Cuộc họp báo đầu tiên của Taliban: ‘Hãy thành lập một chính phủ hòa hợp’

Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid (bên trái) diễn tả bằng cử chỉ khi trình bày trong cuộc họp báo đầu tiên ở Kabul hôm 17/08/2021 sau khi Taliban chiếm Afghanistan. (Ảnh: Hoshang Hashimi/AFP/Getty Images)

Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid (bên trái) diễn tả bằng cử chỉ khi trình bày trong cuộc họp báo đầu tiên ở Kabul hôm 17/08/2021 sau khi Taliban chiếm Afghanistan. (Ảnh: Hoshang Hashimi/AFP/Getty Images)

Khủng bố Taliban đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên của mình sau khi chiếm đóng Kabul, thủ đô của Afghanistan, nói rằng họ đang làm việc để thành lập một “chính phủ hòa hợp” và nhằm duy trì mối bang giao hòa bình với các quốc gia khác.

Phát ngôn viên của Taliban, ông Zabihullah Mujahid, cho biết trong cuộc họp báo ở trung tâm thông tấn của Kabul hôm thứ Ba (17/08), “Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang trong một thời khắc lịch sử mà hệ thống chính trị này vừa khớp và chúng ta mong muốn – hãy thành lập một chính phủ hòa hợp.”

“Vào thời khắc này, đang có các cuộc thảo luận rằng một chính phủ hòa hợp nên được thành lập và tất cả các bên cũng như người dân Afghanistan nên tham gia vào chính phủ này,” ông Mujahid nói và lưu ý rằng một chính phủ mới sẽ sớm được công bố.

Một chính phủ hòa hợp là một trong những đòi hỏi mà Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế yêu cầu để chính thức công nhận một chính phủ Afghanistan tương lai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price khẳng định hôm thứ Hai (16/08).

Ông Price nói trong cuộc họp, “Thực tế là một chính phủ Afghanistan tương lai duy trì các quyền cơ bản của người dân, không chứa chấp khủng bố và bảo vệ các quyền cơ bản của người dân, bao gồm cả các quyền cơ bản quan trọng của một nửa dân số, phụ nữ và các bé gái, đó là một chính phủ mà chúng tôi có thể làm việc cùng.”

Ông Price cũng nhấn mạnh một tuyên bố do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra hôm thứ Hai (16/08), kêu gọi một chính phủ mới “đồng lòng, hòa hợp và có tính đại diện—bao gồm cả sự tham gia toàn diện, bình đẳng và có ý nghĩa của nữ giới.”

Phiến quân Taliban đứng gác trước phi trường quốc tế Hamid Karzai, ở Kabul, Afghanistan, hôm 16/08/2021. (Ảnh: Rahmat Gul/AP Photo)

Phiến quân Taliban đứng gác trước phi trường quốc tế Hamid Karzai, ở Kabul, Afghanistan, hôm 16/08/2021. (Ảnh: Rahmat Gul/AP Photo)

Nếu không được chính thức công nhận, chính quyền Afghanistan tương lai có thể mất đi khoản hỗ trợ kinh tế từ cộng đồng quốc tế trị giá hàng trăm triệu USD mỗi năm, hoặc thậm chí tệ hơn, phải đối mặt với các lệnh trừng phạt như Iran và Triều Tiên đã đang phải chật vật chống đỡ.

Chẳng hạn, hồi tháng 11/2020 tại hội nghị Geneva, các nhà tài trợ quốc tế trong khuôn khổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cam kết tài trợ dân sự 12 tỷ USD trong giai đoạn 2021–24.

Năm 2019, chính phủ Hoa Kỳ đã chi tổng cộng 4.9 tỷ USD cho Afghanistan, với hầu hết số tiền đó được dùng để tài trợ cho các lực lượng an ninh của quốc gia này. Khoảng 800 triệu USD mỗi năm đã được dành cho viện trợ dân sự trong những năm gần đây.

The Hill đưa tin, Đức thông báo hôm thứ Ba (17/08) rằng nước này sẽ đình chỉ khoản viện trợ phát triển được lên kế hoạch từ trước trị giá 300 triệu USD dành cho Afghanistan trong năm nay.

Những lời hứa đã được lập, Hoa Kỳ đang quan sát

Tại cuộc họp báo ở Kabul, ông Mujahid nói rằng chiến tranh đã kết thúc. “Chúng tôi không muốn Afghanistan trở thành một bãi chiến trường nữa. Chiến tranh kết thúc tại đây sau ngày hôm nay,” ông nói.

“Chúng tôi sẽ ân xá cho tất cả những ai vốn đã trở thành bậc thầy chống lại thánh chiến, và sự ân xá đặc biệt này là bởi chúng tôi không muốn có chiến tranh một lần nữa, và không muốn để chiến tranh tái diễn và các yếu tố của cuộc chiến này vẫn tồn tại.”

“Thế nên, Tiểu vương quốc Hồi giáo này không có thù hằn với bất kỳ ai. Sự hiềm khích giữa các bên trong cuộc xung đột này đã qua đi, và chúng tôi không muốn sống trong sự thù địch.”

Một gia đình Afghanistan tại một khu trại được dựng tạm bợ ở Kabul hôm 12/08/2021. (Ảnh: Paula Bronstein/Getty Images)

Một gia đình Afghanistan tại một khu trại được dựng tạm bợ ở Kabul hôm 12/08/2021. (Ảnh: Paula Bronstein/Getty Images)

Taliban đã tuyên bố cuộc đại ân xá trước đó vào thứ Ba (17/08).

“Chúng tôi đang bảo đảm sự an toàn của tất cả những người đã làm việc với Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh, cho dù với tư cách là phiên dịch viên hay bất kỳ lĩnh vực nào khác mà những người đó đã làm việc với họ,” phát ngôn viên này nói thêm.

Ông cũng cho biết các gia đình đang cố gắng chạy trốn khỏi đất nước tại phi trường nên trở về nhà, và sẽ không có chuyện gì xảy ra với họ cả.

Phát ngôn viên cho biết các phương tiện truyền thông tư nhân có thể tiếp tục được tự do và độc lập [hoạt động] tại Afghanistan, và Taliban đã cam kết với các phương tiện truyền thông trong khuôn khổ văn hóa của họ.

Ông đã khẳng định về quyền của phụ nữ trong buổi họp báo này.

“Phụ nữ sẽ được bảo đảm mọi quyền lợi của mình, dù là trong công việc hay các hoạt động khác, bởi vì phụ nữ là một phần chủ chốt của xã hội. Và chúng tôi đang bảo đảm mọi quyền lợi của họ, trong giới hạn của đạo Hồi.”

Ông cũng bảo đảm rằng không có nhóm nào được phép sử dụng lãnh thổ của Afghanistan để tiến hành các cuộc tấn công chống lại bất kỳ quốc gia nào.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (16/08), ông Price cho biết Bộ Ngoại giao sẽ theo dõi chặt chẽ các hành động của Taliban.

“Chúng tôi sẽ theo dõi các hành động. Đó sẽ là điều quan trọng đối với chúng tôi.”

Phó Tổng thống thứ nhất Afghanistan Amrullah Saleh cho biết trên Twitter hôm thứ Ba (17/08) rằng ông là “tổng thống trông coi hợp pháp” sau khi Tổng thống Ashraf Ghani đào thoát khỏi đất nước. Hiện ông vẫn đang ở Afghanistan.

Ông Li Hai là một phóng viên của The Epoch Times, hiện đang sinh sống tại New York.

Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Minh Ngọc biên dịch

Previous
Previous

Mỹ - Anh thỏa thuận họp G7

Next
Next

Biden bỏ rơi Afghanistan, Kitô Hữu có nguy cơ bị thảm sát