Không bên nào muốn xung đột lan rộng
Bản thân Iran hay Israel dường như đều không mong muốn căng thẳng vượt tầm kiểm soát thành một cuộc xung đột trực tiếp lan ra toàn khu vực.
Bằng chứng là Iran đã thông báo trước cho các bên về kế hoạch tấn công Israel. Hơn nữa, hỏa tiễn của Iran nhắm vào các căn cứ quân sự ở xa của Israel. Điều này cho thấy Iran đã cố gắng hạn chế thiệt hại mà vụ tấn công có thể gây ra, song vẫn đủ để đưa ra thông điệp răn đe.
Theo ước tính của phương Tây, Iran là một trong những quốc gia quân sự hóa mạnh nhất trong khu vực, với quân đội thường trực ít nhất 580.000 người và kho dự trữ 3.000 hỏa tiễn đạn đạo.
Tuy nhiên, trong 6 tháng xung đột ở Dải Gaza, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã nói rất rõ rằng Iran không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Nền kinh tế và người dân Iran đang phải gánh chịu các lệnh trừng phạt sâu rộng của Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS) cho rằng, "bóng đang ở trong sân của Israel" và phản ứng của nước này đối với vụ tấn công của Iran mới đây sẽ quyết định liệu tình hình tiếp tục leo thang hay không.
Quyết định của Israel sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hỗ trợ của Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Israel.
Các nguồn lực của Mỹ đang bị căng thẳng do cuộc chiến ở Ukraine, đến mức giới chức Israel phàn nàn rằng họ không nhận được vũ khí từ Mỹ theo đề nghị. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ Washington không muốn bị kéo vào một cuộc xung đột ở Trung Đông, đặc biệt là trong năm bầu cử này.
Mỹ cho biết họ sẽ không tham gia cùng Israel trong bất kỳ cuộc tấn công trực tiếp nào vào Iran.
Thay vào đó, quan chức Mỹ và EU thông báo sẽ đưa ra một loạt lệnh trừng phạt Iran. "Các lệnh trừng phạt mới cùng những biện pháp bổ sung sẽ tiếp tục gây áp lực để kìm hãm và làm suy giảm năng lực lẫn hiệu quả hoạt động quân sự của Iran, nhắm tới tất cả hoạt động gây rối của nước này", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết.