. Má cũng thương anh mà!”. Hai đứa cầm tay nhau. Mảnh trăng thượng tuần như nụ cười dù hơi méo.
Má Bé Gái đau. Lúc đầu tưởng chỉ là những cơn trái gió trở trời nhưng bệnh ngày càng nặng. Bệnh viện Huyện giới thiệu lên thành phố, bệnh viện thành phố chuyển qua bên ung bướu, kết luận ung thư phổi. Sinh thiết rồi xạ trị, số tiền không phải ít. Tiền nhà nghèo thì có hạn. Hai chị em quyết định bán ba công đất chỉ để lại túp lều trên mảnh đất hẹp.Bên chồng chị Hai cũng không khá giả gì, chị Hai lại đang cấn thai không làm chi được. Bé Gái lo đến thắt ruột. Bà má cầm tay con: “ Để má chết, con đừng lấy chồng Đài. Má mong mày lấy thằng Năm!”
Bé Gái quyết không lấy chồng Đài nhưng vay tiền bà Năm Trầu lo cho má thì có. Xóm này nhà nào cũng vắt mũi đút miệng lấy đâu dư. Bà Năm xởi lởi dúi tiền cho Bé Gái “ Kẹt cứ nói dì, chỗ bà con làng xóm…”
Được ba tháng bệnh viện trả về vì khối u đã di căn. Bà má như bộ xương khô nằm ẹp trên giường. Bé Gái sắc thuốc Nam bằng lá sả, lá đu đủ cho bà uống. Chị Hai thi thoảng chạy về khóc mếu dúi cho em mấy chục rồi tất tả lo phục vụ nhà chồng. Cuối tháng, Út Năm tranh thủ về thăm than thở công việc nặng nhọc, toàn làm tăng ca đêm, hai con mắt trõm lơ.
Bà má chết chưa tròn tháng thì bà Năm Trầu xuất hiện. Không còn vẻ xởi lởi, không “tình làng nghĩa xóm “ nữa, bà tổng kết tiền vay cộng tiền lãi tròm trèm ba chục triệu. Hai chị em nghe muốn xỉu! Út Năm muốn ra tay nghĩa hiệp nhưng nghe số nợ cũng dội ngược. Cả một đời công nhân chắc gì cầm được số tiền ấy trong tay!
Cái vòng kim cô ngày càng thắt chặt. Lời lẽ bà Năm trầu khi ngọt khi nhạt, khi xoa khi đấm. Và cuối cùng, lối thoát duy nhất “vừa xong nợ, vừa sướng thân” là lấy chồng Đài. Ông này tóc không hói, bụng không bự chỉ có cái chân chấm phẩy “lệt quệt chút thôi, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ ” như lời bà Năm Trầu! Thôi thì Bé Gái đành bắt chước cô Kiều của Nguyễn Du “ Cũng liều nhắm mắt đưa chân”. Út Năm về thăm, Bé Gái tránh mặt.
Chị Hai bồng con theo Bà Năm Trầu lên thành phố tiễn em. Sau khi trừ hết nợ, tiền mối mai, tiền chụp ảnh, tiền giấy tờ…Bé Gái dúi hai triệu bạc còn lại vào tay chị kèm theo một cái khăn thêu nhờ chuyển cho Út Năm. Cái khăn màu hồng có thêu hai con chim châu mỏ vào nhau là quà tặng của Út Năm ngày lên Bình Dương làm khu chế xuất!
Bé Gái đi xứ Đài được sáu tháng, chưa kịp gởi đồng bạc nào về sửa nhà, chuộc đất như dự tính thì chị Hai nhận được tin em gái chết. Một cái chết thương tâm. Nhảy sông vì bị bạo hành! Xứ Đài không chỉ có nhà cao cửa rộng mà còn chốn nộng thôn nghèo xác xơ! Xứ Đài không chỉ có những ông chủ măc vest thắt cổ cồn mà còn có những anh nông dân đội mũ lá ngày ngày cắm đầu trên ruộng, nghèo đến mức không đủ tiền lấy vợ bản xứ! Bé Gái không chỉ làm vợ cho lão già lệt quệt mà còn phải mua vui cho tất cả ba tay đàn ông trong nhà chồng. Ngày về của Bé Gái là chiếc bình nhỏ đựng nắm tro cốt được chị Hai chôn trước nhà cạnh mộ của bà má. Cái nhà tranh ấm áp ngày nào giờ không ai coi sóc ngày càng xập xệ, đìu hiu…
Thằng Cu Tí hớt hải chạy về nói với ông Nội: “Con thấy ma bên nhà chị Bé Gái!” Chú Ba Hoàng nạt “ Thời nay còn nói chuyện ma quỷ” nhưng cũng cầm cái gậy tầm vông đi tuần một vòng cho đứng chức năng của An ninh xóm.
.Tháng cuối năm. Cơn gió chướng làm người ông gây gây. Ông bước qua cánh cửa rào tàn tạ. Một người ngồi gục đầu bất động bên hai ngôi mộ, túi xách nhỏ bỏ dưới chân, đốm nhang đỏ lập lòe trong bóng tối. Chú Ba Hoàng tằng hắng, bóng đen ngửng đầu lên, chú Ba Hoàng nhận ra đó là Út Năm. Chú cất tiếng “Mày về hồi nào Năm? Qua nhà chưa mà ngồi đây?” Út Năm trả lời bằng một giọng ướt sủng: “Cháu đi đò qua kinh rồi lội rạch về nhà. Thấy còn sớm, ghé thắp cho Bé Gái cây nhang”. Chú Ba Hoàng thở dài: “ Thôi, con để cho linh hồn nó thanh thản.May mà còn về được cố hương…” Chú bỏ dở câu nói, kéo Út Năm đứng lên. Một già một trẻ đi liêu xiêu trong ánh sáng nhập nhoạng.
Tiếng con dế nào nỉ non bên bụi cỏ ven đường. Trên đầu họ, trăng thượng tuần đã lẫn vào mây.
Hương Thủy