Chưa chắc phe ông Tập chiếm đa số ghế trong Quốc hội
Ông Tập Cận Bình tại lễ bế mạc của Ủy ban Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Cộng, hôm 10/03/2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)
Đại hội Đảng lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 16/10/2022. Việc lãnh đạo Tập Cận Bình có thể giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ hay không và làm cách nào để ông tái đắc cử, đã trở thành tâm điểm chú ý của giới dư luận.
Các chuyên gia dự đoán rằng ngay cả khi ông Tập tái đắc cử, thì quyền lực của ông sẽ bị thu hẹp và liệu phe cánh của ông có chiếm được đa số ghế trong Quốc hội hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. Ngoài ra, một số Hồng nhị đại (những hậu duệ của thế hệ cách mạng đầu tiên của ĐCSTQ) cho rằng, bất kể người nắm quyền tiếp theo là ai, ĐCSTQ vẫn sẽ càng ngày càng thâm hiểm.
Ông Cao Văn Khiêm (Gao Wenqian), một chuyên gia nghiên cứu lịch sử về ĐCSTQ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với VOA rằng, việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử là sự kiện nằm trong dự liệu và gần như đã biết trước kết quả. Tuy nhiên, ông Tập sẽ mất đi quyền lãnh đạo về đường lối chính trị ở một mức độ nào đó, hoặc ít nhất là phải chọn cách thỏa hiệp.
Ông Cao Văn Khiêm cho biết, việc phe cánh của ông Tập có chiếm đa số ghế trong Ủy ban Thường vụ và Bộ Chính trị hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. “Kể cả khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử, thì quyền lực của ông ta sẽ bị thu hẹp so với Đại hội Đảng lần thứ 19.”
“Ông Tập đã phải chịu thất bại lớn nhất trong suốt mười năm cầm quyền,” trong đó có việc hình thành khối liên minh Trung-Nga trước cuộc chiến Nga-Ukraine, kiên quyết thực hiện chính sách “zero COVID” ngay cả khi nền kinh tế đang sa sút, phá vỡ hiện trạng và gia tăng căng thẳng quân sự ở eo biển Đài Loan, v.v.
Do đó, ông Cao Văn Khiêm nhận định, tại Đại hội Đảng lần thứ 20, nhiều khả năng là ông Tập sẽ “thắng một nửa”, tức là “quyền lực bị phân chia, phải từ bỏ một trong những chức vị tối cao trong Đảng, chính phủ, và quân đội. Hoặc, mặc dù vẫn giữ ba vị trí cao nhất, nhưng ông không chiếm được đa số ghế trong Ban thường vụ và Bộ Chính trị.”
“Trong hoàn cảnh này, nhìn chung các phe phái trong chính trường Trung Quốc vẫn duy trì sự cân bằng, tức là họ vẫn liên tục tranh đấu nhưng không phá vỡ cục diện,” ông Cao nói.
“Ông ấy buộc phải nhượng bộ, vì chắc chắn đa số quan chức ĐCSTQ sẽ yêu cầu ông phải tuân thủ việc cải cách mở cửa.”