Mỹ bớt "mặn mà", bàn cờ Trung Đông sẽ ra sao?

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Taliban lên nắm quyền có thể tái định hình bàn cờ địa chính trị Trung Đông trong nhiều năm tới, trong đó vai trò của Trung Cộng sẽ tăng lên.

Những người sơ tán chờ lên máy bay vận tải C-17 Globemaster III tại sân bay Kabul hôm 30/8 (Ảnh: Reuters).

Những người sơ tán chờ lên máy bay vận tải C-17 Globemaster III tại sân bay Kabul hôm 30/8 (Ảnh: Reuters).

Guardian dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên tại Trung Đông nhận định rằng, việc Mỹ rút quân nhanh chóng và đầy hỗn loạn tại Afghanistan đã đặt ra những lo ngại đối với các quốc gia vùng Vịnh về giá trị của những cam kết an ninh của Washington trong 20 năm tới.

"Liệu chúng ta có thể trông cậy vào chiếc ô an ninh của Mỹ trong 20 năm tới không? Tôi nghĩ nó đang có vấn đề", quan chức này nói.

Theo ông, Afghanistan dưới sự lãnh đạo của Taliban có thể sẽ được coi là chiến thắng của Pakistan và là cơ hội lớn cho Trung Cộng trong khi Mỹ chỉ đóng vai trò nhỏ. "Nếu xảy ra cuộc chiến ảnh hưởng tại Afghanistan, đó sẽ là mặt trận của Pakistan, Trung Cộng, Ấn Độ, