Tưởng nhớ những người đã chết trong tù

LTS.- Trong những ngày gần đây, chúng tôi lại được nghe nhiều người nhắc về những người tù đã chết. Chúng tôi nhớ lại 5 ngày đầu tiên ở Trại Tù Trảng Lớn (Tây Ninh) đã có một người bạn đồng tù nằm xuống vì bệnh không nhà thương và thiếu thuốc men. Khi về đến Trại Tù Xuân Lộc chứng kiến ba người bị bắn chết khi vượt trại, thân xác bị kéo lê trên mặt đất một cách dã man. Hành động không ngoài mục đích uy hiếp những người tù còn sống. Rồi chính những người tù chôn các bạn tù năm xuống. Không có cả một manh chiếu rách để ôm lấy thân hình gầy gò của người tù ốm đói vì thiếu ăn dưới một ngôi mộ sơ sài cũng như một nén hương đưa tiễn.

Bao nhiêu trại tù sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 và bao nhiều người tù đã nằm xuống. Nhiều người tù đã chết trong trại nhưng may mắn được đưa về sum họp gia đình nhưng cũng còn không ít những cái chết oan uổng mà thân xác còn nằm ở những nơi thâm sơn cùng cốc hoặc đã bị Cộng Sản thủ tiêu một cách kín đáo không bao giờ tìm thấy.

Ngậm ngùi nhớ lại ngày tháng cũ, những người bạn tù dù không cùng trại nhưng chung một số phận. Nhớ lại những người đã chết trong trại tù như một trách nhiệm của người còn sống để chúng ta cùng thắp lên một nén hương lòng và lời cầu nguyện để linh hồn sớm về cõi vĩnh hằng.  

Chúng tôi hy vọng, một ngày khi thế hệ chúng tôi mai một thì thế hệ hậu duệ không thể quên giai đoạn lịch sử đau buồn này. Danh sách của những người chết trong tù rất cần thiết và được cập nhật để chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện những anh linh thiếu may mắn. Chúng tôi đã liên lạc với bà Khúc Minh Thơ, cựu Chủ tịch Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam cho biết danh sách này trước đây được Hội cập nhật trong giai đoạn vận động Chương Trình H.O. Danh sách này bà đã chuyển giao cho trung tâm lưu trữ tại Lubbock tiểu bang Texas – Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bà cũng cố gắng liên lạc với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vì cơ quan này vẫn còn lưu giữ tài liệu liên quan đến Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam.

Người Việt Dallas

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………  

TÙ CẢI TẠO.  - NHỮNG NỔI VUI BUỒN KHÓ PHAI

MX NGUYỄN VĂN LỄ.

 

 Có nhiều quyển sách nói người tù cải tạo ở miền Bắc nhưng rất ít ai nói về thân phận người tù miền Nam. Tôi chỉ là một trong hàng chục ngàn tù cải tạo trong Nam và mạn phép ghi lại những gì mình đã sống trong suốt sáu năm dài.

 ...Năm 1972 đang là sinh viên năm thứ hai đại học Khoa Học thì bị động viên vào lính, tình nguyện về tiểu đoàn 5 TQLC, đại đội 4. Bị thương trong năm 1973 và thuyên chuyển về TTHL/TQLC cho đến ngày tan hàng gãy gánh. Cựu trung đội trưởng bộ binh, cựu huấn luyện và cấp bậc thiếu uý, tôi đi tù vào tháng 6 năm 1975.

Sinh trưởng và lớn lên tại Biên Hoà tôi và các bạn bè khác trong tỉnh được đưa đến trại 8 để cải tạo.

 Phú Lợi, Bình Dương có 3 trại, đó là trại 8, 9, 10 thuộc liên trại 3. Xin nói thêm trại 8 bao gồm những anh em sống tại Biên Hoà, những ai sống bên kia sông Đồng Nai thì vào trại 9 và trại 10 là những anh em cư ngụ tại tỉnh Bình Dương.. Trong phạm vi bài này, tôi bỏ qua tất cả những bài học tẩy nảo, bỏ luôn những lời tuyên truyền láo khoét của các chính trị viên mà chỉ nói lên nổi vui buồn của mình trong suốt 6 năm tù.

Phú lợi nơi tôi cải tạo là khu gia binh củ của một sư đoàn 5 BB, khu nhà tiền chế chỉ còn những cây cột gổ thông ọp ẹp , toàn bộ bên trong hoàn toàn trống trải. Phân chia tổ, nhóm xong xuôi chúng tôi bắt đầu cuộc đời mới. Đời tù tội...Phú Lợi là vùng đất cao cho nên không thể đào giếng được, chúng tôi gần 500 con người trông chờ vào xe bồn hàng ngày mang nước đến. Dỉ nhiên ưu tiên cho bọn cán bộ khung, bọn vệ binh sau đó là nhà bếp và cuối cùng là tù. Những ngày đầu là một hoạt cảnh mà thượng đế cũng phải lắc đầu: Thùng to, nhỏ đủ hình dáng từ tròn vuông méo được gò từ tôn cho đến cái lon gô bé xíu. Chúng xếp thành hàng dài cả cây số. Vì sự khan hiếm nước mà có màn gấu ó, cãi cọ thiếu điều đánh lộn nhưng rồi cũng được dàn xếp êm xuôi của bạn bè. Sống chung chạ thiếu nước để xài, vệ sinh cá nhân bị hạn chế cho nên ghẻ bắt đầu hoành hành. Thoạt đầu là những mụn nước ở kẽ tay, chân sau đó ngứa, ngứa kinh khủng. Cứ nhìn anh chàng đang gãi ghẻ mà thấy buồn cười: Mặt đần ra như phê thuốc lào, nước miếng ứa ra bên mép, tay đưa lên xuống như chơi đàn guita và sau đó mặt nhăn lại như khỉ ăn ớt , miệng suýt xoa vì đau đớn. Sau kẽ tay, chân là toàn thân và cái hung hiểm nhất là bọn ghẽ tấn công vào chổ kín. Không có gì thô tục cho bằng là thọc tay vào quần mà gãi, gãi mê thôi, thậm chí có anh kéo quần nhòm xuống...Trời ạ! anh ta đang xác định cái của quí còn tốt hay banh xà rông rồi

-Mẹ kiếp! Bắn tao một phát còn sướng hơn là cái của nợ đang biến thành miếng thịt ôi

Sau vụ ghẽ là một chuyện tức cười khác, khó tin mà có thật. Số là trong tổ 7 có Nguyển văn Vinh, chúng tôi gọi là Vinh thiền bởi vì anh tập Yoga cho nên có những tư thế lạ mắt và thật nhuyển. Chính cái tư thế này mà lắm anh tò mò, hiếu kỳ lần mò tới và chuyện xãy ra:

-Tại sao cứ phải lệ thuộc vào cái ăn, cái uống như thế? Chung quanh có hàng khối thực phẩm đang chờ sẳn, chúng ta nên tận dụng chúng để nuôi sống bản thân.. Anh Vinh tuyên bố rất hách

Thế là bao cái mõ nhao nhao chất vấn

-Khí trời...Chúng ta hãy tận dụng cái ưu đãi thiên nhiên này

Thế là cái lớp học Yoga với khí trời làm thực phẩm được một số anh em hoan hô quá trời. Tôi không biết nó đi đến đâu nhưng sau đó với khuôn mặt xanh lè, đi đứng khật khừ như thằng người gổ thì lớp học này không trụ được. Năm đầu tiên là năm khởi đầu nhưng lại là quyết định cho đời tù tội lâu hay mau. Bài thu hoạch, bản tự khai là yếu tố cho các quản giáo quyết định . Những ai thành khẩn khai thật, khai hết với cách mạng là tốt, là tự giác và kết quả là một đoàn xe Molotova bít bùng đến xúc tất cả mang đến nơi khác . Cái khôi hài là những ai có thân nhân với cách mạng thì viết dài, viết 3 đời ông cố tổ có công và che che giấu giấu trông thật bẩn và ngay trong vài tháng đầu có 2 người ra về. Đó là Mai Huỳnh Lâm, con của Mai Văn Bộ thứ trưởng ngoại giao phụ trách Đông Âu, anh Lâm học cùng thời với tôi và phục vụ Sư Đoàn 3 KQ, người thứ hai là một thiếu tá phục vụ Bộ TTM khoá 17 Vỏ Bị, kế tiếp là 2 bác sỹ tên Hoàng và Dân. Riêng tôi thì cứ là trung đội trưởng bộ binh mà khai tới nếu bị vặn hỏi thì trã lời là bị thương. Hồi trong quân trường Thủ Đức với 4 tuần huấn nhục, các huynh trưởng khoá 4/71 đã từng la làng với đàn em: Tự giác là tự sát. Nhớ lời vàng ngọc ấy, tôi cứ thế mà khai trong thu hoạch, chắc ăn hơn tôi viết lại làm nháp cho những lần tới.. Tôi không hiểu tại sao có nhiều bạn bè ngây thơ đến nổi là khai mình không có tội với cách mạng. Thí dụ như Châu Tự Do:

-Tôi là sỹ quan làm văn bằng ở Bộ TTM, không cầm súng và chả bắn đến một viên đạn cho nên không có tội với ai cả

Hoặc bác sỹ Dương Văn Hoàng phát biểu:

-Là bác sỹ ở bệnh viện 3 dả chiến, tôi cứu người, trị bệnh nên không có tội với cách mạng

Thế là tên quản giáo Lập mắng té tát vào mặt:

-Anh này làm bằng tức là động viên cho Ngụy lên tinh thần chống phá chúng tôi, tội này là chiến tranh tâm lý nặng gấp trăm lần so với các anh cầm súng. Còn anh kia bảo mình là bác sỹ, là không có nợ máu với nhân dân? Tội chữa trị cho quân Ngụy mau lành bệnh và tiếp tục cầm súng chống lại cách mạng là to lắm đấy

Thế là cả hai xám xanh mặt mũi vì sợ. Cũng có lắm trường hợp đoạn trường không kém, đó là Trần văn Hồng, Hồng ra đi trong chiếc xe bảo táp cùng với thành phần thứ dử như: Phùng văn Thốc, đại đội trưởng 62 Dù, Thọ già, Lôi Hổ,Bùi văn Lực, Sở Liên Lạc ..v..v..Hồng bị liệt vào thành phần ác ôn bởi vì quá thật thà. Anh khai là thiếu uý An Ninh Thiết Lộ, hai chử An Ninh nghe phát ớn thế mà khai trong bản thu hoạch mới chết người. Tại sao không khai bảo vệ xe lửa hoặc gì gì đó mà cứ là An Ninh. Người thứ hai là Nguyển Văn Hiệp, hạ sỹ thiết giáp, anh học tập chung với những sỹ quan cấp uý. Không một ai biết về sự oái oăm này, mãi sáu tháng sau trong bài thu hoạch cuối cùng anh mới khai ra lý lịch của mình. Chúng tôi sững sờ vì sự việc động trời này. Hiệp mếu máo phân trần:

-Trước kia, em mang lon thiếu uý để cua bà xã, ngày giải phóng mấy con mẹ nằm vùng hăm he quá nên em sợ, hơn nữa bà xã khuyên đi học cải tạo, học mươi ngày rồi về và qua 6 tháng không thấy gì nên đành khai thật với cán bộ

Nhưng với cộng sản thì với quan niệm thà giết lầm hơn bỏ sót, họ nghi ngờ anh ta là CIA nên không tin những gì anh Hiệp nói cứ nằm ấp trước đã. Bên cạnh những người được xét tha thì bạn bè tôi cũng tự mình xét tha mà chẳng thèm nhờ đến chính sách khoan hồng của bọn cộng sản. Đó là Lê hữu Phúc, con rể của đại tá Công, Quân Đoàn 3, anh vượt trại vào nửa khuya cùng với Nguyển Bá Trác. Cả hai tự tìm con đường riêng cho mình, vì họ biết sự man trá của Cộng sản...15 năm sau, cháu Lê hửu hạnh Phúc Khánh Như, con của anh Lê Hửu Phúc đã nói

-Ba con mất tích từ năm 1975 và đến giờ má con củng không biết ông ở đâu? Sống hay chết?

Đó là một trong nhiều trường hợp tự xét tha cho mình mà chẳng cần nhờ đến lòng khoan dung giả trá của bọn cách mạng, tôi sẽ kể phần kế tiếp..

Thành Ông Năm, Hốc môn năm 1976-1977

Liên trại 3 giải tán, chúng tôi được đưa về Thành Ông Năm, Hốc Môn đây là bộ chỉ huy của Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo trước năm 1975. T2 là nơi thứ nhì trong sáu trại học tập mà tôi đã qua. Theo tổ chức của trại, mổi T tương đương một tiểu đoàn, ngoài cùng là T3, T2, T5, đối diện T5 là T4 và trong cùng là T6. T2 là T hắc ám nhất trong 6T và tôi sống chỉ duy nhất một năm trời ở đây nhưng cũng có nhiều kỹ niệm về nó. 

Kỹ niệm thứ nhất là gặp nhà điêu khắc lừng danh Nguyển Thanh Thu, anh đến T2 sau vụ nổ kinh hoàng ở trại Long Giao. Dáng người thấp, đậm người anh Thu có vẻ là một lực sỹ hơn là nhà điêu khắc và cái cảm nhận đầu tiên về con người lừng danh này thật khó tả. Cái áo ngắn tay được may vụng về bằng vải bao cát, mái tóc quăn tài tử nom anh khôi hài và tàn tạ. Trong ý nghỉ của tôi thì anh Thu phải là ngoại hạng vì bức tượng Thương Tiếc đã làm bọn lính chúng tôi choáng ngộp về tài năng ấy. Tôi lần mò làm quen khởi đầu hỏi về hội hoạ, điêu khắc và anh sốt sắng trả lời rành mạch, thế là chúng tôi thân nhau và tôi được anh Thu cho xem quyển phác thảo của mình. Trời ạ! Toàn là hình mấy cô gái không hà. Đa số là hở ngực với suối tóc hờ hững ngang vai, nét vẻ thật tài tình và màu phấn tiên đậm lợt làm cho thằng tôi muốn chết vì nhớ thèm. Thanh của nghệ thuật và tục của lòng người xem. Với anh Thu thì hội hoạ là sự đam mê là nghệ thuật, là thanh cao nhưng với lũ phàm phu tục tử như quản giáo Hai Thơ là hủ hoá là bậy bạ. Và một khi ăng ten báo lên thì nạn nhân là nhà điêu khắc tài ba này. Chúng xé tan xé nát bản phác thảo chà đạp lên trên đó với sự gớm ghiếc. Anh đi giữa 2 tên vệ binh đầu cuối xuống với vẻ cam chịu, tôi muốn rớt nước mắt vì hình ảnh đó. Bức tượng Thương Tiếc đã đưa anh đến đỉnh vinh quang nghệ thuật thế mà bây giờ là một tội đồ vì vẻ hình bậy bạ..Anh Thu vì quá tin vào đồng đội của mình, ngây thơ trước tên ăng ten mà mang phô bày những hình ảnh đó, nếu anh khôn khéo và giữ mình thì chắc không có chuyện. Câu chuyện chưa dừng lại đây, tên đồ tể Hai Thơ đày đọa anh bằng cách tống vào Conex. Một cái thùng sắt được đặt trên con lộ nhựa đá, bít bùng và ngộp thở đã vậy với cái nắng của buổi trưa hè gay gắt thì cảm giác của người bị nhốt trong đó khủng khiếp như thế nào. Sau này vào khoảng 1979 anh Thu lại vào Conex lần thứ hai, lần này nặng hơn vì lén gởi quyển hồi ký qua người bạn được xét tha, trong quyển hồi ký anh đã nói về sự tàn bạo của cộng sản với người tù..

Chính thời điểm này tôi bắt đầu tin vào sự huyền hoặc của môn tử vi và anh Nử là người hướng dẩn và giúp tôi tìm hiểu về nó. Học đặc tính sao, an sao trong lòng bàn tay, luận đoán một lá số, anh Thâu thì dạy xem chỉ tay và bác Hoàng về tướng mệnh...Đang học ngon lành thì có tin chuyển trại, trước ngày đi một hôm anh Nử bấm tay và trịnh trọng nói

-Chú mày đi về hướng Tây, cực khổ và tăm tối nhưng không ở đó lâu. Ráng mà giử mình

Cà Tum, Tây Ninh T4 năm 1977-1978

Tôi về hướng Tây như anh Nử tiên đoán, đó là trại Cà Tum không xa biên giới Kampuchia, khoảng 3 cây số đường chim bay, hình như có tất cả là 6 trại từ T1 cho đến T6. Chúng tôi về T4, lại một T hắc ám, duy nhất có 3 anh em về khối 2. Đó là Huỳnh Kế Hiếu KQ, Nguyển Ngọc Lâm ND và tôi TQLC. Tên tổ trưởng Nhơn, trung uý Hải Quân đón chúng tôi ngay cửa với thái độ trịch thượng và kẻ cả. Cái nhìn đầu tiên về tên này làm tôi không vui trong bụng: Mắt trắng môi thâm xì mà bác Hoàng vẫn thường nói là hạng giảo hoạt và bất lương. Và điều này đã chứng thực, ngay trong buổi họp tổ đầu tiên, tên Nhơn đã đập bàn quát tháo với Hiếu

-Đây là buổi họp tổ chớ không phải là cái chợ. Anh câm miệng

Tôi không ngờ một đơn vị nổi tiếng hào hoa phong nhả như Hải Quân lại sản xuất một tên đầu đường xó chợ như vậy..Huỳnh Kế Hiếu tím mặt và tôi củng thế, nếu có dịp chúng tôi sẽ dạy cho tên mất dạy này một bài học. Có thể nói những anh em này đã bị đưa lên đây ngay từ năm 1975, với sự đày đoạ cùng với cuộc sống thiếu thốn và mù tịt về thông tin cho nên con đường duy nhất là phấn đấu và phấn đấu để thành người tốt, nhất là các cấp trưởng. Họ tận tụy phục vụ cho bọn cán bộ quản giáo như con chó trung thành mà quên đi mình đã từng là sỹ quan trong QLVNCH. Tên khối trưởng Thượng khi được xét tha và về T5 nằm chờ làm thủ tục giấy tờ thì các anh em nơi đây đã ra tay:

-Đ.. Mẹ nghe nói mày là Hùm Xám ở Cà Tum? Sỹ quan hèn như mày thì phải đánh một trận cho nhớ đời

Một cái mền trùm kín mặt mũi tên Thượng và trận đòn hội chợ tới tấp giáng xuống không thương tiếc. Đó là cái giá phải trả cho việc làm của mình, những con chó săn cộng sản...

Về khối 4, T4 tôi và hai anh bạn Hiếu, Lâm đi lao động như bao người khác. Làm theo chỉ tiêu giao khoán và sẽ có tổ nghiệm thu tại trại. Nhiệm vụ của tôi là vào rừng chặt le, mổi cây dài đúng một thước, Le phải già và đường kính tròm trèm trên 20 mm. Chỉ tiêu là 20 cây, ngày đầu tiên đi cùng với người cũ để được hướng dẩn. Vào rừng le mới thấy cái nguy hiểm và gian khổ của nó, dày đặc và mọc san sát không thấy ánh mặt trời, với chỉ tiêu nặng như thế phải tìm kiếm quan sát tứ phía, mổi chổ một cây sau đó gom lại thành bó. Bò dưới những thân le oằn sát đất, lê lết trên mặt đất, hoặc len vào bụi để chặt cây vừa ý. Đôi lúc hạ xong một cây thì lại vướng dây leo, hoặc sau khi thu gom thì lạc mất lối ra cứ loanh quanh trong rừng le tối om. Khi vào phải định hướng mặt trời, và lâu lâu hú to để báo hiệu cho bạn bè biết rằng mình đang trong rừng le . Vác một bó le 20 cây trên vai với đoạn đường gần 3 cây số thì người tù đổ không biết mồ hôi, nhục nhằn....

Sống 3 tháng thì chứng kiến cái chết đầu tiên của bạn tù, một cái chết lãng nhách và kỳ cục..Anh Thành, trung uý hải quân cùng hai người bạn leo lên nhà bếp để lợp mái, không cao lắm non độ 3 thước, nhưng mối lạt của đòn ngang tuột ra. Cả ba rơi xuống đất, Thành chết tại chổ còn hai người kia chỉ xây sát tay chân xoàng. Nguyên nhân cái chết là gãy cổ. Là đai đen Nhu đạo, Thành uốn lưng theo phản ứng tự nhiên của con nhà vỏ khi rơi xuống , nhưng định mệnh bắt anh nằm xuống mãi mãi ở vùng đất Cà Tum này. Vài hôm sau anh Nguyên, bạn thân của Thành đưa cho tôi quyển vở học trò và bùi ngùi nói:

-Trước khi chết vài ngày, bạn gái của Thành có lên thăm nuôi, từ giã lần cuối cùng để rồi chia tay vỉnh viển, cô ta không thể chờ đợi được mối tình vô vọng

Thành sơ ý hay vì mối tình dang dở mà tự hủy hoại đời mình? Tôi không biết nhưng chắc chắn là anh chết năm 27 tuổi, chết đúng vào đầu đại hạn 10 năm 25-35. Tại sao tôi biết và khẵng định như vậy. Quyển vở học trò mà Nguyên trao lại có lá số của Thành cùng với lời luận đoán trọn đời. Năm 27 bỏ trống hoàn toàn. Té ra Thành cũng nghiên cứu tử vi như tôi và người nào đó âm thầm truyền lại môn huyền bí này cho anh. Từ cách an sao, Luận cách và câu phú nhưng hoàn toàn theo trường phái Đông A di sự. Người sư phụ biết trước những gì sẽ xãy ra cho đệ tử của mình nhưng không thể làm khác. Quyển vở theo tôi suốt mấy năm trời và cuối cùng bị tịch thu ở Z30D, Hàm Tân...

Sau cái chết của Thành tôi lại chứng kiến cái chết của Huỳnh Hồng Quang, cấp bậc đại uý. Quang trốn trại và bị bắt bởi bộ đội biên phòng ngay tại biên giới Kampuchia, anh bị áp giải trở lại trại. Bọn vệ binh, quản giáo hành hạ tra tấn liên tục, hàng đêm tiếng rú đau đớn của Quang bởi bị đánh đập vang lên lồng lộng

Và anh chết trong nổi khủng khiếp của đọa đày. Bọn cầm thú nhốt anh Quang dưới hầm tối nhưng cái ghê rợn nhất là cùm tréo, bạn hình dung ra lối cùm này bao giờ chưa? Hai tay xỏ vào tấm ván khoét sẳn hai chân cũng vậy như ở tư thế ngược lại, nghĩa là xương sống bị vặn đi một góc độ nào đó, anh chết vì đau đớn, kiệt lực và bởi lũ kiến đen. Phải, lủ kiến đánh hơi mùi máu nên bò xuống, chúng rúc vào các vết thương cắn xé...Hôm đó tôi và Hiếu được lệnh ở nhà làm công tác khác: Chôn anh Quang. Toán có 4 người, một công tác đau lòng là chôn bạn tù..Anh Quang nhẹ tênh không còn bao nhiêu xương thịt, quần áo rách rưới và đầy máu, khi đặt anh trên bãi cỏ, lủ kiến đen từ trong người anh bò ra. Hiếu lấy chân dí mạnh xuống với nổi tức giận tột cùng:

-Đ...Mẹ..Tao giết chúng mày. Đồ chó đẻ

Khi đưa Quang xuống huyệt, Hiếu nhìn mãi xuống dưới, ánh mắt uất hận và anh vượt trại năm 1978 và người nhà không bao giờ nhìn thấy đứa con của mình. Cái chết của anh Quang đã đưa đến quyết định trốn trại của bạn tôi sau này

Tiếng súng AK vang lên từng hồi nghe rất rõ, chúng tôi hoang mang và bắt đầu sợ hải. Một Mậu Thân thứ hai chăng? Bọn chúng sẽ đập đầu chúng tôi bằng cán cuốc, hay xả súng giết hàng loạt, bởi vì quanh trại được bao bọc bằng hàng rào tre và có hào sâu bên dưới. Nhưng may mắn không có việc tàn sát mà lại có đoàn xe Molotova chờ sẳn bên ngoài. Chuyển trại và xét tha, ai có thân nhân cách mạng sẽ ra về, còn ai trọc đầu thì tiếp tục đoạn đường chông gai trước mặt. Đi mà không biết có ngày về!

Long Giao, nơi tạm dừng

Chúng tôi đến Long Giao vào xế chiều và tạm thời ở đây để giúp bọn bộ đội thu hoạch vụ lúa mùa. Long Giao hoang tàn vắng vẻ chỉ duy nhất có chúng tôi, người tù từ Cà Tum chuyển đến, ngoài gặt lúa, phơi lúa tôi cùng các bạn đi vào tận chân núi chặt tre rừng, hoặc thu hoạch khoai lang...Tôi có những ngày thảnh thơi ở đây, Hiếu cùng tôi ngồi dưới tấm bạt múc từng muổng bắp giống cứng như đá đưa vào miệng, vừa nhìn quanh để đề phòng cặp mắt cú vọ của tên quản giáo, hắn muốn lúc nào cũng có người trên sân phơi.

Và với tên Nhơn, tổ trưởng cà chớn ngày nào lại gặp nhau.. Chiều hôm ấy, tôi, Hiếu và Lâm theo tên Nhơn ra giếng. Giếng ở Long Giao thì khỏi nói, sâu thăm thẳm không nhìn thấy đáy, chúng tôi đứng quanh tên Nhơn, cạnh đấy cũng có vài người đang tắm. Hiếu lên tiếng liền:

-Ê, tổ trưởng Nhơn. Mình tính chuyện phải trái với nhau đi. Cà Tum là nơi mày làm vua làm chúa để kiếm điểm. Nhưng về chưa? Hay vẫn tiếp tục như tụi tao?

Nói xong Hiếu xông vào ghì chặt lấy tên cà chớn, tôi và Lâm giạt ra, mắt lườm lườm nhìn các bạn tù khác như canh chừng sự can thiệp của họ

-Tao ném mày xuống giếng.. Đ. Mẹ.. Hải Quân không có loại người như mày. Đồ chó chết

Khỏi nói sự kinh hoàng của tên Nhơn, hắn mếu máo van xin rối rít. Chúng tôi không sợ bọn bộ đội vì trại bao bọc bởi hàng rào kẽm gai và dây leo chằng chịt và trời đã tối. Các người khác lặng thinh không ai lên tiếng. Mãi lâu có người khuyên:

-Thôi mấy anh tha cho nó đi, dù sao mình cũng là tù với nhau. Hắn có chết cũng chẵng ai quan tâm nhưng còn vợ con ở nhà..Dằn mặt một lần là đủ rồi

Một trận đòn giáng xuống tới tấp, Hiếu vừa đá vừa hậm hực quát:

-Nhớ nghe con, nhớ trận đòn này mà sáng mắt ra và nhớ đời

Chúng tôi ở tròn 3 tháng thì dời trại

Thành ông Năm, Hốc Môn 1978-1979

Chúng tôi trở lại Hốc Môn nhưng ở T3, một T nhàn hạ nhất trong các T..Tôi phân về Đội 2 dãy nhà ngang nằm giữa đội 1 và 4, kế con đường đất và tấm sắt dầy bắt ngang con mương nhỏ. Căn nhà với mái tôn và chổ ngũ là những tấm thép dầy, không ai dám đặt lưng lên trên đó vào buổi trưa vì nóng quá, thường thì ra ngoài căn nhà nhỏ sát bên để tán dóc. Căn nhà được dùng làm nơi hớt tóc cho toàn trại và nơi mà mọi tin tức trao đổi.. Thành Ông Năm chả có việc gì làm, sáng sáng thì ngồi tán gẩu kể lại thời chinh chiến. Tôi quen với anh Của, đại uý phuc vụ Liên Đoàn 5 CB, đại uý Long, phi công C130 và các bạn mới: Tạ văn Muôn, thiếu uý Điạ Phương Quân và đại uý dược sỹ Anh, phòng quân dược sư đoàn Dù..Dược sỹ Anh ốm cao người Bắc vẫn thường chơi bóng chuyền với tôi và Muôn. Chơi cá độ bằng nồi chè đậu xanh , có lần tôi và dược sỹ Anh leo rào qua T2 để chơi bóng chuyền cá độ cho bầu Lễ sau đó bị bộ đội rượt đuổi, may mắn là không bị tóm cổ..Dược sỹ Anh trốn trại ở Bù Gia Mập và chết cùng một số anh em khác mà tôi sẽ kể tới.. Trận chiến với bọn Khme đỏ ở biên giới đã dậy lên phong trào trốn trại ngày càng đông, trong đó có Nguyển Thanh Vân phi công A37 và định cư ở Anh Quốc sau đó, Huỳnh Kế Hiếu không quân đi trong dịp này. Hiếu trốn trại với sự tính toán mà ai ngờ đến, anh đi thẳng vào trại gia binh của bộ đội và từ đây thong thả ra ngoài sau khi bước qua bờ hào nhỏ. Chính vì trốn trại ngày càng nhiều mà bọn cán bộ tăng cường lính gát và bắt chúng tôi vét hào sâu hơn nữa, nghĩa là muốn vượt trại phải qua cái hào rộng và sâu sau đó bò lên bờ thành cao vút, qua lớp hàng rào kẽm gai. Và nơi đây là cái chết của anh Phan Quang Kiếm. Kiếm phục vụ ở đơn vị Biệt Cách hay phòng 7 TTM mà tôi không rõ vì khác đội.....Hôm đó trời mưa lớn, mưa ngay từ chiều, chúng tôi đang ngũ say thì một loạt súng nổ từ phía lò rèn, ngay sát đội 2 sau đó là có tiếng chân chạy qua cái cầu sắt, không phải là 1 mà là 3 người. Nói tóm tắt là có người trốn trại và nội vụ đổ bể. Không đầy 5 phút sau tên quản giáo Hai Vẹo với cây đèn pin sáng loáng và cùng mấy vệ binh đi vào nơi chúng tôi trú ngụ. Hắn soi từng người một và quan sát các đôi dép, những ai có đôi dép ướt, có bùn là bị áp tải lên trên khung. Thật ra họ chỉ oan uổng thôi, đi tiểu bên ngoài vào đúng thời điểm trốn trại..Ăn báng súng, nhốt Conex chỉ cái tội vu vơ là đôi dép bị ướt. Tôi biết chắc toán trốn trại ở đội 4, thật xa chổ vượt trại. Sáng hôm sau chúng tôi được lệnh mang Kiếm đi chôn. Anh nằm ngữa trong hào đầy nước, ngực bắn nát bét, mắt còn mở trừng trừng như không tin là mình lại chết. Cho đến giờ này tôi vẫn không hiểu tại sao toán của Kiếm laị chọn nơi đây làm lộ trình, bởi vì từ mấy ngày qua đội của tôi đã vét sâu con hào, mở rộng bờ mương và bọn cán bộ đã tăng cường vọng gát, bắt thêm đèn...Một kế hoạch vội vã, hay là chưa nắm vửng tình hình mà đến nổi. May mắn chỉ một mình Kiếm chết nếu bọn gát không nóng vội thì có lẽ không còn một ai sống sót để trở về. 

Bù Gia Mập năm 1979-1980

Thời điểm này, Thành Ông Năm giải tán, tất cả các T dồn về T6 để chuẩn bị ra đi, cũng như thường lệ luôn luôn có kẽ may mắn và người bất hạnh. Tôi thuộc nhóm thứ hai bởi vì biết mình không có ai hoạt động bên kia và đã phục vụ trong đơn vị thứ dử. Đoàn xe chở chúng tôi đến vùng lạ hoắc và nổi tiếng từ thời chiến tranh: Bù Gia Mập...Từ ngã ba Minh Hưng nếu đi thẳng sẽ lên Quãng Đức, rẽ trái theo con lộ 10 sẽ về Bù Đăng, Bù Đốp và từ nơi này lại có ngã ba thứ hai. Đi Ban mê Thuộc nếu sang phải, về Phước Bình( Phước Long, Bình Long) nếu rẽ trái. Nơi chúng tôi đến chính xác là Bù Noi. Bù Noi cách Minh Hưng khoãng 3 cây số đường đồi, ngoằn ngoèo và trơn trượt, sau đó rẽ trái là đi về đoàn 316 nơi chúng tôi cải tạo. Khi đến nơi, lán trại còn đó nhưng hoàn toàn trống lốc không còn ai. Có lẽ những người trước đã về hay chuyển trại, chỉ duy nhất có 3 người: Anh Khương, Phi và Lai. Ba anh đã có lệnh xét tha nhưng vì kẹt không có ai hướng dẩn người mới nên đành phải ở lại. Tôi về khối 2 do anh Phi, trung uý Pháo binh làm khối trưởng, có lẽ biết mình sắp về nên anh ta rất dễ chịu trong việc phân công tác, chúng tôi có những ngày thoải mái tại vùng đất ghê hồn này. Tại sao nói là ghê hồn? Vì Bù Noi không có đến ngọn cỏ, cành cây để cải thiện, ngoại trừ rừng già bạt ngàn, cái khũng khiếp nhất là vắt và ve. Đi vào khu lạ thì khỏi nói , hàng ngàn vắt ngóc đầu ngo ngoe chờ đón, chặt một thân cây mang ra thì người đầy vắt, lột sạch áo quần ra để bắt và máu tuôn ra thành dòng từ vết cắn, và một thứ cũng không kém ghê rợn là ve, giống như ve chó chúng rúc sâu vào da thịt nằm đó để hút máu, chỉ khi nào nạn nhân nóng sốt và sờ đến chổ nào đau đớn thì y chang là ve. Biện pháp duy nhất là lấy điếu thuốc lá dí vào, dí cho ve chết rồi mới bắt ra, vì ve bị nóng sẽ tự động hả hai cái càng và không bị làm độc, bản thân tôi đã bị ve cắn nhưng không có kinh nghiệm nên vết cắn thâm đen và chảy nước vàng liên tục, hàng mấy tuần lể mới hết. Nhiệm vụ của chúng tôi là vun gốc mì và làm các hố phân xanh để chuẩn bị cho việc trồng cao su sau này.. Chỉ tiêu rất nặng, vun một luống mì chiều dài 100 mét, vun đúng tiêu chuẩn và do bọn vệ binh nghiệm thu. Chặt cây cũng thế, đường kính phải từ 25-30cm, dài 2m trở lên và đi đoạn đường cả năm ba cây số trên đồi dốc trơn trợt

Tuy vất vả nhưng người cải tạo phải thích ứng với hoàn cảnh khó khăn này, sau khi hoàn tất chỉ tiêu toàn bộ lao vào rừng cải thiện. Như đã nói trên rừng già Bù Noi không có đến ngọn cỏ cành cây để ăn ngoại trừ khoai mì. Khoai mì bạt ngàn thế là từng bao cát khoai mì được ăn cắp mang về đề bồi dưởng sức lực sau một ngày gian khổ. Anh em phải băng rừng, vượt suối luồn lách để khỏi bị bắt bởi bọn vệ binh và cái gía phải trã là sốt rét. Sốt rét thường lẫn ác tính luôn rình rập người tù, dù đã phòng hờ trước bởi những viên ký ninh, nhưng suốt ngày lặn lội trong rừng thì sớm hay muộn căn bệnh này sẽ đến thôi.

