Vu Lan nhớ mẹ
Bao giờ cũng vậy, cứ bắt đầu bước vào mùa Vu Lan báo hiếu của những ngày tháng 7 Âm lịch hàng năm, dù bận trăm công ngàn việc như thế nào đi chăng nữa, tôi cũng dành thời gian để trở về quê nhà và lên ngôi chùa làng thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên Đức Phật, tưởng nhớ đến hương hồn người mẹ yêu dấu của tôi đang an giấc ngủ ngàn thu nơi suối vàng.
Vâng, ai sinh ra ở trên đời mà chẳng có cha, có mẹ và chính cha mẹ là hiện thân của tình yêu thương vô bờ bến dành cho con cái. Ngay từ lúc mới cất tiếng khóc chào đời, người con nào mà chẳng được mẹ cha đùm bọc yêu thương, chở che và cưng nựng hết mực...
Suốt quãng đời ấu thơ, tôi luôn hằn sâu trong tim về hình ảnh người mẹ chân phác, hiền lành, thật thà, chăm chỉ, quanh năm tảo tần nơi ruộng đồng để lo toan và dành tình thương yêu vô bờ bến cho các con. Mẹ tôi là người vất vả, chịu nhiều cơ cực, bởi cha đi bộ đội nơi chiến trường. Ngày đất nước thống nhất, cha trở về công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện nhà, mọi công việc đồng áng, lo toan quán xuyến gia đình, cũng như nuôi dạy con cái vẫn một mình mẹ đảm đương, gồng gánh.
Ngày đấy, nhà tôi nghèo lắm, chẳng mấy khi mẹ và 4 anh chị em tôi được một bữa ăn no toàn cơm trắng, hầu như quanh năm suốt tháng chỉ ăn cơm độn với ngô, khoai, sắn mà thôi, trừ những ngày Tết nhất, hay những khi nhà có giỗ chạp gì đó. Gạo đã thiếu như vậy nên thức ăn kèm trong những bữa cơm, hôm nào sang chỉ là những con cua, con tép đồng, hến sông mấy anh chị em tôi tranh thủ đi bắt mang về để mẹ chế biến cải thiện bữa ăn cho tươm tất, có thêm chất tươi, còn lại là tương, cà, dưa muối, cùng nồi canh rau tập tàng mà mẹ hái ở ngoài ruộng, nơi ngõ nhỏ, vườn nhà.
Cái ăn đã vậy, cái mặc còn khốn khó hơn, khi cả năm trời, mẹ cha cố dành dụm, chạy vạy để mua cho anh chị em tôi mỗi người vài bộ quần áo mới nhân dịp ngày khai trường, hoặc khi Tết đến, còn thì toàn là quần áo cũ mặc thừa lại của con nhà bác, nhà cô ở thành phố cho...
Nhưng cái nghèo khó, vất vả, gian nan anh chị em tôi trải qua có lẽ không là gì so với sự cơ cực, nhọc nhằn của mẹ. Mẹ là trụ cột gia đình và luôn phải gánh gồng trĩu nặng hai vai cả cái gia đình nghèo khó ấy. Mẹ tôi là người phụ nữ có tình thương bao la như biển cả, khi thấy các con đói ăn, thiếu mặc, mẹ không đành lòng mà luôn tìm cách khắc phục, đi làm thuê, làm mướn để lấy tiền lo cho con. Trong các bữa ăn, mẹ luôn dành cho chúng tôi những gì ngon nhất, còn mình chỉ ăn qua quýt rồi lặng nhìn các con ăn no, mỉm cười mãn nguyện.
Mẹ tôi là một người cực kỳ chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, ngoài lo toan công việc ruộng đồng với gần 1 mẫu ruộng, thì mọi việc nhà mẹ cũng đều hoàn tất. Vậy mà, những khi mùa màng vào lúc nông nhàn, mẹ lại tranh thủ theo người hàng xóm đi kiếm việc làm mướn ở thị trấn để lấy tiền mua dưa, cà, mắm muối, cũng như trang trải cho chi phí sinh hoạt của gia đình. Rồi thì, nhiều bữa, dẫu ngày mùa làm không xuể việc, mẹ vẫn lo đi mua lúa của nhà người khác mang về, đêm tranh thủ xay xát làm hàng xáo, mong kiếm lời chút cám, tấm nuôi lợn, nuôi gà cho nhanh lớn.
Mẹ tôi là người luôn sống mẫu mực, không chỉ với các con, mà với cha mẹ, những người thân trong họ hàng, với hàng xóm láng giềng. Mẹ chẳng bao giờ làm phật lòng ai, nên mọi người trong làng ai ai cũng yêu thương, quý mến mẹ. Tôi thật tự hào vì đã sinh ra là con của mẹ - một người mẹ quê nghèo khó, nhưng luôn chan chứa tình yêu thương dành cho các con, cho mọi người.
Lại một mùa Vu Lan báo hiếu tới, trong tôi thoảng chạnh lòng, buồn man mác khi đây là lần thứ 10 trên ngực áo tôi phải cài bông hồng màu trắng. Trong những lần trở về quê nhà dự lễ mùa báo hiếu Vu Lan nơi ngôi chùa nhỏ bé thân yêu, tôi không chỉ buồn, mà khi ấy, những dòng nước mắt cứ tự nhiên tuôn dòng vì nhớ thương mẹ tôi - một người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng trong lòng chất chứa cả suối nguồn yêu thương vô hạn dành cho các con thân yêu của mình.
Thương nhớ mẹ biết bao, một mùa Vu Lan báo hiếu nữa lại về!
Thạch Bích Ngọc