Bắc Kinh thất bại trong việc ngăn chặn nhà lãnh đạo Tây Tạng diễn thuyết tại Câu lạc bộ Báo chí Úc
Nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng Đức Đạt Lai Lạt Ma (Phải), Thủ tướng Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay (Giữa), và Chủ tịch Quốc hội Tây Tạng lưu vong Penpa Tsering (Trái) ra hiệu bằng tay trước một biểu ngữ có hình Đức Đạt Lai Lạt Ma ở các độ tuổi khác nhau trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 77 của ông tại Chùa Tsuglakhang ở McLeod Ganj, Dharamsala,
Cindy Liu
Nhận lời mời của Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, ông Penpa Tsering, chủ tịch Chính phủ Lưu vong Tây Tạng, sẽ đọc một bài diễn văn với tiêu đề “Giải quyết xung đột Trung Cộng-Tây Tạng và bảo vệ hòa bình trong khu vực” vào ngày 20/06.
Các bài diễn thuyết tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia được phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Úc (ABC) và thường có sự tham gia của các thành viên cao cấp đến từ phòng báo chí của quốc hội liên bang.
Tuần trước, các quan chức đại sứ quán Trung Cộng đã bày tỏ sự không hài lòng trong cuộc gặp với ông Maurice Reilly, giám đốc điều hành Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, và yêu cầu họ hủy bỏ lời mời đối với nhà lãnh đạo Tây Tạng này.
“Trung Cộng bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và phản đối gay gắt khi Úc, bất chấp lập trường và mối lo ngại của Trung Cộng, cho phép ông này sử dụng nền tảng của NPC (Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia) để tiến hành các hoạt động ly khai,” đại sứ quán cho biết trong một bức thư gửi tới ông Reilly mà Sydney Morning Herald đã xem được.
“Người dân thuộc tất cả các nhóm dân tộc ở Khu tự trị Tây Tạng (Xizang) [tên gọi ưa thích về Tây Tạng của chế độ cộng sản Trung Cộng] hết lòng ủng hộ các chính sách của chính quyền trung ương Trung Cộng và chính quyền khu vực … Có một thực tế được những người công bình thừa nhận đó là tình hình nhân quyền ở Tây Tạng hiện đang ở trạng thái tốt nhất trong lịch sử.”
Tuyên bố này mâu thuẫn với những gì ông Tsering sẽ nói ở Canberra.
Phần giới thiệu của bài diễn văn viết, “Dự án thuộc địa của Trung Cộng ở Tây Tạng đã bước vào một giai đoạn mới đáng báo động, để bản sắc văn hóa độc đáo, và tương lai của Tây Tạng vào thế ngàn cân treo sợi tóc.”
“Gợi nhớ đến Những thế hệ bị Đánh cắp của Úc, gần một triệu trẻ em, bao gồm 80% trẻ em ở Tây Tạng, được cho là đã bị tách khỏi gia đình và bị ép đưa vào một mạng lưới rộng lớn các trường nội trú thuộc địa của Trung ộng, điều mà các chuyên gia về quyền của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo là một nỗ lực nhằm đồng hóa người Tây Tạng vào văn hóa của đại bộ phận người Hán. Người Tây Tạng gọi đó là ‘cuộc diệt chủng văn hóa.’”
“Khi Úc và Trung Cộng cùng nhau trở nên thịnh vượng hơn trong ba thập niên qua, thì nhân quyền ở Tây Tạng lại ngày càng trở nên tồi tệ hơn.”
Còn được gọi là Chính phủ Trung ương Tây Tạng (CTA), Chính phủ Lưu vong Tây Tạng có trụ sở tại Ấn Độ. Vị trí chủ tịch, hay sikyong, của chính phủ này được thiết lập vào năm 2011 khi nhà lãnh đạo tinh thần Đạt Lai Lạt Ma từ bỏ vai trò lãnh đạo chính trị của ông và trao quyền lực cho một nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ.