Lo sợ ĐCSTQ bị xấu mặt tại Thế vận hội, quan chức áp đặt các biện pháp COVID-19 hà khắc
Các nhân viên mặc thiết bị bảo hộ cá nhân chuẩn bị phun thuốc khử trùng bên ngoài một trung tâm mua sắm ở thành phố Tây An, phía bắc tỉnh Thiểm Tây của Trung Cộng, hôm 11/01/2022. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)
Sáu tuần trước Thế vận hội Bắc Kinh, khi thành phố Tây An của Trung Cộng đang bị phong tỏa hoàn toàn vì một đợt bùng phát COVID nghiêm trọng, quan chức đứng đầu vùng này đã ra lệnh cho các nhà chức trách tăng cường các biện pháp phòng dịch hà khắc — vì lo ngại rằng sự lây lan có thể ảnh hưởng đến Thế vận hội và làm tổn hại hình ảnh của chế độ cộng sản.
Đó là theo một bài diễn văn lưu hành nội bộ hôm 24/12 của tỉnh trưởng tỉnh Thiểm Tây, có thủ phủ là Tây An, thuộc bắc trung bộ [Trung Cộng]. The Epoch Times đã thu thập được một bản ghi lại của bài diễn văn này (pdf).
Ghi nhận Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh sẽ khai mạc vào đầu tháng Hai, quan chức cao cấp của tỉnh, ông Triệu Nhất Đức (Zhao Yide), đã nói rằng sự bùng phát lan rộng sẽ “tạo ra hỗn loạn cho tình hình chung của đất nước và bôi nhọ hình ảnh quốc gia.”
Trong một bài diễn văn trực tuyến trước các quan chức y tế của khu vực, ông Triệu đã ra lệnh áp dụng “các biện pháp cứng rắn nhất” để ngăn chặn sự lây truyền virus từ Tây An.
Bài diễn văn của ông được đưa ra một ngày sau khi 13 triệu cư dân của thành phố bị phong tỏa khi các nhà chức trách báo cáo số liệu COVID-19 tồi tệ nhất của đất nước trong 21 tháng. Tuy nhiên, những con số chính thức như vậy có khả năng không phản ánh đúng tỷ lệ lây nhiễm do Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện kiểm duyệt thông tin tiêu cực để duy trì hình ảnh của mình.
Bài diễn văn dài 5,300 từ của vị tỉnh trưởng tập trung vào việc sử dụng các biện pháp “cứng rắn” và “nghiêm khắc” để “ngăn chặn chuỗi lây truyền”. Nó chỉ đề cập ngắn gọn đến sự cần thiết phải bảo đảm nguồn cung hàng thiết yếu hàng ngày của người dân, để bảo đảm “sự ổn định chung” của xã hội. Ông không đề cập đến vấn đề chăm sóc y tế hay cảm xúc của những cư dân bị phong tỏa.
Một nhân viên đang được làm xét nghiệm COVID-19 acid nucleic tại phòng tập thể dục của một công ty tại Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, trung tâm của Trung Quốc vào ngày 05/08/2021. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)
Sự phẫn nộ của công chúng và việc kiểm duyệt
Các biện pháp hà khắc của thành phố, được thực hiện theo chính sách “zero COVID” của nhà cầm quyền, từ đó đã gây ra một làn sóng phẫn nộ và tuyệt vọng của người dân. Họ đã lên mạng xã hội để nói lên những khó khăn của họ trong việc tiếp cận nguồn cung cấp thực phẩm và chăm sóc y tế.
“Đã hơn 20 ngày và [chính quyền địa phương] đã gửi đồ ăn một lần — chỉ một lần,” một cư dân mạng viết trong một bài đăng trên mạng xã hội ngày 09/01, lo lắng về bạn bè mình — những người cũng đã bị phong tỏa ở trong nhà của họ.
Như thường lệ, đối với các sự kiện phản ánh bất lợi về chế độ cộng sản, các kiểm duyệt viên trực tuyến của Trung Quốc lại ập vào để trấn áp những nội dung tiêu cực như vậy.
Trong một tài liệu nội bộ khác (pdf) mà The Epoch Times thu thập được, Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Tây An hôm 28/12 cho biết họ sẽ “tăng cường giám sát thời gian thực đối với dư luận trong Thế vận hội Mùa Đông và các kỳ nghỉ lễ” nhằm “giảm tác động tiêu cực.”
Hôm 05/01, một số người dân địa phương đã nhận được một “thông báo quan trọng” trên WeChat, một nền tảng nhắn tin phổ biến của Trung Cộng, cảnh báo rằng các nhóm trò chuyện của họ đang bị tích cực theo dõi, theo ảnh chụp màn hình được chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA). Thông báo này nêu rõ, “tin đồn” và các video liên quan đến bùng phát dịch bị cấm tuyệt đối trong các cuộc trò chuyện, đồng thời cho biết thêm rằng bất kỳ sự lan truyền nào của “tin tức tiêu cực” sẽ dẫn đến đình chỉ tài khoản.
Các tài liệu nội bộ cho thấy chính quyền tỉnh đã coi sự thành công của Thế vận hội Mùa Đông, mà Bắc Kinh đã cam kết là “an toàn và hoành tráng”, là mục tiêu chính trị hàng đầu, nhà bình luận thời sự Trung Cộng Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Ông nói: “Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn đại dịch cực đoan, họ đang nghĩ đến hình ảnh của Đảng, hơn là tính mạng của người dân.”
Ông cho biết thêm: “Điều này là phản nhân loại, và kiểm soát xã hội được thực hiện với cái giá phải trả là chà đạp lên sinh mạng và phẩm giá của người dân Trung Quốc.”
Một nhân viên bảo trì đi qua một khu vực băng ghế khán giả trống, đứng gần logo của Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 tại Nhà thi đấu Trượt băng Tốc độ Quốc gia ở Bắc Kinh hôm 10/10/2021. (Ảnh: Mark Schiefelbein/AP Photo)
Các biện pháp hà khắc
Kể từ khi đợt phong tỏa bắt đầu vào ngày 23/12, người dân Tây An đã đăng ở khắp nơi trên mạng xã hội với những câu chuyện về sự tuyệt vọng và những khó khăn do các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của thành phố.
Một thai phụ cuối kỳ đã sẩy thai bên ngoài một bệnh viện vào Ngày đầu Năm Mới sau khi bệnh viện này từ chối chăm sóc cô vì kết quả xét nghiệm COVID âm tính của cô đã quá hạn một vài tiếng.
Những ca sẩy thai khác xảy ra trong hoàn cảnh tương tự và những câu chuyện về các bệnh nhân ốm nặng bị từ chối chăm sóc đã được chia sẻ trên mạng xã hội, làm dấy lên phản ứng dữ dội từ phía công chúng.
“Không phải mạng sống là quý giá nhất sao?” một cư dân mạng viết trên Weibo, mạng xã hội giống Twitter của Trung Cộng.
Khi sự phẫn nộ của công chúng dâng cao, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra một lời xin lỗi công khai hiếm hoi liên quan đến trường hợp của người phụ nữ trên. Hôm 06/01, Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) cho biết bà “vô cùng xấu hổ” vì cách đối xử đó, trong khi ông Lưu Thuận Trí (Liu Shunzhi), giám đốc ủy ban y tế thành phố, đã cúi đầu xin lỗi về cách giải quyết vụ việc của Tây An. Tỉnh trưởng Triệu, người trước đó có bài diễn văn, cũng đã kêu gọi chính quyền ưu tiên tính mạng và sức khỏe thể chất của người dân.
Tuy nhiên, cùng ngày, chính quyền Trung Cộng đã cách chức một quan chức chỉ trích các biện pháp phong tỏa hà khắc của chính quyền Tây An trong một bài đăng trên mạng xã hội. Ông mô tả các trường hợp được đưa tin công khai về các cư dân sử dụng các biện pháp cực đoan để thoát khỏi phong tỏa, trong đó có một thanh niên 31 tuổi đã đi bộ trong giá lạnh suốt tám ngày đêm để về quê. Bài đăng của quan chức này đã bị coi là “tin đồn” và bị xóa khỏi internet.
Mặc dù các nhà chức trách Tây An đã tuyên bố hôm 05/01 rằng đợt bùng phát đã được kiểm soát, nhưng một bộ phận cư dân của thành phố vẫn đang bị đặt dưới phong tỏa. Một số cư dân gần đây nói với The Epoch Times rằng họ đã bị cô lập trong nhà với nguồn thực phẩm ngày càng cạn kiệt.