Trên lộ 10, cứ tảng sáng chúng tôi đi từng tốp với nhau, vừa đi vừa trò chuyện vui vẽ . Có tiếng huýt sáo của ai đó vang lên, thế là im bặt. Chúng tôi đang chờ và chiêm ngưởng cái hạnh phúc đến với mình. Trời ạ! Mấy cô Thượng với cái gùi trên vai đi ngược chiều đến: Bộ ngực trần no tròn săn chắc, rung rinh theo bước chân. Thật hấp dẩn, tôi dám cá 100 phần trăm là các cô thành phố không một ai có bộ ngực như các cô Thượng này, có tiếng trầm trồ khen, chê loạn xạ trong đoàn người. Trăm con mắt cứ nhắm vào bầu vú mấy cô mà không rời, dỉ nhiên mấy cô cũng biết điều này nên có vẻ lúng túng, ngượng ngập

Ngắm và thưởng thức các bộ ngực no căng của các cô thôi, chứ mấy bà già thì chao ôi kinh khủng quá y như quả mướp héo: teo nhách , dài thoòng .Nhưng chắc chắn một điều là người mấy cô hôi lắm: Một mùi khét nắng, mùi mồ hôi và mùi đặc trưng của người thiểu số làm chúng tôi ngán ngẩm dù thiếu vắng đàn bà. Với mấy cô, chúng tôi có chút cảm tình nhưng với đàn ông thì ghét và thù địch ra mặt. Thậm chí vài anh em cải tạo hung hăng thách đố:

-Ê... Đồng bào dám bạt co tay đôi với tao không?

Sở dỉ có chuyện như vậy vì bọn Thượng ở đây có khuynh hướng thân Cộng. Bài hát’’ Tiếng chày trên sóc Bom bo’’ là điển hình. Bom bo không xa nơi chúng tôi ở khoảng vài cây số đường chim bay và bọn Thượng cộng nơi đây ghê gớm lắm. Chúng một mình, một súng bương rừng theo dấu tù cải tạo và hạ sát toàn bộ. Lũ mọi rợ này thích giết người, giết cho sướng tay chứ không muốn bắt về.

Sở dỉ chúng tôi biết vì toán anh Ngởi, một cầu thủ bóng đá có hạng cùng với 5 người bạn trốn trại. Không lâu sau tên Sáu Dũng, chính trị viên tiểu đoàn họp toàn bộ chúng tôi và thông báo: Toán người trốn trại đã bị du kích sóc Bom bo giết chết tại Bù Đăng, biên giới Kampuchia, để chứng minh tên này cho mang ra toàn bộ vật dụng của người chết. Sau toán vượt trại của anh Ngởi, còn có toán của dược sỹ Anh, phòng quân dược sư đoàn Dù cũng bị bọn du kích nơi đây hạ sát..Đa số những vụ trốn trại không thành, thường thì chết mất xác không nghe tin tức hoặc bị giết hại bởi Thượng cộng nhưng có trường hợp ngoại lệ mà tôi sẽ kể cho bạn nghe. Tên họ của người trốn và kẽ giúp đở là thật và hiện sống tại Cali....

Lúc đó tôi là khối phó lao động, nhiệm vụ làm các hố phân xanh cho việc trồng cao su. Mai Huy Ninh, sỹ quan quân lương liên đoàn 33 BĐQ là tổ trưởng tổ 2, tôi phải đi từng tổ phân phố khu vực và chờ nghiệm thu. Lúc đó 3 giờ chiều, có lệnh ra về, các tổ báo cáo quân số và thiếu anh Ninh..Ban đầu mọi người cứ tưởng là anh ta đi lạc nhưng luận cứ bị bác bỏ vì làm phân xanh đâu cần phải đi xa, xung quanh khu vực có hàng khối cây cỏ chờ sẳn. Tên vệ binh bắt tôi cùng hai người khác vào rừng tìm kiếm. Rừng già về chiều vắng teo và đầy nguy hiểm vì trước đó ban chỉ huy đoàn 316 có thông báo là có con cọp lớn vừa mới tới khu vực. Chỉ có con dao rừng nhỏ xíu trên tay, tôi và 2 anh bạn la to tên anh Ninh cho bớt sợ và mục đích cho cọp né đi nơi đi khác, nhưng hoài công vô ích và cái gía sau đó tôi phải làm bản kiểm thảo vì cái tội không quản lý tổ viên và mất chức đội phó. Việc mất chức đội phó không làm tôi buồn mà trái lại, một chức nhức đầu và mang tiếng với anh em. Không hoàn thành chỉ tiêu thì bị kiểm điểm và làm đúng thì bị anh em chửi rủa, oán thù...Tôi làm tổ viên bình thường như các anh em khác và vẫn suy nghỉ về việc Ninh mất tích. Anh ta thực sự lạc lối trong rừng già hay trốn trại? Và trước khi về Z30D, Hàm Tân thì câu chuyện hé mở:

Anh Ninh có người anh em họ là bộ đội đang phục vụ tại căn cứ Sóng Thần, đơn vị tên lửa,cấp bậc đại uý. Chính tên này đã lên tận Bù Noi chở Ninh về thành phố. Hôm đó sau khi được tôi giao khu vực công tác, anh Ninh nhờ người tổ phó trông dùm tổ và than thở là bịđau bụng, là sỹ quan quân lương nhàn hạ và không rành mấy về rừng rú nên Nguyển Hửu Hạnh, lính sư đoàn 7 BB là bạn thân dẩn đường. Hai người xuyên rừng ra đến lộ 10, tên bộ đội người nhà chờ sẳn với chiếc Hon da, Ninh thay áo quần và mặc vào đồ bộ đội với cấp bậc thiếu uý. Anh Ninh, người Bắc và cùng với mọi giấy tờ giả mạo đã đi thật dễ dàng, sau đó vượt biên và đến Mỹ. Hạnh cũng đến Mỹ theo diện HO và họ có gặp nhau sau đó..

Hàm Tân, Z30D, K 2 Năm 1980-1981.

Vào thời điểm này, tù cải tạo được chuyển sang cho Bộ Nội Vụ quản lý và chúng tôi từ Bù Noi đi về Hàm tân. Đoàn chia làm 2 nhóm người, phần lớn vê K3 mới thành lập và khoảng 80 người về K2 trong đó có tôi. Đã từng lao động trong rừng, làm theo chỉ tiêu khoán nên chúng tôi được phân vào đội lâm sản, lúc đó chỉ duy nhất có đội lâm sản là 20, 21 và khi chúng tôi về K2 thì thêm 2 đội đó là 22 và 23. Anh Huy đội trưởng đội 23 và tôi đội trưởng đội 22. Xin nói thêm K2 chia làm 3 khu: khu A gồm 3 đội, đó là đội 1, 2 và 3. Các đội này gồm tù hình sự, chính trị, phãn động lẫn lộn, biệt lập trong hàng rào tre và bị quản lý nghiêm nhặt trong lao động. Khu B hoàn toàn là sỹ quan từ đội 4 đến 23 và khu C bỏ trống. Một ban trật tự trại được sự chiếu cố của bọn công an là ở riêng biệt và có chế độ ưu đải, tôi còn nhớ rất rõ là: Hừng, biên tập viên đơn vị Phước Long, kế tiếp là Son, cảnh sát công lộ tùng sự ở Tổng nha, Bùi Xuân Bật dân thứ thiệt Bắc kỳ 1975 giám đốc công ty nào đó ở Sai Gòn sau ngày giải phóng, dính vào tham nhũng và vào tù, Hùng không rõ đơn vị chuyên vẻ bích chương băng ron cho bọn cán bộ và cuối cùng là tên Hùng, trung uý bộ đội, hắn dính vào vụ buôn bán súng và ăn cướp..

Trong khu K2, cứ mổi căn nhà là có 2 đội, mổi đội một bên và có hai tầng để ngũ, chổ ngũ là những nẹp tre ghép liền nhau. Đội 22 và 23 sống chung với nhau. Chúng tôi bắt cuộc đời tù tội do bọn Bò vàng quản lý, mổi buổi sáng toàn bộ ngồi trước sân rộng chờ gọi tên đi lao động, tên cán bộ trực trại đọc đến đội nào thì đội trưởng báo cáo quân số và tuần tự đi ra, chúng đếm rất kỹ từng người và về cũng vậy. Lâm sản có cái tự do là đi lại trong rừng làm theo chỉ tiêu, còn các đội khác thì bị quản lý chặt chẻ nhất là khi đi tiểu tiện..Khi bị đề cử làm đội trưởng tôi đã có sự chuẩn bị cho mình và cho các bạn khác. Tôi sợ nhất là ăng ten, chẳng thà cực khổ, thiếu thốn còn hơn nơm nớp lo sợ bởi những báo cáo. Chính vì vậy tôi chọn người của mình, chọn những ai tín cẩn và không có ý phản thùng anh em

Nguyển Anh Hào, trung uý Hải Quân làm đội phó, biết nhau từ năm 1976 ở T2 Hốc Môn, kế đó là Đặng tiến Phúc sư đoàn 18 sống chung từ 1975 ở Phú Lợi làm thư ký, đội phó dụng cụ là Dương Văn Nhâm, cựu thiếu sinh quân, thiết giáp. Có người quen xung quanh rồi, tôi tính đến các tổ trưởng, chọn trẻ, xông xáo và nhiệt tình đó là: Mỹ tổ 1, Cậy tổ 2, Hoàng tổ3, và Hội tổ 4 sở dỉ tôi không chọn mấy anh già vì họ dễ thay đổi lập trường và hay lèng èng khi được phân công tác. Cuối cùng có 3 chức làm tôi nhức đầu trong suy nghỉ và cũng từ sự chọn lựa này mà làm tôi khốn đốn sau này, suýt vào cùm.

Có 3 nhiệm vụ béo bở mà ai cũng thèm muốn là trực vệ sinh đội và lo nước nôi cho anh em khi lao động bên ngoài. Đứng trên tình người, tình chiến hửu tôi không thể bỏ rơi Đinh văn Đáng, ho lao thời kỳ 2, chọn anh vào nhiệm vụ trực vệ sinh đội, nhẹ nhàng và có thời gian cho anh nghĩ ngơi, bên cạnh có Lê Tự Hưng khỏe hơn giúp đở và ngoài bãi thì có Trần Văn Nhã, anh bị bại 2 chân vì thiếu dinh dưởng và không ai thăm nuôi trong suốt những năm học tập. Sự chọn lựa này tên Đinh Văn Mùi hậm hực và nảy sinh ra việc chống đối ngấm ngầm và đi đêm với bọn chấp pháp trại....Phụ trách đội 22 của tôi là quản giáo Sự, người gốc Thanh Hoá, anh rất tốt và không bao giờ có thái độ khó khăn, hống hách với người tù. Mổi khi ra nơi lao động thì Sự chui vào bóng mát ngồi nghỉ sau đó cho gọi tôi hay Hào vào trò chuyện, còn bên ngoài mặc sức anh em làm gì thì làm miển cuối ngày công tác sao cho hoàn thành.. Quản giáo Sự thường tâm sự:

-Tôi vào nghành công an đâu phải là về đây, trông coi người tù là chuyện tôi không bao giờ thích, nom bất nhân và ác nghiệt quá. Nhưng lỡ rồi...Anh thở dài

Và tên Mùi bắt đầu hành động, hắn lên thẳng bọn trực trại báo toàn bộ sự việc và tôi là cái đích nhắm vào. Kết quả cán bộ Sự điều đi nơi khác, tôi bị kiểm điểm vì thiếu trách nhiệm, lơ là trong nhiệm vụ làm đội trưởng và cái ưu ái mà bọn cán bộ dành cho tên Mùi là được đưa vào đội ẩm thực, chuyên nấu nướng. Tên quản giáo mới tên Hồng, được tuyển từ vệ binh sang. Tên này cao to như lực sỹ và bạn tù củ mệnh danh là ‘’ Mít tờ Bo’’. Hắn đánh tù đẹp như phim, nghe nói khi còn làm vệ binh không biết anh tù phạm lổi lầm gì đó, thế là 3 tên vệ binh đứng 3 góc, nạn nhân bị đánh từ góc này văng sang góc khác mà tên Hồng là kẽ đánh nặng tay và hăng nhất... Đoán biết tình hình như vậy tôi chuẩn bị tinh thần và ngấm ngầm thông báo cho các tổ trưởng nên giữ mình. Tên Hồng không ưa tôi ra mặt bằng cách giao chỉ tiêu thật nặng, dỉ nhiên anh em trong đội chao đao với hắn. Tôi sắp bị làm kiểm điểm lần thứ hai thì được ra về. Đợt xét tha có tất cả 213 người, đa số là đội trưởng và tôi có trong danh sách thứ 212. Hú Hồn!

Khi tôi rời đội để đến trại mới chờ làm thủ tục ra về thì gặp Hào, anh lên nắm Đội Trưởng đội 22. Tôi rất mừng vì với con người như Hào, đội 22 tương đối nhẹ nhõm hơn, việc đầu tiên tôi hỏi về Đáng, người bạn đáng thương này thì Hào nói với vẽ bùi ngùi:

-Đáng bị đưa sang khu A, một khu dành cho những anh em ho lao nặng

Trái tim tôi chùng xuống, Đáng khó mà trụ được cho đến ngày về, vì những ngày cuối cùng khi còn làm đội trưởng tôi nhìn thấy anh ho ra máu. Viết lại hồi ký này, tôi mường tượng đến khuôn mặt của Đáng, giọng Bắc êm và nhỏ nhẹ, nếu còn sống cho tôi gởi đến anh với tất cả lòng thương mến, còn chẵng may Đáng đã ra đi thì xin nhận lời cầu nguyện chân thành của tôi.....Sau đó toàn bộ được xét tha ra về không còn lại một ai trừ Mai Nghĩa, tôi không hiểu tại sao lại có sự trớ trêu như thế.

Trong suốt 6 năm tù, tôi chỉ gặp một số anh em trong binh chủng, năm 1975 gặp Phúc kiếng, đại đội Thủy Xa và Long biệt danh Long ghẽ, Tác chiến điện tử.. Phúc theo tôi gần 4 năm học tập, anh rất dể thương lúc nào cũng kính trọng tôi và xưng hô huynh trưởng, đàn em.. Năm 1977 gặp đại uý Lê ngọc Tấn, hậu cứ tiểu đoàn 5 TQLC và cuối cùng những ngày ở Z30D tôi có buổi họp mặt bỏ túi nhưng rất đậm đà tình chiến hửu. Đinh thế Cường, cùng khoá với tôi phục vụ tiểu đoàn 2 Trâu Điên mở buổi tiệc nhỏ gọi là họp mặt người lính TQLC, chẳng có ai nhiều, duy nhất 4 người là Cường, tôi, Đại uý Lê Đình Đơn từ Bắc mới chuyển về đang ở khu C và Thành từ khu A nhảy rào sang dự. Với Thành thì theo lời kể là sỹ quan tiểu đoàn 4 TQLC, trốn học cải tạo và tham gia đãng phái, bị bắt và đưa vào thành phần phãn động. Tôi không cần biết lời anh nói đúng hay sai nhưng với hành động dám leo rào từ khu cấm sang khu B để họp mặt binh chủng đủ chứng tỏ Thành là người có đãm lược và đầy tình chiến hửu

Thiếu uý trung đội trưởng với 3 năm tác chiến và 6 năm tù thì cái giá quá đắt. Tôi đã bị mất tất cả thời hoa mộng của tuổi học trò, mất luôn cái tương lai sáng lạng của tuổi trẻ.Tất cả bởi Cộng sản mà ra và đến tận bây giờ tôi với họ vẫn là hai giới tuyến phân định rõ ràng. Tôi khẳng định con người dù già hay trẻ, dù cựu trào hay mới tập tểnh tham gia thì chúng vẫn là loại người có máu lạnh, không có tình người..Những ngày ở Bù Noi có nhiều tên bộ đội nghĩa vụ quân sự, mặt búng ra sữa sinh, ra và lớn tại Sài Gòn nghĩa là đã hít thở cái không khí tự do, ăn bơ sữa của miền Nam thế nhưng vẫn gọi chúng tôi là thằng này, thằng kia...Bạn bè tôi có người còn kẽ mất trong suốt 6 năm trời tù tội, những thiếu uý trẻ không chết trong chết tranh mà lại chết một cách tức tưởi ở rừng già Cà Tum, Bù gia Mập vì đói, vì bị đánh đập...Nếu trong chiến tranh, người sỹ quan Thủ Đức đã cống hiến cho QLVNCH tới 80 phần trăm nhân số, những chuẩn uý mới toanh, một thứ tiền quân hiệu lực đã rơi rụng như lá rừng sau những trận đánh và bây giờ nơi tù tội họ tiếp tục ra đi. Miền Nam có bao nhiêu trại giam? Nếu tính từ Cà Mau ra đến Quãng Trị... Chỉ trong phạm vi của Quân Khu 3, chỉ còn 3 trại mà tôi chưa đặt chân đến: Đó là Trại Suối Máu, Trãng Lớn và Tống Lê Chân...Mổi nơi là có mồ chôn của người lính trẻ. Tôi chôn Huỳnh Hồng Quan ở trãng tranh và chắc chắn vợ con, người thân của anh sẽ không bao giờ biết đến. Hồn anh cứ lẩn quẩn mãi ở nơi đó mà không siêu thoát được.

Tôi viết lại những kỹ niệm của mình trong suốt 6 năm học tập và có 2 lần khóc. Lần thứ nhất đón xuân tại trại Phú lợi. Một đoàn lân được làm bởi dụng cụ sơ sài, ông lân do Tuấn đen phi công F5, Sang phi công A37 luân phiên thay nhau cầm đầu, ông Địa thì do Phú và Sấm phụ trách. Đoàn Lân đi từng đội chúc tết, tiếng gõ vào thùng gổ, tiếng xèng xèng của hai nắp nồi nhôm không mang cái vui xuân mà giống như lời than thở tiển biệt. Nước mắt tôi trào ra, khóc cho đất nước tiêu tan, khóc cho đoạn đường không bao giờ đến. Lần thứ hai tại Thành Ông Năm, T3 năm 1978 cũng vào tết, một buổi trình diển bỏ túi và kín đáo. Bài hát’’ Vĩnh biệt Sai Gòn ‘’ làm anh em rơi lệ trong đó có tôi... Người bạn tù ca thật hay , anh hát với cả tấm lòng của mình với nước mắt tiếc thương cho thành phố yêu dấu. Cho đến bây giờ dù đã nghe nhiều ca sỹ nổi tiếng trình bày nhưng nhất định vẩn không có hồn, không diển tả hết cái u uất, nghẹn ngào của người mất nước. 

Sáu năm dài với bao kỹ niệm buồn nhiều hơn vui, những cái chết của bè bạn khó mà phai nhạt trong lòng tôi. Ngày trước các anh đã cầm súng bảo vệ đất nước, đổ máu cho sự tự do và khi tù tội không một ai biết đến. Vinh danh ca tụng về cái chết của một Tổng Thống, một tướng lãnh mà không một ai nhắc đến cái chết tủi nhục của những người tù. Với tôi thì chỉ duy nhất một điều: Thực sự kính trọng những ai đã sống trong chốn lao tù của cộng sản, bởi vì họ đứng nhìn cái chết đang đến từ từ với mình mà không làm gì khác hơn được. Một cái chết nhanh bởi một phát súng thật dễ dàng, nhưng nhìn cái chết từ từ đang đến bởi sự hành hạ, đói, bệnh, khủng bố, khinh miệt và không có ngày về thì....

Nếu ngày trước người lính tử trận thì được phủ kỳ, truy tặng tuyên dương này nọ. Nay người lính chết trong lao tù thì chỉ duy nhất vài nắm đất của bạn bè ném xuống lòng huyệt, và không được một ai nhắc đến 4 chử Vị Quốc Vong Thân..

NGUYỄN VĂN LỄ.

Previous
Previous

Nguồn Cội Xót Xa

Next
Next

Chuyện người đàn bà khi cuộc chiến tàn