Truyện kinh dị: Hai người lính giữa rừng khuya
PHẠM PHONG DINH
Khi hai người lính tìm đường ra đến được quốc lộ thì ánh trời chiều chỉ còn chút dãi sáng ửng hồng nhợt nhạt sau những rặng cây cao su xám xịt. Mỗi người lính oằn nặng trên lưng chiếc ba lô căng phồng. Thời tiết chớm vào thu đã thấy từ trên những nhánh cao su cằn cỗi lác đác lá vàng uể oải rơi rụng lên bãi cỏ cháy úa bên đường. Miền Đông đất đỏ, đầu thu từng cơn gió gay gay lạnh từ vùng ba biên giới phía Tây thổi về. Những bệt cát bám vào khuôn mặt làm cho nước đa đen đúa của các anh sậm thêm màu phong trần. Một người lính kéo chiếc mũ beret từ trên đầu xuống vừa phủi mảnh bụi đỏ vừa hỏi người bạn đồng hành:
-Mày may mắn dữ hả Khọt. Mày tính toán siêu thế nào mà vợ mày đập bầu ngay chóc trong mấy ngày cuối năm vậy?
Người lính được gọi là Khọt dở chiếc mũ sắt trên đầu lên, đưa tay luồn vào mớ tóc rậm cứng như một mớ rễ tre bối rối:
-Thì mấy ổng cho mình về lúc nào thì em pháo lúc đó chớ tính toán gì ông thầy.
Khọt nhìn sang người được gọi là ông thầy nhoẻn miệng cười:
-Không chừng ông thầy về Sài Gòn lạng quạng với cô thì cũng giống như em vậy thôi.
Người được gọi là ông thầy, có thể là một người sĩ quan hay hạ sĩ quan chỉ huy một trung đội hay tiểu đội hừ nhẹ:
-Tao chưa có vợ.
Ông thầy đội chiếc mũ beret quân đội lên đầu:
-Mày đừng nói bá láp nữa có được không. Mày đúng là thằng đẻ bọc điều, mới vừa đi phép năm trước, giờ lại thêm một cú bảy ngày nữa. Mà này, tao hỏi thật. Về du dương với vợ con rồi thì chú mày có định trốn luôn không đấy?
Khọt nhíu mày. Tự ái bừng bừng trỗi dậy, anh sẵng giọng:
-Trung Úy coi tui là người thế nào mà ông hỏi tui câu đó. Nếu muốn trốn thì tui đố Trung Úy cột chân tui được.
Ông Trung Úy cười hiền:
-Gì dữ vậy mậy, không trốn thì thôi, làm như mày muốn ăn thịt tao không bằng.
-Trời ơi, tụi nó đánh vô An Lộc mấy tháng dữ dằn như vậy tui còn không sợ, bây giờ tụi nó chạy hết rồi, tui còn sợ gì mà trốn chớ.
-Thôi được rồi, tao hỏi để an tâm. Tao bảo lãnh cho mày trước mặt ông xếp tiểu đoàn, mày trốn thì tao ăn củ (bị phạt) của ông ấy. Kìa... có xe tới, mày ra đón hỏi xem người ta về tới đâu.
-Em đã biểu ông thầy ngủ qua đêm ở đơn vị, sáng mai mình có nhiều thời giờ hơn, ông thầy không chịu. Giờ này đâu còn xe nào chịu chạy về tới Lai Khê nữa.
- Mày cứ khó khăn lải nhải như bà Năm bán cháo lòng ngoài chợ, thì mày cứ hỏi coi có chết con ma nào không,
Người lính xua tay nhớn nhác nhìn vào đám rừng cao su đã ngã sang màu đen đặc:
-Ấy chết, đứng giữa rừng rú như thế này, ông thầy đừng có gọi ma lên nghe. Chung quanh đây ma nhiều vô số kể. Ông thầy không nhớ chuyện thằng Báu nó đuổi em sao?
-Hừ, mày mộng mị la làng lúc nửa đêm chứ thằng Báu nào.
-Thật mà, em đang nằm trong hầm mơ màng nhớ bà xã của em thì bỗng nhiên không biết từ xó nào thằng Báu nó sầm sầm đi vào ghé mắt xuống kêu, ê Khọt mày đi chỗ khác giăng võng, chỗ này của tao. Quỷ thần ơi, mình mẩy nó máu me tùm lum. Em nhớ là cái xác của nó nát bấy như tương tàu, chính em gói nó trong chiếc poncho mà.
Người Trung Úy nhíu mày suy tư:
-Mày nói cũng có lý. Thằng Báu nó nhớ ơn mày nên nó tìm về thăm mày đó.
Khọt xua tay nhìn quanh:
-Ông thầy đừng nhát, em sợ lắm. Ông không biết, tụi lính đi kích đêm nói cứ đến nửa khuya là tụi nó thấy ma kéo ra từng bầy. Ma dân thì gồng gánh, dắt díu nhau đi khóc than om sòm, ma lính thì vác súng chạy tới chạy lui kêu la rên rỉ, thằng mất đầu, thằng cụt chân. Ông đứng đây một chút nữa rồi ông sẽ thấy.
