Bầu cử Đức : Châu Âu hồi hộp chờ người kế nhiệm Merkel
Châu Âu sẽ phải làm quen lại từ đầu với một nhà lãnh đạo mới của Đức. Thủ tướng Angela Merkel, 67 tuổi, quyết định rút khỏi chính trường, để lại « một khoảng trống » vô định cho các đối tác châu Âu, vì cho tới nay Đức vẫn đóng vai trò chủ đạo trong khối 27 nước.
Trong suốt « thời đại » 16 năm, các nhà lãnh đạo châu Âu đã quen với một thủ tướng Đức « giản dị », nhưng thể hiện « quyền lực rất lớn » và đại diện được cho các nhóm khác nhau trong Liên Hiệp Châu Âu. Đối với các nước Trung và Đông Âu, bà Merkel là cầu nối giữa tây và đông châu lục, vì bà sinh ra và lớn lên ở Đông Đức. Bốn nước theo « chủ trương khắc khổ » về ngân sách (Áo, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch) cần đến sự ủng hộ của Berlin sau khi Anh rời khỏi Liên Âu. Còn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý lo một nước Đức « ích kỷ » và vô địch về « thắt lưng buộc bụng » tái xuất hiện sau thời Merkel. Riêng Paris sẽ mất đi một đối tác tạo nên cặp Đức-Pháp năng động trong nhiều hồ sơ lớn của châu Âu, như kế hoạch tái thiết 750 tỉ euro dựa trên cơ chế nợ chung của 27 nước.
Khó khăn đầu tiên mà Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải đối mặt là thời gian Đức thành lập được chính phủ. Ông Sébastien Maillard, giám đốc Viện Jacques Delors, nhắc lại với nhật báo Le Monde (22/09) : « Năm 2017, phải mất đến 5 tháng, Đức mới thành lập được chính phủ liên minh (SPD và CDU-CSU). Trong suốt thời gian này, Đức là một đối tác « im hơi lặng tiếng » đối với các nước châu Âu ».
Tình hình dường như cũng không khả quan hơn trong kỳ bầu cử này. Theo thẩm định, chính phủ mới của Đức sẽ cần đến hai, thậm chí là ba đảng liên minh, trong khi các đảng này cũng bất đồng về nhiều chủ đề lớn như khí hậu, thuế khóa và đối ngoại. Mỗi đảng sẽ lại đặt điều kiện để tham gia liên minh và tìm cách chặn những dự án đối nghịch nhất, theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos.
Ngoài ra, hai trong số ba ứng viên « sáng giá », Armin Laschet của đảng CDU cầm quyền hiện nay và Annalena Baerbock thuộc đảng Xanh đều thiếu kinh nghiệm đối ngoại. Ông Armin Laschet là người ủng hộ nhiệt tình nhất chiến lược quốc phòng chung châu Âu ngoài khuôn khổ NATO, điều mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang dốc hết tâm sức bảo vệ. Ông cũng là người duy nhất yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng lên mức tương đương với 2% GDP. Có thể nói ông sẽ là người « tiếp nối » chính sách của bà Merkel, nhưng vấn đề ở chỗ ông chỉ nhận được khoảng 12% ý định bỏ phiếu, bị đối thủ Olaf Scholz bỏ xa.
Ứng cử viên của đảng Xã Hội-Dân Chủ SPD là người duy nhất có kinh nghiệm trong bộ Tài Chính và nắm được bí quyết về đàm phán châu Âu. Pháp và các nước Nam Âu có thể trông cậy vào ông Olaf Scholz về việc triển hạn cơ chế « nợ chung » châu Âu.
Lo lắng tiếp theo của Bruxelles là không biết gì về chính sách đối ngoại, đặc biệt là với Liên Hiệp Châu Âu, của ba ứng cử viên chính. Chủ đề châu Âu không hề được nhắc đến một lần trong ba cuộc tranh luận trên truyền hình của ba ứng cử viên và gần như « vô hình » trong các cuộc vận động, mit-tinh. Đây là « một sai lầm », theo Thomas Gutschker trên nhật báo bảo thủ Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, vì « rất nhiều hồ sơ phụ thuộc vào Đức ». Trong « bất kỳ hồ sơ chính trị nào, mọi ánh mắt đều hướng về Đức, quốc gia lớn nhất và mạnh nhất về kinh tế trong khối ».
Thực vậy, báo Le Point nhấn mạnh cử tri Đức không chỉ bầu ra một chính phủ, một thủ tướng, mà còn bầu ra một người đứng đầu Liên Hiệp Châu Âu trong tư cách chủ tịch luân phiên. Do đó, không thể bỏ qua những chủ đề của toàn khối như tái thiết kinh tế sau đại dịch, chống biến đổi khí hậu, phòng thủ chung châu Âu, chính sách nhập cư hay lập trường trước các cường quốc như Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Ông Piotr Buras, thuộc Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế Châu Âu (ECFR), nhận định với AFP « bà Angela Merkel đã khéo léo duy trì hiện trạng tại châu Âu trong những năm gần đây », tuy nhiên, trước những thách thức mà châu Âu phải đối mặt, « điều mà Liên Hiệp Châu Âu cần hiện nay là một nước Đức có tầm nhìn xa ». Thế nhưng, nếu nhìn vào chiến lược « ít chú ý đến châu Âu » của ba ứng cử viên chính, 26 nước sẽ mất một thời gian để làm quen với đối tác Đức mới.