Hé lộ hồ sơ Pandora
Một núi hồ sơ tài chính của tư nhân mà báo Washington Post có trong tay cho thấy có một hệ thống bí mật che giấu hàng tỷ đô la để tránh sự dòm ngó của cơ quan thuế, chủ nợ, các nhà điều tra tội phạm và công dân trên khắp thế giới; trong số này có 14 trường hợp liên quan đến các nhà lãnh đạo quốc gia.
Các hồ sơ này cho thấy nhà Vua Abdullah II của Jordan đã chi độ 100 triệu đô la cho những biệt thự sang trọng ở California và các nơi khác; các nhà lãnh đạo Cộng hòa Séc, Kenya, Ecuador… sở hữu bí mật hàng triệu đô la tài sản và tiền mặt; và một phụ nữ Nga đang làm chủ một ngôi nhà ven sông ở Monaco, bà này có khối tài sản đáng kể sau khi có tin bà có con với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các quan chức Mỹ và châu Âu cũng nhúng chàm, mặc dù họ thường xuyên lên án các quốc gia nhỏ thường có hệ thống ngân hàng yếu kém, dễ dãi đã để cho những kẻ cướp tài sản và những kẻ rửa tiền lợi dụng khai thác trong nhiều thập niên.
Các hồ sơ có nhiều bằng chứng gây choáng, chẳng hạn như tiểu bang South Dakota của Hoa Kỳ đang có những hoạt động tài chính bí mật không kém những nước mờ ảo về ngân hàng ở châu Âu và vùng Caribe. Hàng chục triệu đô la từ bên ngoài Hoa Kỳ hiện được che chở bởi các công ty ủy thác ở Sioux Falls, thành phố lớn của South Dakota; trong đó có một số công ty có khách hàng là những cá nhân và công ty bị cáo buộc vi phạm nhân quyền hoặc các hành vi sai trái.
Tất cả có hơn 11,9 triệu hồ sơ tài chính do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) thu được và đang được một nhóm báo chí từ từ bóc tách. Các hồ sơ này bao gồm email, báo cáo dạng spreadsheet, hợp đồng và các dạng khác; tất cả đều thuộc chế độ bí mật mà nếu không được mở khóa thì không thể nào xác định các cá nhân đứng đằng sau.
Núi hồ sơ này, được gọi là Hồ sơ Pandora, vượt quá kích thước của Hồ sơ Panama cách nay 5 năm. Trong khi Hồ sơ Panama được lấy từ một công ty luật duy nhất, Hồ sơ Pandora được thu hoạch từ 14 tổ chức dịch vụ tài chính riêng biệt, hoạt động tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; bao gồm Thụy Sĩ, Singapore, Síp, Belize và Quần đảo Virgin thuộc Anh.
Hồ sơ Pandora có hơn 29.000 tài khoản nước ngoài, nhiều hơn gấp đôi con số được xác định trong Hồ sơ Panama. Trong số các chủ tài khoản có hơn 130 người được tạp chí Forbes liệt kê là tỷ phú và hơn 330 quan chức nhà nước tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, gấp đôi con số được tìm thấy trong Hồ sơ Panama.
Kết quả là, Hồ sơ Pandora phơi bày một cơ chế làm ăn bí mật bao trùm cả thế giới, có tác động kéo dài nhiều thế hệ, đánh cắp các khoản tiền đáng kể từ kho bạc chính phủ, làm trầm trọng thêm chênh lệch giàu nghèo, che chắn sự giàu có của những kẻ gian lận và kẻ cắp trong khi cản trở chính quyền và nạn nhân muốn tìm kiếm hoặc thu hồi tài sản bị đánh cắp.
Sherine Ebadi, cựu nhân viên FBI từng điều tra hàng chục vụ tội phạm tài chính quốc tế cho biết cơ chế này góp phần vào những vụ “buôn bán ma túy, tấn công bằng mã độc để tống tiền, buôn bán vũ khí và các tội phạm khác. Nó không những giúp gian lận thuế mà còn làm hoen ố một xã hội lương thiện.”
Sau đây là một số hồ sơ tiêu biểu.
Vua Abdullah II của Jordan
Vua Abdullah đã cai trị Jordan từ năm 1999. Hồ sơ Pandora cho thấy ông này đã chi hơn 106 triệu đô la cho những ngôi nhà xa hoa ở khu nghỉ mát Malibu của California, Washington và London. Gần 70 triệu đô la đã được chi cho 3 ngôi nhà liền kề nhìn ra Thái Bình Dương, tạo thành một trong những khu nhà nhô ra khỏi mỏm đá lớn nhất ở Malibu, vùng biển cao cấp của California. Các luật sư của nhà vua cho biết ông đã không lạm dụng các khoản tiền công hoặc sử dụng số tiền viện trợ của nước ngoài dành cho mục đích công cộng.
Lương Chấn Anh, cựu lãnh đạo Hồng Kông
Lương được bầu làm Hành chánh Trưởng quan Hồng Kông vào năm 2012. Trước khi rời chức, ông được bầu làm phó chủ tịch cơ quan tư vấn chính trị hàng đầu của Trung Cộng.
Hồ sơ Pandora cho thấy Lương đã sử dụng các công ty bình phong để sở hữu cổ phần trong công ty con của một tổng công ty bất động sản Anh hoạt động tại Nhật Bản. Vào năm 2017, khi vẫn là lãnh đạo hàng đầu của Hồng Kông, ông nằm trong danh sách chủ sở hữu của hai công ty ở Quần đảo Virgin thuộc Anh.
Ông không trả lời ICIJ yêu cầu ông bình luận về tin mình có tên trong Hồ sơ Pandora.
Putin cũng dính
Căn hộ cao cấp quay mặt ra Địa Trung Hải, nằm bên dưới sòng bạc Monte Carlo đã từng diễn ra cuộc đấu trí giữa điệp viên Anh James Bond với kẻ ác trong phim.
Có rất ít thông tin về xuất thân khiêm tốn của Svetlana Krivonogikh để chứng minh rằng bà này có đủ khả năng để làm chủ căn hộ dành cho giới thượng lưu trên thế giới. Nhiều người nói người phụ nữ Nga này lớn lên trong một căn hộ chung cư chật chội ở St. Petersburg, làm nhiều nghề khác nhau, trong đó có nghề thu dọn vệ sinh cho một cửa hàng trong xóm.
Nhưng hồ sơ tài chính chưa từng tiết lộ trước đây, kết hợp với các hồ sơ thuế địa phương cho thấy bà Krivonogikh, 46 tuổi, đã trở thành chủ sở hữu căn hộ ở Monaco thông qua một công ty nước ngoài được thành lập chỉ vài tuần sau khi bà sinh một bé gái. Đứa trẻ được sinh ra vào thời điểm mà theo báo chí Nga năm ngoái, bà đang có mối quan hệ bí mật kéo dài nhiều năm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Căn hộ sang trọng của Krivonogikh tại Monte Carlo được tiết lộ qua tập Hồ sơ Pandora, cho thấy bà này làm chủ một công ty bình phong ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, bà cũng sử dụng một công ty dịch vụ tài chính Monaco có khách hàng là một ông bạn tỷ phú của Tổng thống Putin.
Các hồ sơ không cho biết bà lấy đâu ra tiền để trả cho căn hộ trị giá 4,1 triệu đô la vào năm 2003 và bây giờ có lẽ giá cao hơn. Nhưng việc mua căn hộ này trùng hợp với giai đoạn Krivonogikh bị cáo buộc có quan hệ với Putin và đang tích lũy một khối tài sản gây choáng ở Nga, theo Proekt, một tổ chức điều tra trực tuyến của Nga đã tiết lộ mối liên hệ giữa bà với nhà lãnh đạo Điện Kremlin. Sau vụ này, Proekt bị xem là “thế lực thù địch” và phải ngưng hoạt động.
(Theo WP)