Người đội mũ beret mĩm cười không nói gì. Mày sợ ma thì tao hù cho mày vãi trong quần luôn. Anh đưa tay vẩy một chiếc xe lam từ phía thành phố An Lộc đang phóng nhanh trên mặt nhựa thênh thang của con đường. Hoàng hôn đã tan biến đi, nhường chỗ cho bóng đêm buông xuống. Từ chiếc xe lam lóe lên hai vạch sáng dài xuyên suốt qua tấm màn xám. Người tài xế giảm tốc độ, chiếc xe từ từ ghé vào bên lề. Người Trung Úy trông thấy một người đàn ông sau tay lái. Trời tối quá, anh không nhìn rõ được để xem mặt mũi ông ta thế nào. Trông dáng dẻ ốm gầy thì hẳn phải là một ông già rồi. Chiếc áo bà ba trắng của ông lão ánh màu bạc dưới chùm sáng vàng từ hai chiếc đèn pha. Anh cũng nhận ra rằng chiếc xe trống rỗng, chẳng thấy bóng dáng một người hành khách nào. Người lính tiến đến gần hơn và hỏi:
-Bác ơi, bác có về đến Lai Khê không?
Chợt anh giật mình khi từ hai cái hốc mắt sâu tối của ông già chiếu ra những tia sáng lạnh lẽo kỳ dị, rồi chàng nghe một giọng nói khàn khàn, đứt đoạn như một người đang trong cơn nấc cục:
-Không ... tui ... chỉ ... ứ ... ứ ... về đến ấp An Bình thôi ứ ...
Khọt thất vọng kêu lên:
-An Bình ở phía dưới suối Tàu Ô, như vậy thầy trò mình làm sao về Lai Khê được.
Lai Khê tuy là một thị trấn nhỏ, nhưng là nơi có nhiều doanh trại quân đội. Nếu về đến chỗ ấy thì việc tìm được xe đi Sài Gòn không phải là chuyện không thể. Nhưng về suối Tàu Ô thì hai thầy trò chàng chỉ mới đi được một nửa đường. Rồi biết ngủ nghỉ ở đâu. Trong lòng người Trung Úy dậy lên một nỗi thất vọng pha lẫn với hối hận, bởi chàng không nghe lời khuyên của ông xếp chàng và của Khọt. Nôn nao muốn được trở về thành phố sau hơn một năm xa cách, ở đó là một khoảng trời đầy ắp những mối ràng buộc tha thiết cùng những kỷ niệm êm đềm mà chàng muốn chắp cánh bay ngay về. Làm sao chàng có thể an giấc qua một đêm ở tại đơn vị được chứ, khi mà kinh nghiệm đời quân ngũ bảo chàng rằng, một khi đã cầm được tấm giấy phép trong tay là phải tìm mọi cách đi ngay.
Nào ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra trong đêm ấy. Hoặc có thể chết vì pháo kích. Hay sáng ngày mai ông xếp đổi ý không cho chàng đi phép nữa, nại ra hàng trăm thứ quân vụ cấp bách, thì chàng làm gì được ông ta nào. Nhưng chính vì sự tính toán chi li và sự hối hả đã bắt chàng phải trả một cái giá khá đắt. Thay vì an giấc trong đơn vị, mai sáng lên đường chắc chắn về đến Sài Gòn, thì đêm nay, thầy trò chàng đứng ngơ ngác bên rừng dở khóc dở cười. Người tài xế già thúc giục:
-Mấy cậu có đi thì lên xe, trời tối rồi. Khoảng đường này nghe người ta đồn là có ma về đêm đó.
Khọt ngao ngán nói với người Trung Úy:
-Ông Lộc thấy tui nói đúng chưa? Hay là mình chịu khó lội trở vô đơn vị đi ông thầy.
Lộc cau mày tỏ vẻ khó chịu:
-Mình căng poncho lên ngủ ngay bên bìa rừng này chẳng hay hơn không?
-Ôi, ông thầy nói tới đâu em nổi gai ốc tới đó. Không ma nhát thì tụi cô hồn sống nó cũng mò ra làm thịt mình.
Ông già tỏ vẻ sốt ruột:
-Mấy ông có đi thì lên, tui còn phải về nhà. Hay là ... mấy ông cứ về An Bình tìm nhà dân mà xin nghỉ đỡ. Quân dân cá nước mà ngại gì.
Trong ý nghĩ của Lộc hiện lên hình ảnh một cái đồn lẻ loi cô độc nằm giữa rừng già Miền Đông. Sau chiến cuộc Bình Long, tiểu đoàn địa phương quân của chàng được lệnh rời An Lộc vào Minh Thạnh thay thế cho tiểu đoàn bạn nhận nhiệm vụ khác. Đường bộ luôn bị quấy nhiễu và cắt đứt, mỗi tuần chỉ có một chuyến bay tiếp tế vào Minh Thạnh, không có ngoại lệ. Được ông xếp ký cho mấy ngày phép, chờ một tuần mới có trực thăng vào, những ngày Tết đã qua đi một cách oan uổng, thì thà đừng nhận giấy phép còn hơn. Không còn cách chọn lựa nào khác, hoặc là ngủ bên rừng với ma, hoặc là về suối Tàu Ô tìm nhà dân xin trú ngụ. Bỗng dưng một tia sáng lóe lên trong tâm thức của Lộc, như một tia sét vạch ngang bầu trời đêm. Lộc hân hoan ngồi lên băng ghế bên cạnh ông già:
-Bác nói đúng, hay là chúng tôi bao chiếc xe này về đến Lai Khê, bác tính bao nhiêu chúng tôi xin trả đủ. Hoặc nếu bác có thể đến luôn Bình Dương thì chúng tôi càng cám ơn.
