Hai tàu chiến Anh sẽ gây thêm áp lực lên Trung Cộng
Việc Vương quốc Anh quyết định điều 2 tàu chiến hiện diện thường trực để hỗ trợ các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương có thể giúp mở rộng ảnh hưởng của liên minh tình báo Ngũ Nhãn, các nhà quan sát quân sự Trung Cộng đánh giá.
Chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh cho rằng sự hiện diện của 2 tàu chiến Anh trên các vùng biển châu Á sẽ không thay đổi đáng kể cân bằng lực lượng ở châu Á – Thái Bình Dương, nhưng có thể khiến Trung Cộng chịu nhiều sức ép chính trị hơn trước dư luận quốc tế.
“Đây là một bước đi chính trị mạo hiểm của Ngũ Nhãn, một liên minh về chia sẻ thông tin tình báo rồi đến giờ kéo Nhật Bản và mở rộng hợp tác trong các hoạt động quân sự phối hợp”, ông Li nói về nhóm chia sẻ thông tin tình báo gồm Mỹ, Anh, Canada, New Zealand và Úc.
Úc gần đây lên tiếng ủng hộ phán quyết mà Toà trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016 rằng những yêu sách rộng khắp của Bắc Kinh trên Biển Đông không có cơ sở pháp lý. Canada trong tháng này cũng kêu gọi Trung Cộng tuân thủ luật quốc tế, nhân kỷ niệm 5 năm phán quyết.
“Anh là 1 trong 5 cường quốc của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vì thế điều này có nghĩa là hai thành viên của Hội đồng Bảo an đang phối hợp để đối phó với một Trung Cộng đang lên, và có thể làm suy giảm ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh trong cộng đồng quốc tế”, ông Li nói với báo SCMP.
Kế hoạch điều 2 tàu chiến đến hiện diện thường trực ở châu Á được thông báo nhân chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ngày 20/6.
Thông báo được đưa ra khi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và các tàu hộ tống đang trên đường đến Nhật Bản qua Biển Đông và Hoa Đông, những nơi Trung Cộng đang cạnh tranh quyết liệt để tranh giành ảnh hưởng với Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Triệu Lập Kiên hôm qua nói rằng Bắc Kinh tôn trọng quyền tự do hàng hải mà các quốc gia được hưởng trên các vùng biển xung quanh Trung Cộng theo luật quốc tế. “Nhưng Trung Cộng kiên quyết phản đối bất kỳ nước nào làm suy yếu chủ quyền, hoà bình và ổn định ở khu vực thông qua việc ủng hộ sử dụng vũ lực”, ông Triệu nói.
Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu tại Viện KHCN quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, nói rằng năng lực chiến đấu của tàu sân bay Anh Queen Elizabeth không phải mối đe doạ trực tiếp đối với quân đội Trung Cộng, nhưng bất kỳ chiến dịch hải quân phối hợp nào giữa lực lượng Mỹ, Anh và Nhật trong tương lai cũng sẽ giúp Washington vơi bớt gánh nặng và chi phí để duy trì nỗ lực đối phó với Trung Cộng về lâu dài.
“Lời hứa của London (về việc duy trì 2 tàu chiến) gợi ý rằng quân đội Mỹ đang thiếu lực lượng và tàu chiến ở khu vực”, ông Zhou nói.
Nhà nghiên cứu này cho rằng Hải quân Mỹ đã có Nhóm tấn công tác chiến ở khu vực, nhưng tàu sân bay USS Ronald Reagan gần đây được điều đến Trung Đông để hỗ trợ việc rút hết lính Mỹ khỏi Afghanistan.
“Cam kết quân sự của Anh cho thấy nước này muốn nhắc nhở các nước châu Á rằng họ có thể tạo ảnh hưởng ở khu vực”, Cheung Mong, phó giáo sư công tác tại Trường Nghiên cứu tự do quốc tế tại ĐH Waseda (Nhật Bản), đánh giá.
“Anh muốn tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Nhật Bản dẫn dắt. Vì thế, việc triển khai những tàu chiến đó sẽ gia tăng ảnh hưởng của Anh ở khu vực”, ông Cheung nhận định.