Hoa Kỳ và Nam Hàn ký thỏa thuận ‘răn đe mở rộng’ nhằm mục tiêu vào Bắc Hàn
Tác giả John Haughey
Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói chuyện trong một cuộc họp báo tại khu vườn của Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 26/04/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)
Hoa Kỳ đã không thành công trong việc thuyết phục chính quyền Bắc Hàn phi hạt nhân hóa, nhưng một thỏa thuận mới tái khẳng định hiệp ước 70 năm giữa hai nước sẽ bảo vệ Nam Hàn, ngăn chặn việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân riêng của nước này.
Để đổi lấy việc Nam Hàn cam kết tiếp tục tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân, Hoa Kỳ sẽ tăng gấp đôi thành phần “hạt nhân” trong chiến lược “răn đe hạt nhân” đối với chế độ của ông Kim Jong Un.
Việc chuyển từ “phi hạt nhân hóa” sang “răn đe hạt nhân” để đối phó với Bắc Hàn là điểm khác biệt chính trong “Tuyên bố Hoa Thịnh Đốn” được Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol công bố sau buổi lễ kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh Hoa Kỳ–Nam Hàn tại Hoa Thịnh Đốn hôm 26/04.
Diễn thuyết tại Vườn Hồng, ông Biden nói rằng một điều sẽ không thay đổi đó là: Bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào chống lại Hoa Kỳ hoặc những quốc gia đồng minh của nước này “sẽ dẫn đến kết cục của bất kỳ chế độ nào thực hiện hành động như vậy.”
Tuyên bố này thừa nhận rằng nỗ lực trong 30 năm nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển các loại vũ khí hạt nhân đã thất bại và đề ra một loạt các biện pháp “răn đe mở rộng” mà Hoa Kỳ và Nam Hàn sẽ thực hiện để chống lại hành động đe dọa vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Hiệp ước sửa đổi này nêu rõ rằng “răn đe mở rộng” có nghĩa là sự hiện diện “rõ ràng hơn” của các loại vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ trong khu vực với “sự khai triển thường xuyên các khí tài chiến lược,” trong đó sẽ bao gồm các chuyến thăm cảng đầu tiên của Nam Hàn trong bốn thập niên của “những chiếc boomer” thuộc Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ — các tàu ngầm lớn với hỏa tiễn đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mang theo đầu đạn hạt nhân.
Ông Biden cho biết, “Chúng tôi sẽ không đặt vũ khí hạt nhân trên bán đảo này. Chúng tôi sẽ tổ chức các chuyến thăm cảng của tàu ngầm hạt nhân và những thiết bị tương tự như vậy.”