Ông già chặc lưỡi rút trong túi ra gói thuốc rê, bóc một tấm giấy quyến quấn một điếu thuốc. Ông mày mò tìm chiếc quẹt lửa nội hóa cũ mèm bật lên. Đôi môi mỏng dính của ông già bập bập mấy cái, đóm lửa nhỏ từ đầu điếu thuốc chập chờn như một con đom đóm ăn đêm, mùi thuốc tỏa ra nồng nặc. Ông già chìa gói thuốc rê về phía hai người lính:
-Mấy cậu hút thuốc?
Không khách sáo gì, Khọt đón ngay liền:
-Cám ơn bác quá. Trời lạnh có thuốc rê thì còn gì bằng nữa.
Ông già thở ra một hơi dài:
-Về Lai Khê hay Bình Dương thì xa quá, cũng phải gần hai, ba chục cây số. Nếu mấy cậu chịu về Chơn Thành thì tui chở. Về đến đó thì tôi cũng phải ở lại chớ tui không dám quay về An Bình.
-Bác sợ cái gì?
-Tui đã nói với Trung Úy là con lộ này có ma, không ai dám đi lúc đêm xuống. Người chết nhiều quá mà cậu. Ma nó hiện lên đâu phải nguyên vẹn ngon lành như tui với mấy cậu, toàn là thứ cụt đầu, cụt tay, lủng bụng không hà, ghê lắm.
Khọt nhảy lên ngồi lên phần ghế trống của chiếc băng trước thúc giục:
-Nếu vậy thì bác rồ máy chạy ngay đi, cứ cà kê dê ngỗng hoài. Bác muốn chạy tới đâu thì tới, miễn tới xóm nhà dân là được rồi. Ở đây giữa rừng mênh mông tui sợ quá.
Ông già gật đầu đứng dậy đạp cái cần ga:
-Mấy cậu ngồi băng ghế sau để tui rộng chỗ lái xe.
Ông già ngồi xuống vô số, vặn tay ga, chiếc xe chồm lên từ từ phóng về phía trước.
-Mấy cậu may mắn lắm đó, nếu xe tôi không bị hư phải chờ vá ruột ở An Lộc thì giờ này mấy cậu chắc phải ngủ bên lề đường rồi.
Chiếc xe lam cũ kỹ như một con ngựa già gắng sức làm vui lòng chủ, nó rú lên hàng tràng dài dòn dã lao nhanh trên mặt nhựa, từng luồng khói phun lên không trung cùng với mùi xăng nhớt khét lẹt. Dưới hai vệt sáng vàng nhạt, con đường dài tăm tắp ẩn hiện trong bóng tối như một con rắn khổng lồ ngoằn ngoèo uốn khúc bò đi. Khọt phà ra một làn thuốc dài khoan khoái, từ băng ghế sau chồm sát vào bên ông già:
-Đường còn xa dễ buồn ngủ, chừng nào bác thấy mệt thì đưa tui lái cho.
-Cám ơn cậu, tui không dám. Đưa cho cậu lái cậu lủi xuống lề tui bể nồi cơm sao.
-Hì hì, nếu vậy thì bác kể chuyện ma nghe chơi đi.
-Cậu thích nghe chuyện ma lắm à?
-Chuyện ma ai mà không thích nghe bác.
-Cậu thích nghe chuyện ma đực hay ma cái?
Khọt cười hà hà, câu hỏi của ông già khiến cho anh chàng khoái trá lắm:
-Ừ, thì bác kể chuyện ma cái nghe chơi, chớ tui, bác với ông thầy toàn là dân đực rựa, nghe chuyện ma đực chán chết, phải không Trung Úy Lộc?
Lộc không thích chuyện ma quái vớ vẩn, chàng khoát tay:
-Mày muốn nghe thì nghe, nhưng đừng có lải nhải, để tao ngủ chút.
Lộc kéo chiếc ba lô đến gần dùng nó như một chỗ tựa để chàng gác đầu lên. Mất một thính giả, ông già tài xế coi bộ cụt hứng:
-Nhiều người nghe mới hay, mới rùng rợn.
-Thì bác kể mình tui nghe cũng được mà.
-Cậu có bao giờ thấy ma chưa?
Khọt cười khì:
-Lu bù. Để tui kể ông nghe trước, chuyện ma cái nữa. Số là một đêm tui đang nằm ngủ trên võng thì bỗng nhiên có một cô gái đến gần bên lắc vai tui kêu, chú, chú, thức dậy mau ... Bác biết cô gái này là ai không?
-Cậu hỏi lạ, làm sao tui biết được.
-À, bác nói phải. Cô gái này mấy hôm trước bị pháo kích chết, tui với mấy thằng bạn xúm nhau đem cô đi chôn cất đàng hoàng ở đám đất bên cạnh hầm.
