Facebook gặp rắc rối to
Trong những năm gần đây, Facebook đã đối mặt với những người nằm trong chăn tố cáo, những trận bão truyền thông và các cuộc điều tra của Quốc hội Hoa Kỳ. Nhưng bây giờ, Facebook phải đối mặt với cả ba mặt này cùng một lúc, và cuộc khủng hoảng lần này có thể là cuộc khủng hoảng khốc liệt nhất trong lịch sử 17 năm của công ty, một phần tạo lý do khiến công ty có thể phải đổi tên.
Một nhóm gồm 17 tổ chức tin tức của Hoa Kỳ đã bắt đầu công bố nhiều câu chuyện – được gọi chung là “Hồ sơ Facebook” – dựa trên hàng trăm tài liệu nội bộ của công ty được nộp cho “cơ quan chức năng” và cho cả Quốc hội. Các tài liệu này do bà Frances Haugen, một cựu nhân viên của Facebook thu thập trong thời gian còn làm cho công ty.
Các lời tố giác của bà Haugen có thể tập trung vào 3 đề tài. Thứ nhất, nhiều nhóm cực đoan đã sử dụng Facebook để phối hợp, hẹn hò nhau tổ chức gây bạo lực chính trị, sắc tộc, tôn giáo…Thứ hai, những tổ chức buôn người đã sử dụng nền tảng của Facebook để bóc lột các nạn nhân là phụ nữ hoặc trẻ em hoặc những người muốn nhập cảnh lậu vào các quốc gia giàu có. Thứ ba, mặc dù tuyên bố mình tôn trọng tự do ngôn luận nhưng Facebook đã tiếp tay kiểm duyệt nội dung ở một số quốc gia không nói tiếng Anh, trong đó có Việt Nam.
Một sản phẩm khác của Facebook là Instagram bị tố giác là gây ảnh hưởng xấu cho các thiếu nữ thuộc tuổi teen và khi ra điều trần trước một tiểu ban Thượng viện, bà Haugen nói rằng bà tin là “các sản phẩm của Facebook gây hại cho trẻ em, gây chia rẽ lòng người và làm suy yếu chế độ dân chủ.”
Tội của Facebook cụ thể là gì? Mặc dù sử dụng nhiều thuật toán (algorithm), mặc dù sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) Facebook đã không nắm được hết những hoạt động tội phạm xảy ra trên nền tảng của mình; trong nhiều trường hợp các algorithm và AI của Facebook phát hiện ra những chuyện “bất thường” nhưng đã không có biện pháp ngăn chận vì làm vậy sẽ ảnh hưởng đến doanh thu.
Hiện tại vẫn chưa có hồi kết cho những rắc rối của Facebook. Các thành viên của tiểu ban Thượng viện đã mời CEO Mark Zuckerberg ra khai, và đây không phải là lần đầu.
Về phần mình, Facebook đã nhiều lần cố gắng làm giảm uy tín của Haugen, nói rằng “những tố giác của bà dựa trên một tiền đề sai lạc.” Ngoài ra, một phát ngôn viên của Facebook nói với CNN. “Đúng vậy, Chúng tôi là một doanh nghiệp và chúng tôi làm ăn có lời, nhưng người nào cho rằng chúng tôi làm như vậy bất chấp sự an toàn và an sinh của mọi người đã hiểu lầm về lợi ích thương mại của chúng tôi.”
Trường hợp Việt Nam
Một quyết định cá nhân của Mark Zuckerberg dẫn đến một cuộc đàn áp bất đồng chính kiến ở Việt Nam, quốc gia có 66 triệu người sử dụng Facebook, đứng thứ 7 thế giới.
Theo 3 người quen thuộc với quyết định này, cho biết với điều kiện giấu tên, thì quyết định đã được đưa ra sau các cuộc thảo luận nội bộ của công ty. Chính Mark muốn Facebook tuân thủ các yêu cầu của Hà Nội, nếu không, sẽ bị đóng cửa giống như Trung Cộng. Kết quả là, trước thềm đại hội đảng của Việt Nam vào tháng 1, Facebook đã tăng cường kiểm duyệt đáng kể các bài đăng “chống phá nhà nước”, giúp chính phủ cộng sản kiểm soát gần như hoàn toàn nền tảng này.
Có một chuyện chưa từng được phơi bày trước đây, đó là, theo các cuộc phỏng vấn với hơn một chục nhân viên cũ, vai trò của Mark trong quyết định ở Việt Nam thể hiện quyết tâm không ngừng của anh ta muốn bảo đảm sự thống trị của Facebook, đôi khi phải trả giá bằng cách đi ngược lại các tôn chỉ mà công ty đã đề ra.
Công ty nói với báo Washington Post rằng lựa chọn kiểm duyệt ở Việt Nam là hợp lý “để đảm bảo các dịch vụ của chúng tôi luôn khả dụng cho hàng chục triệu người tin cậy vào chúng mỗi ngày.”
Một cựu nhân viên Facebookcho biết, khi cân nhắc liệu có nên cho phép tăng cường kiểm duyệt ở Việt Nam hay không, chủ trương của Mark về quyền tự do ngôn luận dường như liên tục thay đổi. Mark đã cảnh báo rằng việc phục vụ cho một chế độ đàn áp có thể gây tổn hại đến danh tiếng toàn cầu của Facebook, nhưng anh ta lập luận rằng việc chuyển sang chế độ ngoại tuyến (offline) hoàn toàn ở Việt Nam sẽ gây ra tác hại lớn hơn nữa đối với quyền tự do ngôn luận trong nước.
Sau khi Mark đồng ý tăng cường kiểm duyệt các bài đăng chống chính phủ, đã có hơn 2.200 bài đăng của người dùng Việt Nam bị chặn từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2020, so với 834 bài trong 6 tháng trước đó. Trong khi đó, các nhóm ủng hộ dân chủ và bảo vệ môi trường đã trở thành mục tiêu của các chiến dịch báo cáo hàng loạt do lực lượng DLV được chính phủ chỉ đạo, và sau đó nhiều người phải vào tù vì những bài đăng, dù chỉ trích nhẹ nhàng.
Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính Việt Nam đang giam 170 tù nhân lương tâm, trong đó có 69 tù nhân “chỉ vì hoạt động truyền thông xã hội”.
Năm 2018, doanh thu của Facebook từ Việt Nam là gần 1 tỷ đô la, chiếm gần một phần ba doanh thu tại Đông Nam Á. Trong cùng thời gian, Google đã kiếm được 475 triệu đô la, chủ yếu từ quảng cáo trên YouTube.
(Tổng hợp nhiều nguồn)