Xuất hành đầu Xuân

Đám cưới của vợ chồng tôi diễn ra vào dịp nghỉ lễ Giáng Sinh năm 1970.

  Qua Tết Dương Lịch 1971, Thiếu tướng Ngô Du, Tư Lệnh Quân Khu 2 đã chỉ định đích danh tôi (Đại úy hiện dịch Vương Mộng Long) đảm nhiệm chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 4 Mike Force do Lực Lượng Đặc Biệt Hoa-Kỳ vừa chuyển giao cho Quân Đoàn II.

  Sau một cuộc hành quân tăng phái ngắn hạn cho Tiểu Khu Phú Bổn, đơn vị tôi được lệnh rút về Pleiku.

  Mùng Hai Tết, một nửa tiểu đoàn, gồm Đại đội 1 và 2 dưới quyền ông tiểu đoàn phó phải vào vùng Đông thôn Lệ Chí, giữ nhiệm vụ chống pháo kích, thay thế cho một nửa Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân.

    Sáng Mùng Ba Tết Tân Hợi (1971) vợ chồng tôi ra xe, chuẩn bị xuất hành nhân dịp đầu Xuân. Đây là cái Tết đầu tiên chúng tôi có gia đình riêng, cái Tết đầu tiên vợ tôi sống xa nhà, không còn ở cùng anh chị em, và mẹ cha.

   Chú tài xế Tiến vừa trao tay lái cho tôi, vợ tôi chưa ngồi yên trên ghế, thì cái loa truyền tin gắn trước mặt nàng có tiếng oang oang “Thái Sơn đây Ngok Nya!”

   Tôi cầm máy lên nghe. “Ngok Nya” là danh hiệu truyền tin của Đại Đội 1. Tin tức báo cho tôi hay có ba anh lính vừa bị thương vì mìn tự chế của địch.

   Được tin này, tôi phải hủy bỏ ngay chuyện chở vợ đi chơi một vòng quanh thành phố Pleiku để đón chào năm mới.

   Tôi đưa vợ vào nhà và dặn rằng, cứ lo luộc gà, nấu xôi cúng ông bà, xong việc ở đơn vị, tôi mới về được.

   Từ giã vợ, tôi lái xe qua khu cư xá của Cố Vấn Hoa-Kỳ xin trực thăng tải thương. Ông sĩ quan cố vấn tiểu đoàn và ông Trung sĩ Trương Tô Hà, thông dịch viên của tiểu đoàn vừa chở nhau ra phố. Vào bộ chỉ huy liên đoàn tôi cũng không tìm thấy ông sĩ quan không trợ.

  Thiếu tá Tĩnh, chỉ huy hậu cứ, cho tôi biết chiếc trực thăng C&C (liên lạc và chỉ huy) của liên đoàn đang đậu trước sân.

   Trung tá liên đoàn trưởng và Trung tá cố vấn trưởng bận dự họp tham mưu trên Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn chưa về.

    Tôi kéo tay anh hạ sĩ quan cố vấn Mỹ của tiểu đoàn là Thượng sĩ Goodell ra gặp phi hành đoàn Hoa-Kỳ của chiếc C&C. Phi hành đoàn vui vẻ đồng ý làm công tác này sau khi biết bãi bốc nằm ngay trong thôn Lệ Chí, rất an toàn, có thể tản thương mà không cần hộ tống của trực thăng võ trang.

  Thế là sáng hôm đó, thay vì đưa vợ xuất hành về Pleiku, hướng Đông Nam, hướng của Tài Thần; tôi lại cùng anh Thượng sĩ Goodell leo lên trực thăng bay về Lệ Chí, hướng Đông Bắc, là hướng của Hỷ Thần.

  Mìn tự chế của Việt-Cộng chỉ làm bằng một nửa cái vỏ xe, bên trong là chất nổ TNT, hoặc C4 trộn với vụn sắt cùng những đoạn kẽm gai cắt nhỏ. Sức công phá của loại mìn này cũng không đủ mạnh để gây trọng thương cho người vướng mìn. Tôi rất mừng khi thấy ba anh lính của mình chỉ bị thương nhẹ.

   Việc bốc thương binh diễn ra không tốn nhiều thời gian, chỉ vài chục phút, chúng tôi đã về tới Quân Y Viện Pleiku. Bàn giao thương binh cho quân y viện xong, chúng tôi lên tàu trở về Biển Hồ.

   Bất ngờ, trong lúc trực thăng còn đang lơ lửng sắp hạ cánh trên sân trại Nguyễn Văn Thu thì Thượng sĩ Goodell đưa máy của anh ta cho tôi.  Đầu máy bên kia là tiếng Thiếu tá Hoàng Phổ, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân. Anh Phổ nhờ tôi ghé Căn Cứ Hỏa Lực Chư Xang bốc giùm anh một người lính đang bị lên cơn sốt rét cấp tính.

   Vì đây là nhu cầu cấp bách của một đơn vị cùng xuất xứ, Thiếu tá Hoàng Phổ lại là dân Võ Bị khóa 17, đàn anh của tôi, nên tôi sẵn sàng giúp đỡ anh Phổ ngay.

   Núi Chư Xang là một cứ điểm tương đối an toàn, nên chúng tôi tới đó cũng không cần hộ tống.

   Anh lính bị sốt rét đã lên tàu. Tàu vừa bốc lên cao, nhắm hướng Biển Hồ thì đài kiểm soát không lưu Peacock ra lệnh cho chúng tôi phải bay vòng sang hướng Bắc để tránh tầm đạn từ Tiểu đoàn 37 Pháo Binh bắn đi để yểm trợ cho một đơn vị bạn đang hoạt động vùng Tây Pleiku.

  Sau khi bay một đỗi về hướng Bắc, trực thăng quẹo phải nhắm hướng Biển Hồ. Vùng này là liên ranh trách nhiệm chiến thuật của Trại Lực Lượng Đặc Biệt Lý Thái Lợi và Tiểu Khu Pleiku, an ninh rất lỏng lẻo. Đa phần các vụ pháo kích bằng hỏa tiễn 107 ly hoặc 122 ly của Việt-Cộng nhắm vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II và vùng phụ cận đều phát đi từ khu vực này.

   Tới khi còn cách Quốc lộ 14 chừng ba, bốn cây số, thì phi cơ giảm cao độ, bay chầm chậm trên một con suối đá lớn, nước trong veo, chảy ào ào.  Bên phải hướng bay, trước mặt tôi là làng Plei Tôt.  

   Con tàu bay sát ngọn tre. Tôi bỗng giật bắn người lên khi phát giác ra bên chân bụi tre phía trước có một thanh niên mặc quân phục xanh của bộ đội Việt-Cộng đang ôm một khẩu súng nhắm vào con tàu.

   Tôi ngồi bên cửa trái, nên khi bay ngang qua mặt y, tôi nhìn rõ khẩu súng mà y đang ôm bằng cả hai tay là một khẩu trung liên nồi RPD.

   Khoảng cách giữa con tàu và tên Việt-Cộng quá gần, gần đến nỗi, tôi nghe rõ tiếng đạn “Bụp! Bụp!...” đục thủng thân tàu trước khi nghe âm thanh “Choác! Choác! …” từ nòng súng phát đi.

   Chiếc trực thăng đột ngột rung chuyển và lúc lắc thật dữ dội. Hình như hai cánh quạt chính của máy bay vừa trúng đạn, tiếng cắt gió không còn “ngọt” như thường ngày, nhiều tiếng “Két! Két!...” nghe chói tai. Thùng xăng dưới bụng con tầu chắc đã bị thủng nhiều lỗ nên mùi xăng bay lên ngột ngạt vô cùng.  

    Không rõ hai anh cơ phi xạ thủ có trúng đạn hay không mà tôi không thấy họ bắn trả. Cũng may mà hai anh Mỹ này không đụng tới cò hai khẩu đại liên. Vì chỉ cần vài viên đạn chui ra khỏi nòng thì những tia lửa phun ra nơi loa che họng súng sẽ kích hỏa đám mây đầy hơi xăng đang phun ào ào dưới kia ngay. Sau đó thì chắc chắn chiếc C&C của chúng tôi sẽ biến thành một quả cầu lửa phát nổ giữa không trung!

  Tôi thấy buồng lái bị bắn vỡ kính, mặt anh Trung úy hoa tiêu chính thì máu chảy ròng ròng, không rõ anh ta bị thương ở đầu hay mặt. Tuy vậy, tay anh vẫn bình tĩnh điều khiển cần lái, miệng liên tục đàm thoại với đài kiểm soát không lưu. Anh ra dấu cho tôi và Goodell ngồi yên tại chỗ, tránh di chuyển. Viên hoa tiêu phụ ngồi dựa lưng trên ghế, tay phải ôm vai trái. Hình như anh ta bị đạn vào vai. Goodell ngồi sát bên tôi, hai tay ôm tôi chặt cứng. Anh lính bị sốt rét thì nằm sấp, mặt úp trên sàn trực thăng, hai tay xuôi theo thân mình, không biết còn sống hay đã chết.

  Chiếc C&C giờ đây như con thú bị thương nặng, trước giờ chết, nó còn gầm rú, trườn lên cao, rồi tụt xuống thấp, cố gắng lết về hướng Biển Hồ. Tôi căng mắt, nín thở, đứng tim, chờ phút giây “Ùm!” con tàu nổ!

  Nhìn thấy cái kim nam châm trên đồng hồ xăng tụt nhanh về hướng chữ E (E là Empty, là hết xăng) tôi nghĩ mình chỉ còn sống vài phút nữa thôi! Máy bay cạn xăng, rơi xuống đất thì chết tan xương; máy bay nổ giữa trời thì xương vừa tan, vừa cháy.

   Nhưng máy bay vẫn chưa rơi! Máy bay vẫn còn nhảy cẫng lên từng chập! Chắc Tử Thần còn vờn chúng tôi như mèo vờn chuột trước khi ăn thịt? Tiếng động cơ càng lúc càng chói tai. Khói xăng nồng nặc, quánh lại và đen đặc, quấn quanh con tàu.

   Tôi đã nhìn thấy Quốc lộ 14 và những chiếc xe hơi, xe gắn máy đang chạy trên đường, bên kia quốc lộ là Biển Hồ.  Nhìn thấy màu xanh của nước Biển Hồ, bản năng sinh tồn trong người tôi chợt tỉnh. Với độ cao và vận tốc bay như hiện thời, nếu nhảy ra khỏi phi cơ, rớt xuống hồ, hi vọng sống còn có thể là năm mươi phần trăm. Dù gì cũng khá hơn là chết tan xương hay chết cháy. Tôi rút con dao găm đeo bên hông, xẻ một đường trên sống giày, cắt đứt sợi dây giày. Rớt xuống nước mà không cởi giày ra kịp thì khó mà thoát khỏi bị chết đuối.

    Goodell đang ngồi bên tôi, trố mắt nhìn. Tôi chỉ tay về hướng Biển Hồ, đồng thời hét vào tai Goodell, “Jump! Jump!” (Nhảy! Nhảy!) Goodell gật đầu ra vẻ đã hiểu ý tôi. Tôi đưa con dao găm cho Goodell. Anh ta như cái máy, làm theo những gì tôi đã làm.

   Rồi tôi nhìn thấy Đồi Đức Mẹ nằm dưới kia, phi cơ không bay qua Biển Hồ, mà bay ngang qua trường Thiếu Sinh Quân!

   Không còn cơ hội nhảy xuống hồ, thì chắc là tôi đã tới số! Tôi lắc đầu tuyệt vọng nhìn Goodell, Goodell nhìn tôi, đôi mắt lạc thần.

   Không biết phi cơ có bộ phận chứa xăng phụ hay không, mà kim đồng hồ xăng đã chỉ tới chữ E mà tàu vẫn còn bay?...

   Rồi phi trường Cù-Hanh hiện ra trước mắt tôi với nhiều xe chữa lửa đậu sát hai bên phi đạo. Một đoạn của phi đạo đã được phủ kín bởi một lớp bọt trắng như bông gòn.

   Con tàu hạ hai càng trên đám bọt trắng. Những chiếc vòi rồng từ xe chữa lửa tới tấp phun bọt chống cháy phủ kín con tàu.   

    Cánh quạt của phi cơ chưa ngừng quay, tôi đã nắm tay Goodell phóng nhanh xuống đất, chạy thục mạng. Tới vạt đất trống bên đường băng, tôi và Goodell dừng chân quay đầu lại quan sát thì thấy hai anh cơ phi xạ thủ đang vội vàng mở cửa đỡ hai phi công ra khỏi máy bay.  

    Sau đó chúng tôi được biết, anh Trung úy hoa tiêu trưởng bị thương ở đầu và mặt, không phải vì trúng đạn, mà vì mảnh vỡ của kính chắn gió. Anh Trung úy hoa tiêu phụ bị đạn vỡ xương vai trái. Tôi không nhìn thấy bóng dáng anh lính sốt rét của Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân đâu cả.

    Xe cứu thương ập tới. Đội cứu cấp lùa cả bốn anh Mỹ của phi hành đoàn lên xe chở đi. Một chiếc xe Ford màu xanh ghé lại đón tôi và Goodell, rồi chở hai đứa tôi thả trước nhà ga quân sự.  Đây là khu dành riêng cho quân nhân Hoa-Kỳ.

    Hôm đó, công việc cấp cứu chiếc trực thăng bị nạn đã làm đình trệ hoạt động không vận của Phi Trường Cù Hanh một thời gian. Tất cả máy bay chuẩn bị cất cánh đều bị giữ lại trên bãi, một số khác phải bay vòng vòng trên trời không cho phép đáp, hoặc phải chuyển đường bay tới những phi trường khác.

   Thấy tôi và Goodell mặt mày nhem nhuốc, áo quần bẩn thỉu, nhếch nhác vừa từ xe bước xuống, hành khách trong ga bu lại hỏi han tíu tít.

    Sau khi nghe Goodell kể lại chuyện máy bay của chúng tôi vừa bị địch quân bắn trúng thùng xăng mà không cháy, lại còn an toàn đáp trước mắt họ, ai cũng ngạc nhiên. Nhiều người tiến lên bắt tay chúc mừng tôi và Goodell, trong số đó có một linh mục mặc áo dài đen, đeo thánh giá trước ngực. Vị linh mục Tuyên úy Công Giáo của quân đội Hoa-Kỳ dơ tay làm dấu thánh giá,

“Cám ơn Thượng Đế! Thượng Đế đã cứu mạng các anh!”

   Từ lúc đặt chân xuống đất, thấy mình còn sống, tôi đã cám ơn Trời Phật rồi! Quả là không thể tưởng tượng nổi chuyện vừa xảy ra lại là chuyện thật, mà chuyện này lại xảy ra cho chính bản thân mình.    

   Mười phút sau chú Tiến đem xe tới đón tôi và anh bạn Mỹ.  Xe ra tới cổng phi trường thì có người chặn lại, “Ông thầy ơi! Cho em về với!”

   Thì ra người đó là anh lính bị sốt rét của Thiếu tá Hoàng Phổ. Lúc máy bay ngừng, tôi và Goodell nhảy xuống phía bên trái, anh ta nhảy xuống phía bên phải. Ra khỏi phi cơ, anh ta chạy một mạch ra cổng đứng chờ xin quá giang xe để về Biển Hồ. Đoạn đường từ chỗ máy bay đáp tới cổng hơi xa, do đó anh ta tới trạm gác ở cổng chỉ vài phút trước tôi. Lúc này anh ta có vẻ mạnh khỏe lắm, chắc bệnh sốt rét đã bỏ chạy mất rồi!

    Sau này tôi được Trung tá cố vấn trưởng liên đoàn thông báo cho biết kết quả xét nghiệm trên thân chiếc C&C ngày hôm đó là, phi cơ đã lãnh tổng cộng 11 viên đạn, trong đó có 4 viên trúng bụng và thùng xăng, cánh quạt chính bị bể hai miếng bằng bàn tay.  

   Điều may mắn lạ lùng thứ nhất xảy ra là, máy bay bị bắn thủng thùng xăng mà không bị cháy. Điều may mắn thứ hai là, góc độ bắn của tên Việt-Cộng hơi cao, nếu góc bắn thấp một ly thôi thì hai hoa tiêu cùng với tôi và Thượng sĩ Goodell đã đi chầu Diêm Chúa rồi!

    Tôi về tới trại Nguyễn Văn Thu đã vào cuối giờ Mùi ngày Mùng Ba Tết.

    Mở cửa ra thấy người tôi nhem nhuốc đầy khói bụi, vợ tôi tròn đôi mắt ngạc nhiên.

    Vứt cái bản đồ và sợi dây đeo súng xuống đất, tôi ôm vợ tôi vào đôi tay. Tôi giữ chặt mái tóc của vợ vào ngực mình, hạnh phúc tưởng như đã mất, vậy mà còn đây.