Ông tài xế già gật gù:
-Thôi tôi biết rồi, cô này thành ma hiện lên báo mộng cho chú.
Khọt lắc đầu:
-Không phải nằm chiêm bao đâu, tui còn thức và trông thấy cô ấy hiện ra rõ ràng.
-Cứ cho là như vậy đi, nhưng cô ta gọi chú dậy làm gì.
-Trời ơi, cô này đã chết rồi mà linh thiệt. Tui chưa kịp hành động gì thì cô ta đã nắm tay tôi kéo đi. Tui với cô vừa chạy ra khỏi chừng mười thước thì chu choa ơi, một trái đạn cối nhểu ngay chóc giữa cái võng của tui. Bây giờ tui vẫn còn nổi da gà bác, cái bàn tay của cô ấy lạnh như nước đá vậy đó.
-Hóa ra cô gái muốn báo cái ơn chú đã mai táng cho cô được yên nghỉ trong phần mộ.
-Chắc là vậy. Bây giờ bác kể chuyện của bác nghe thử.
-Hà hà, chuyện của tui tình cảm hơn của cậu nhiều. Đi lính lâu năm chắc cậu cũng có lần vô nằm trong nhà thương chớ?
-Hà rầm như cơm bữa.
-Vậy chú có bị ma nhà thương nhát chưa?
Khọt gãi đầu ngần ngừ:
-Cái này thì chưa, chuyện ma nhà thương coi bộ hấp dẫn đây!
-Ừ hấp dẫn và rùng rợn. Hồi tui lên An Lộc thăm một đứa cháu cũng đi lính như cậu rồi nó bị thương nặng. Bệnh viện chật ních thân nhân của những thương binh. Tui cơm đùm cơm nắm vào thăm thằng cháu, bởi nó mồ côi cha mẹ. Tôi nghe ông bác sĩ nói không chừng ngày mai có chuyến tải thương, nên tui nấn ná ở bên giường nó ngủ gà gật chờ sáng. Nhớ đến đây tui rùng mình cậu. Đến nửa đêm mọi người ngủ mê mệt, tui tuổi già trăn trở khó ngủ, quay qua quay lại thì mèn ơi, bỗng tui cảm thấy như bị một cái khối nặng gì đè lên.
Khọt cười:
-Thôi tui biết rồi, ma cái đè phải không?
-Phải cậu. Tui giựt mình nhìn lên thì thấy một con ma cái trần truồng mặt mũi xanh lè, tóc tai dũ dượi nhún nhún trên mình tui cậu.
Khọt cười rè:
-Vậy là nó đè bác phọt ra?
-Hì hì, tui già rồi còn nước non gì nữa. Tui ú ớ kêu cứu chòi đạp dữ lắm nó mới chịu biến đi đó cậu. Mà này cậu... nhìn ra hai bên đường coi có ma hiện lên không, giờ này bắt đầu có ma rồi đó.
Khọt lấm lét nhìn qua khung cửa xe:
-Bác nói nghe ớn bỏ mẹ.
-Bởi vậy tui mới nói mấy cậu hên gặp tui, chớ giờ này ngủ chỗ khúc đường đó không chừng ma nó ra khiêng mấy cậu đi rồi.
Lộc ngồi dậy càu nhàu:
-Bác mới hên, giờ này không có tụi tôi đi cùng, ma nó ra chận đường bác thì có.
Bỗng Khọt kêu rú lên trong hãi hùng:
-Trời ơi, nhắc ma là có ma liền, có cái bóng đen gì đứng bên đường đưa tay vẫy kìa.
Chiếc xe lam đang chạy phom phong trên con đường hoang vắng rít lên hàng chuỗi âm thanh chói buốt khi ông già tài xế hoảng hốt đạp lút cần thắng. Lộc nhoài người ra ngoài che tay nhìn cho rõ, chàng bật cười:
-Ma quỷ gì, lại một người lỡ đường như mình.
Khọt co rúm người lắc đầu:
-Không phải đâu, khoảng đường này vắng vẻ nhà cửa đâu mà có người, ma đó.
Ông lão tài xế run giọng, cơn nấc cục của ông lại tái hiện:
-Cậu này nói phải đó Trung Úy, mình dọt luôn nghe.
Lộc khoát tay:
-Để tôi xuống xem coi thế nào. Hồi nãy bác nói cái gì là tình quân dân cá nước, giờ mới vừa thấy dân là quân đã dông tuốt là thế nào.
Không chờ ông lão trả lời, Lộc nhanh nhẹn nhảy xuống thận trọng tiến đến. Không phải chàng sợ cái bóng người ấy là ma, Lộc chỉ ngại nó bất thần rút súng ra phơ chàng một phát là tàn đời. Nhưng Lộc chỉ sợ hão. Chàng đã nhận ra cái vóc dáng của một ông lão gầy còm trong bộ quần áo bà ba màu thẫm, không rõ là đen nay nâu. Điều đó giải thích tại sao trông từ xa ông lão giống như một cái bóng ma lù lù. Lộc hỏi lớn:
-Ai đó, giờ này đi đâu mà đón xe vậy?
Cái bóng đen đưa hai tay lên trong một cử chỉ khiếp sợ:
-Dạ, dạ ... tui là người lỡ đường, xin các ông cho quá giang.
-Bác bước ra trước ánh đèn pha để nói chuyện.
Một ông lão mặt mũi đầy những vết nhăn của thời gian hiện ra dưới ánh đèn xe, một bàn tay đưa lên che mắt cho đỡ lóa, một tay kia ôm chiếc nón lá rách ấp vào ngực. Từ ông già toát ra dáng vẻ của một con người nông dân nghèo nàn, hay ít ra Lộc đã đoán như vậy.
-Tui ở Chơn Thành lên thăm thằng con đóng đồn trong kia, đi lầng quầng trong rừng đến bây giờ mới ra được quốc lộ, xin mấy ông làm ơn cho quá giang.
Lộc gật đầu tỏ vẻ hòa hoãn cho ông lão được an lòng:
-Chúng tôi cũng chỉ là hành khách thôi, để tôi hỏi bác tài xế xem.
Ông già tài xế đã nghe rõ từ đầu vội đưa tay ra dấu:
-Được rồi, lên xe đi, đêm cũng đã tối lắm rồi.
Lộc bảo bác tài xế:
-Tiền xe của ông bác này chúng tôi sẽ trả cho bác.
-Thôi khỏi, tui cũng không muốn lấy thêm tiền của mấy cậu làm gì.
Khi bước lên ngồi vào trong lòng thùng xe, ông già áo nâu chạm phải ánh mắt nghi ngại của Khọt, hay nói đúng hơn là sợ hãi của anh ta. Ông lão ngượng nghịu gật đầu chào:
-Chào chú, chú về đâu vậy?
Lộc đưa tay ra kịp ngăn lời của Khọt:
-Bác là người ở Chơn Thành?
-Dạ phải, tui có thằng con út đi lính sư đoàn.
-Anh ấy đóng ở đâu?
-Dạ gần cái ấp gì Ton Cui đó cậu.
Khọt xen vào:
-Sóc Ton Cui của người Miên.
-Dạ phải.
Chợt Lộc nhận ra còn hai cái bóng đen nữa đứng trong rừng nhìn ra, chàng giật mình thầm rên lên trong lòng. Trời ơi, nếu họ muốn giết bọn chàng thì quá dễ như trở bàn tay. Lộc hối hận đã quá lơ là khinh địch không đem theo khẩu súng Colt thân thiết của chàng. Lộc nghiêm giọng chỉ tay về hướng hai cái bóng người đứng lặng thinh hỏi ông già:
-Hai người kia là ai vậy bác?
Ông lão vò đầu bối rối:
-À, đó là hai chú lính mà ông chỉ huy phái đi theo giúp tui ra đến lộ cái.
Ông già đưa tay lên vẫy, ngụ ý ông đã được an toàn. Hai con người kỳ dị quay người lặng lẽ bước vào cõi đêm đen dày đặc, mất hút. Trong bóng tối, Lộc thầm gật đầu nhận ra sự thành thật của ông già, bởi chàng biết một số đơn vị bạn đang đóng ở đâu. Ông già khai báo ấm ớ thì có nghĩa là ông từ trong bưng ra thâm nhập thành phố để công tác phá hoại hay nằm vùng. Bây giờ thì chàng tin rằng ông già chỉ là một người dân bình thường. Câu chuyện trao đổi dần đi đến chỗ thân tình, ông già Chơn Thành rụt rè đề nghị:
-Nếu không chê thì xin mời Trung Úy và chú đây đến nhà tui nghỉ qua đêm, rồi mai sáng về Sài Gòn.
Bác tài xế từ phía trước hỏi vọng xuống:
-Ở Chơn Thành có ai chết vậy ông anh? Hồi sáng này tôi chạy qua đó thấy người ta dựng rạp kêu khóc om sòm.
Ông già Chơn Thành giật mình ấp úng:
-Thì ... ông Năm Thính trong xóm tui chớ ai. Chẳng biết bệnh chi mà bỗng dưng ông ta lăn đùng ra chết.
Khọt nhanh nhẩu xen vào:
-Chắc là trúng gió rồi.
Ông già Chơn Thành cắn môi ngần ngừ:
-Ông anh với Trung Úy và chú đây có khi nào nghe thấy chuyện người chết sống dậy chưa?
Ông già tài xế gật đầu, tiếng nói của ông chìm trong tiếng gió tạt ào ào vào hai bên thành xe:
-Chưa, nhưng đám ma đại kỵ mấy con ... mèo ...đen nhảy qua ...xác chết, thế nào nó cũng sống dậy thành quỷ nhập tràng.
Ông già Chơn Thành rên rỉ:
-Thôi chết, nhà ông Năm Thính mèo thiếu gì, đen, trắng, tam thể lu bù.
-Vậy đêm nay về đến đó ông nói thân nhân nhốt tụi nó lại hết. Ông Năm mà thành quỷ thì ông bắt hồn vợ con đi theo luôn hết đó.
Ông lão Chơn Thành đưa tay lên cãi:
-Đời nào, ông Năm thương vợ con lắm, ông thà chết chớ không bao giờ hại đến thân quyến.
-Ái dà, cái này là con quỷ nhập tràng chớ đâu còn là ông Năm nữa.
Ông già Chơn Thành đột nhiên mất bình tĩnh:
-Vậy thì ông anh chạy mau mau lên giùm, kẻo không còn kịp nữa!
Khọt lạ lùng hỏi:
-Làm gì mà bác nôn nóng như kiến bò trên chảo nóng vậy, chuyện nhà ông Năm thì để cho thân quyến họ lo.
Khọt chợt rùng mình, một luồng giá lạnh chạy dọc theo sống lưng, khi anh chạm phải tia mắt xanh biếc của ông già. Ánh mắt thật kỳ dị, âm u, lạnh lẽo và đầy vẻ dọa nạt. Ông già thở hắt ra một hơi dài dịu giọng:
-Chú không biết thì đừng nói càn.
Khọt tiu nghỉu gãi đầu chẳng biết phải nói gì. Lộc hắng giọng:
-Cái xứ này kỳ cục thật, chuyện người sống không lo, cứ nói chuyện ma quỷ mãi. Bác Tàu Ô ơi, mình đã đến làng xóm của bác chưa.
-Đã qua rồi mà cậu không để ý, bây giờ mình sắp đến Chơn Thành rồi ...
Từ con đường nhỏ bên lề quốc lộ dẫn vào một cái xóm nhỏ là ấp Chơn Tâm Đông. Còn một cái ấp khác ở về hướng Tây, nên người ta đặt tên cho nó là Chơn Tâm Tây. Cả hai ấp đều nằm trong khu vực của xã Chơn Chánh. Giữa đêm khuya dầy đặc một màu đen của những khoảnh rừng cao su vây quanh, từ xóm Chơn Tâm Đông hừng lên những ánh lửa hồng. Càng đi theo con đường đất đỏ dẫn vào ấp thì ánh sáng càng tỏ rõ, hòa theo cùng tiếng người lao xao. Đến một ngã ba, nếu tiếp tục đi thẳng thì sẽ vào đến trung tâm ấp, nhưng nếu rẽ về bên phải thì chẳng mấy chốc sau một khúc quành của rừng, chợt hiện ra một cái rạp nhỏ căng bằng mấy chiếc vải dù trái sáng màu trắng bạc, bên dưới có chừng một tá người đang ngồi bên mấy cái bàn ọp ẹp nhâm nhi trà nóng và thì thầm trò chuyện. Ở chỗ sân trống người ta chất một đống củi to đang cháy phừng phừng. Xóm ấp nghèo chưa có đường dây điện, ban đêm hội họp dân chúng chỉ cậy nhờ vào lửa củi là vậy.
Từ cái rạp vải dù, tiếp tục đi sâu vào thì đến cái ngạch cửa của một căn nhà vách gạch lợp tôn nho nhỏ. Từ bên trong căn phòng lớn sáng bừng một ngọn đèn măng sông treo đung đưa dưới cây đà ngang. Sát bên một bên vách nhà, một chiếc giường gỗ cũ kỹ, bên trên có một cái xác người được đắp bằng một cái mền cũ nhưng còn lành lặn. Cái xác người nằm dài xuôi tay, chiếc mền thì ngắn, nên hai bàn chân trắng bệch của cái thây ma thò ra ngoài. Một tấm vải thô đỏ đắp lên mặt người chết. Ở đầu giường thân quyến bày một cái bàn nhỏ, bên trên có lư hương đang nghi ngút khói nhang. Mùi hương loại nhang rẻ tiền tràn ngập không khí, ngầy ngật xộc vào mũi mọi người, tạo thành một cảm giác váng vất khó chịu.
Mấy ông chú, bác lớn tuổi ngồi quanh ấm trà xì xào bàn tán:
-Thời buổi này mua hòm tẩn liệm cũng vất vả quá, gần nửa khuya rồi mà sao chưa thấy tụi thằng Tình chở hòm về kìa?
Một ông chú nước da đen đủi ở trần, lồng ngực vồng lên những bắp thịt gân guốc phì phà điếu thuốc rê:
-Không có hòm làm sao mình cho anh Năm vô nằm được đây?
Không ai có thể trả lời được câu hỏi. Một ông cụ đầu bạc trắng có gương mặt hiền lành đăm chiêu suy nghĩ:
-Chú Tám nó nói phải. Tội nghiệp anh Năm, con người hiền lành chí thú. Thôi thì, nếu đến giờ phải cho anh Năm nằm hòm thì tui cũng đành nhượng cho anh cái hòm của tui.
Chú Tám nhìn ông cụ bằng ánh mắt cảm động:
-Anh Ba thật là người có tấm lòng, trời không phụ anh đâu. Dầu gì thì vợ con anh Năm cũng mua cái hòm khác trả lại cho anh.
-Hà, nghĩa tử là nghĩa tận. Anh Năm là con người hiền lương mà lại hay giúp đỡ láng giềng. Mình có giúp lại anh cũng là bổn phận.
Ông Ba hẳn phải là một người khá giả hơn cả trong xóm làng, nên ông đã mua sẵn một cái hòm đặt bên chái nhà chờ ngày vào nằm trong đó đoàn tụ với ông bà. Tiếng máy xe nổ từ phía quốc lộ vọng vào cắt đứt câu chuyện của mọi người. Chú Tám quăng điếu thuốc tàn xuống đất đứng dậy:
-Chắc là xe chở hòm về đến, thật đúng lúc, để tui vào nói chị Năm mình bắt đầu làm việc.
Bà Năm cùng người con dâu vợ của Tình, người con trai lớn trong gia đình, cùng mấy đứa cháu nội đang ngồi ủ rủ bên chân giường. Bà Năm đã khóc lóc vật vã tiếc thương người chồng quá cố từ lúc ông ngã xuống chết đi. Tiếng khóc của bà Năm vang vọng giữa đêm trường làm cho hàng xóm cũng bùi ngùi xúc cảm. Giờ đây bà Năm đã kiệt sức, bà nằm rũ người tựa vào bên chân giường, trừng trừng nhìn vào cái xác, như không tin rằng ông Năm ra đi một cách đột ngột và vô lý như thế. Anh Tình đi Bình Dương mua quan tài, chị Tình thay anh quán xuyến, cắt đặt công việc nhà. Mấy bà dì hàng xóm chạy sang đem nhang đèn, tìm vải sô may áo tang. Căn nhà nhỏ của bác Năm rộn rịp như một ngày lễ hội, nhưng mà là ngày hội đám ma trong một bầu không khí thê lương. Chú Tám xăm xăm đi vào bên chiếc giường khoát tay bảo:
-Cháu Tình đưa má cháu vô nhà sau nghỉ, để mấy chú bác làm việc.
Bà Năm rên rỉ, giọng khàn đục:
-Không, tôi muốn ở lại với ông tui.
Chị Tình dịu dàng khuyên nhủ:
-Mình đi chỗ khác cho mấy chú bác rộng chỗ, khi sắp đóng nắp áo quan thì má ra nhìn không trễ mà.
Mặc cho người mẹ trì níu, dùng dằng, chị Tình cương quyết kéo bà đi. Chú Tám ngồi xuống bên cái xác chết giở tấm vải điều đỏ lên khấn vái:
-Anh Năm sống khôn thác thiêng cho phép tụi tui làm lễ tẩn liệm để anh vô nằm an nghĩ.
Gương mặt người chết xám xịt màu đất, hai gò má nhô cao bởi bắp thịt hai bên mép môi hỏm xuống sâu hoắm. Dẫu là một con người gan dạ là thế mà chú Tám cũng rùng mình tưởng tượng đến một chiếc đầu lâu với hai cái hốc mắt sẵn sàng mở bừng ra hớp hồn chú bất cứ lúc nào. Bỗng có một vật gì mát lạnh, nhờn nhợt quấn quanh ống chân của chú Tám. Trong lòng rờn rợn nảy ra những tưởng tượng kinh hãi, máu trong người chú như muốn sủi bọt. Chú từ từ nhìn xuống, thì mèn ơi, chỉ là một con mèo mun đang cạ đầu vào làn da chai sần của chú, đôi mắt của nó ánh lên một vẻ khoái trá. Có lẽ những nốt da sần sù bọc chân chú Tám đã gãi ngứa cho nó. Chú Tám giận dữ gọi vào trong:
-Tụi nhỏ đâu, đứa nào thả con mèo mun này ra vậy, có mau ra túm cổ nó cho tao không?
Chị Tình hối hả bước ra hỏi:
-Chuyện gì vậy chú Tám?
-Hừ, tụi bây ơ hờ quá. Đám ma đại kỵ mèo chó, mày không biết sao?
Chị Tình tái mét mặt mũi:
-Dạ, dạ, con biết chớ, để con bắt nó.
-Ừ, nhẹ nhàng đừng làm nó sợ nó chạy bậy. Nó mà nhảy qua anh Năm, ảnh ngồi dậy là chú cháu mình rồi đời. Xong rồi cháu ra mời anh Ba với sư ông vô đây bắt đầu làm lễ ...
Chiếc xe lam đỗ xịch bên lề con đường nhựa, vẫn để máy nổ ông già An Bình nói với hành khách:
-Thôi đến nơi rồi, Trung Úy với ông anh và cậu lính này xuống đi, tui còn chạy vô xóm Tây tìm nhà người quen.
Ông già Chơn Thành ôm chiếc nón lá cũ trong tay tần ngần nói với Lộc:
-Trung Úy với chú này cứ đi sâu vô trong, đến ngã ba quẹo phải đi thêm một đỗi đường ngắn nữa là đến nhà tui. Trung Úy vào trước hỏi bà Năm Thính là vợ tui, nói tui gởi mấy chú nghỉ qua đêm.
Lộc ngạc nhiên:
-Bác không đi cùng chúng tôi sao?
Ông già lắc đầu:
-Tui bận chút việc sẽ vào sau. Chú nhớ nói bà xã tui nấu cơm mấy chú ăn rồi dọn giường mấy chú nghỉ.
Hai thầy trò Lộc vừa đi trên con đường đất đỏ vừa thì thầm trao đổi ý nghĩ của nhau về ông già kỳ lạ. Một linh tính lạ lùng thôi thúc, Lộc quay lại tìm dấu ông già thì bỗng dưng chàng giật mình, một nỗi sợ hãi vô cớ khiến cho chàng như hóa đá. Trời ơi, Lộc có nhìn lầm không. Chàng đã nhìn thấy gì. Lộc trông thấy ông già đang vung vẫy tay nói chuyện với hai cái bóng đen khác mà chàng chẳng thể hiểu nổi là họ đã xuất hiện từ lúc nào. Bỗng dưng hai cái hình thù đó hiện ra không từ một chỗ nào hết. Hay họ là ... ma. Lộc không dám đưa luồng tư tưởng đi quá xa, đến cái điểm mà chàng thường khinh thị chế diễu Khọt. Lộc tự hỏi phải chăng ở trên cõi đời này ma có thật, mà chàng là người đang trông thấy chúng. Khọt đi phía trước lẩm bẩm, không hẳn với Lộc mà với chính anh:
-Trung Úy ơi, tại sao ông già lại nói bà Năm Thính là vợ ông. Đúng ra cái ông Năm đã chết mới là chồng bà Năm Thính chớ.
Câu trả lời đã đến với Khọt ngay tức khắc, Khọt khủng khiếp nhảy lên ôm chầm lấy Lộc rên rỉ:
-Ôi, ông thầy, có lẽ nào ông già đó là ... là ... ông Năm hiện hồn lên nhát thầy trò mình?
Trong nỗi tê điếng bàng hoàng cùng một cảm nhận với Khọt, Lộc ú ớ nói không thành lời:
-Phải ... phải ... rồi, chính là ông ấy chứ còn ai vô đây nữa.
Từ phía ánh lửa có nhiều tiếng chân chạy thình thịch vọng đến. Lộc và Khọt ngơ ngẩn đứng nép sang bên đường nhìn vào. Chẳng mấy chốc mà hai thầy trò chàng đã có thể trông thấy năm, ba người kéo nhau vừa chạy vừa kêu rú lên:
-Con mèo mun nó nhảy qua cái xác rồi, chạy!
-Ông Năm thành quỷ nhập tràng ... chạy ... chạy ...
Khọt co giò định bỏ chạy theo thì anh trông thấy một con mèo đen phóng vút qua, đôi mắt đỏ khé của nó trừng trừng nhìn Khọt, hòa cùng tiếng gào eo éo như tiếng quỷ tru từ đáy mộ. Một người đàn bà trẻ dìu một bà lão tóc tai rũ rượi đuổi theo con mèo kêu la thảm thiết:
-Con quỷ, mày chết với tao, mày giỏi mày nhảy ...
Một cái bóng đen cao, ốm chạy sau cùng, khập khểnh. Trông thấy hai người lính đứng bên đường, cái bóng đen đúng lại thở hổn hển:
-Mấy chú làm ... làm ... ơn gọi mẹ con nó với bà con giùm, tui còn sống mà ...
Khọt hét lên hãi hùng:
-Trời ơi, ông già quá giang, chạy ông thầy, quỷ nhập tràng!
Hoàn toàn không tự chủ được lý trí, Lộc cũng co chân bỏ chạy theo. Nhưng cái con quỷ nhập tràng nhanh hơn, nó đưa tay ra nắm lấy cổ áo Lộc kéo lại rên than:
-Ông chạy đi đâu, trời ơi tui còn sống đây mà, quỷ ma gì.
Ánh lửa bập bùng từ xa tuy mờ nhạt nhưng vẫn có thể giúp Lộc nhận rõ gương mặt của ông già Chơn Thành. Lộc mong đợi sẽ được nhìn thấy những làn da nhăn nhúm gớm ghiếc. Nhưng tình thực thì, chập chờn trong cõi ánh sáng mỏng manh, hiện ra đôi mắt hiền hành của ông già cùng nụ cười chân chất. Lộc run run hỏi:
-Là bác à? Bác là ông Năm Thính?
Ông Năm gật đầu ôn tồn nói:
-Dạ phải Trung Úy, tôi là ông Năm Thính đây.
Trống ngực đánh thình thình, Lộc chăm chú nhìn ông già từ đầu xuống chân lạ lùng hỏi:
-Con mèo mun đã làm bác sống lại phải không?
Ông già lắc đầu cười rè:
-Không phải, chỉ là một sự trùng hợp thôi. Cái hồn của tui vừa được cho nhập trở lại vào xác thì đứa con dâu tui nó đuổi con mèo nhảy qua. Hì hì, tui còn sống nhăn, là con người chớ quỷ nhập tràng gì.
-Bác đi lên Srok Ton Cui làm gì vậy?
-Tui không biết, may có mấy chú với ông tài xế chở về đây, nếu không thì cái hồn ma của tui đi lạc mất luôn rồi. Có lẽ là có thằng con tui đóng quân ở đó, nên tui đi thăm nó.
-Thế còn hai cái con người nào đó theo bác đến đây là ai vậy?
Lộc trông thấy hai đóm lửa sợ hãi, kỳ dị ánh lên trong mắt ông già.
-Tui không nói được, chỉ hé cho Trung Úy biết họ không phải là con người!
Phạm Phong Dinh