Lo ngại Iran sắp tấn công, Ả Rập Xê Út và Hoa Kỳ nâng mức cảnh báo
Tác giả Naveen Athrappully
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (Trái) và Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, (Phải), đến để chụp ảnh chung trong Hội nghị thượng đỉnh An ninh và Phát triển Jeddah (GCC+3) tại một khách sạn ở thành phố ven biển Jeddah của Ả Rập Xê Út, hôm 16/07/2022. (Ảnh: Mandel Ngan/Pool/AFP/Getty Images)
Theo các quan chức Ả Rập và Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út đã cảnh báo các quan chức Hoa Kỳ về thông tin tình báo cho thấy Iran đang sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công bên trong vương quốc này.
Để đối phó với mối đe dọa này, Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út, cũng như các quốc gia lân bang khác đã nâng mức cảnh báo cho các lực lượng quân sự của họ, các quan chức Riyadh và Hoa Thịnh Đốn nói với The Wall Street Journal nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Tehran được cho là đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công vào Ả Rập Xê Út và Iraq, nơi đóng quân của một số binh lính Hoa Kỳ, trong một nỗ lực nhằm hướng sự chú ý của dư luận khỏi các cuộc biểu tình ở Iran vốn đã nhận được sự quan tâm rộng rãi trên toàn cầu.
“Tôi có thể nói rằng chúng tôi vẫn luôn quan tâm đến tình huống đe dọa trong khu vực này,” phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết trong một cuộc họp báo hôm 01/11. “Chúng tôi thường xuyên liên lạc với các đối tác Ả Rập Xê Út về những thông tin mà họ có thể phải cung cấp về phương diện đó.”
“Nhưng như những gì chúng tôi đã nói trước đây, và tôi sẽ nhắc lại, đó là chính chúng tôi sẽ bảo lưu quyền bảo vệ và tự vệ cho dù quân đội của chúng tôi đang phục vụ ở đâu, dù ở Iraq hay nơi nào khác.”
Ông từ chối nói về “các mức độ bảo vệ lực lượng cụ thể.”
Đã có các cuộc biểu tình của công chúng trên quy mô lớn ở Iran kể từ khi một phụ nữ trẻ qua đời hôm 16/09 trong khi bị cảnh sát giam giữ. Cô đã bị bắt giữ vì không tuân thủ quy định nghiêm ngặt về trang phục đối với nữ giới của quốc gia này.
Kể từ đó, hơn 1,000 người đã bị bắt và hơn 200 người bị sát hại trong bối cảnh những người biểu tình kêu gọi bảo vệ quyền phụ nữ và yêu cầu lật đổ chính phủ Hồi giáo này.