   Tôi nói nhỏ vào tai nàng, “Máy bay của anh bị hư!”

   Vợ tôi ngẩng mặt nhìn lên, chắc nàng biết tôi vừa nói dối, vì mặt mũi tôi và cái bản đồ đầy khói đen, áo quần tôi còn ướt nhem hóa chất chống cháy. Vả lại, khi ôm vợ tôi vào ngực, tôi đã ôm nàng chặt hơn mọi lần. Thấy thế, vợ tôi cũng ôm tôi chặt hơn mọi ngày, rồi vợ tôi khóc.

   Một lúc sau, vợ tôi buông tay ra đánh trống lảng,

 -Mình đi tắm rửa đi! Mình còn phải cúng vái tiễn đưa ông bà nữa đó!

  Vừa đưa quần áo lót và khăn tắm cho tôi, vợ tôi vừa bẽn lẽn,

- Mình ơi! Em đã thắp nhang trên bàn thờ rồi! Nhưng đồ cúng chỉ có hoa quả và xôi chè, không có gà luộc!

Tôi ngạc nhiên,

- Uả! Anh đi lâu thế mà mình không luộc gà kịp sao?

  Vợ tôi thẹn thùng,

- Không có gà luộc, chỉ vì… chỉ vì… (vợ tôi tủm tỉm cười) …con gà… bị cháy mất rồi! Cái nồi của chúng mình nhỏ xíu à! Không chứa được nhiều nước. Em bận xới xôi ra đĩa không để ý, tới lúc sắp xếp xong đồ cúng thì con gà đã đen thui!

   Tôi bật cười, hôn vợ, rồi nhớ lại lời bà mẹ vợ dặn dò ngày chúng tôi chào từ giã bà để về Pleiku, mẹ vợ tôi vừa cười, vừa nói,

   - Ở nhà vì có người giúp việc, em nó không biết nấu nướng gì nhiều, nay ra ở riêng thì con phải từ từ chỉ bảo cho nó.

  Cầm tay vợ, tôi an ủi nàng,

  - Con gà bị cháy đen có khi là điềm báo cho mình biết rằng giờ đó anh đang bị nạn. Hôm nay vì anh có việc bất ngờ phải xuất hành về hướng Hỷ Thần nên gặp điều lành, tai qua nạn khỏi, chứ nếu xuất hành hướng Tài Thần thì chưa biết sẽ ra sao. 

   Vợ tôi thừ người ra, một phút sau nàng mới nói,

  -Từ lúc mình lái xe đi, em cứ thấy trong lòng bồn chồn, không yên. Làm việc này, quên việc kia, cứ như có cái gì quẩn chân. Đầu năm mình thoát nạn là mừng quá rồi còn gì? Tiền hung hậu kiết đó mình ơi!

    Có khi cũng vì tình cờ, tôi đã xuất hành hướng Hỷ Thần ngày đầu Xuân Tân Hợi mà cuối năm đó gia đình tôi có tin vui, vợ tôi sinh cho tôi một bé gái vừa dễ thương, vừa bụ bẫm.

  Trong mười năm chinh chiến, không phải tôi gặp nạn máy bay chỉ có một lần; còn hai lần khác, nguy hiểm không kém, nhưng tinh thần tôi không đến nỗi quá căng thẳng như lần này, vì trong tai nạn này tôi đã bị đặt vào tình trạng vô cùng tuyệt vọng, phải bó tay ngồi nhìn cái chết chắc chắn sẽ đến, nhưng không biết lúc nào.

   Kể từ buổi xuất hành đầu năm Hợi ngày ấy (1971) bốn mươi tám cái Tết đã đi qua, nay năm Hợi lại về (2019). Trừ ra những ngày tôi vắng nhà vì hành quân xa, hay vì bị giam giữ trong trại tù cải tạo, ngày đầu năm Âm Lịch nào vợ chồng tôi cũng đều coi giờ, xem hướng để xuất hành, hướng mà vợ chồng tôi thích nhất vẫn là hướng có Hỷ Thần đang đứng chờ.

 

Vương Mộng Long-k20

Seattle, U.S.A, Xuân Kỷ Hợi 2019

Previous
Previous

Tìm lại báo Xuân xưa

Next
Next

Năm sửu(2021)nói chuyện trâu