Chạy đua vũ trang ở phía đông Địa Trung Hải

Do căng thẳng dai dẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp là một trong số ít thành viên NATO duy trì chi tiêu quốc phòng cao hơn mức 2% GDP mà liên minh kêu gọi. Chi tiêu quốc phòng của Hy Lạp năm 2022 là cao nhất liên minh nếu tính theo tỉ trọng trong GDP.

Mặc dù phần lớn chi tiêu quốc phòng của Hy Lạp thường nằm ở các chi phí liên quan đến nhân lực, nhưng việc mua sắm trang thiết bị đáng kể dưới thời chính quyền hiện tại, bắt đầu từ tháng 7.2019, cũng đã khiến nước này trở thành một trong những nước chi tiêu nhiều nhất cho khí tài quân sự trong NATO (Liên minh cũng kêu gọi các thành viên dành khoảng 20% chi tiêu quốc phòng cho việc mua và nâng cấp trang thiết bị).

Hy Lạp đang tập trung phát triển lực lượng không quân và hạm đội hải quân.

Kể từ năm 2020, họ đã mua 24 máy bay phản lực Rafale do Pháp sản xuất. Đây là các máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4.5 được coi là rất có năng lực và vượt trội về công nghệ so với bất kỳ máy bay nào của Thổ Nhĩ Kỳ. Athens cũng đang nâng cấp 84 chiếc F-16 của mình lên cấu hình Viper mới nhất và đã đăng ký tham gia chương trình F-35.

Hy Lạp có kế hoạch mua 7 trực thăng tác chiến chống tàu ngầm MH-60R và nước này đã lắp đặt hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel trên các đảo ở biển Aegea phía đông nước này. Hệ thống này được điều chỉnh để chống lại đội máy bay không người lái đồ sộ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Về hải quân, Hy Lạp đã mua 3 khinh hạm FDI HN từ Pháp và có thể mua thêm một chiếc nữa. Hy Lạp cũng đang trong giai đoạn cuối cùng để lựa chọn thêm 4 tàu hộ vệ cho lực lượng hải quân vốn đã khá lớn của mình.

Hy Lạp duy trì lực lượng xe tăng lớn nhất trong số các thành viên châu Âu của NATO - mặc dù một phần trong đó là các mẫu đời cũ - và có lực lượng pháo binh thuộc vào hàng lớn nhất châu lục.

Xe tăng của Hy Lạp trong một cuộc diễu binh năm 2018

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai, lực lượng xe tăng và pháo binh lớn thứ hai trong NATO, sau Mỹ.

Lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể sánh ngang với Hy Lạp, nhưng đang tụt hậu do Ankara bị cho ra khỏi chương trình F-35, Mỹ vẫn chưa chấp nhận yêu cầu nâng cấp F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ và hàng trăm phi công Thổ Nhĩ Kỳ bị cho xuất ngũ sau vụ đảo chính thất bại năm 2016.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và các máy bay mà nước này sản xuất đứng đầu trong khối NATO. Máy bay không người lái TB-2 Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã nhận được sự chú ý đáng kể vì vai trò của chúng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những nước có lực lượng hải quân lớn nhất NATO, với một số lượng đáng kể tàu chiến và một hạm đội đổ bộ lớn. Ankara có kế hoạch tăng cường hạm đội của mình với ít nhất 4 và nhiều nhất là 7 khinh hạm tác chiến phòng không thay thế các tàu cũ hơn.

Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang chờ bàn giao 6 tàu ngầm Type 214 do Đức sản xuất, có thể làm nghiêng cán cân hải quân ở biển Aegea, vì Hy Lạp có 4 tàu ngầm Type 214.

Chi tiêu quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ thấp hơn đáng kể so với Hy Lạp, tính theo tỷ trọng GDP, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có nền kinh tế lớn hơn và đang lên kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm cho đến năm 2024. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gần đây đã công bố thêm 26 tỉ USD chi tiêu quốc phòng cho năm 2023.

Việc tăng cường hỏa lực này sẽ khiến bất kỳ xung đột nào đều trở nên nguy hiểm hơn và một cuộc khủng hoảng cục bộ có thể nhanh chóng leo thang.

Tham mưu trưởng quân đội Hy Lạp, tướng Konstantinos Floros, năm 2020 từng nói rằng các cuộc xung đột trong tương lai sẽ không bị giới hạn về mặt địa lý, đi ngược chính sách trước đây của Hy Lạp.

Previous
Previous

Hành động đẹp của Lee Young Ae giữa thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon

Next
Next

Tình hình Ukraine ngày thứ 246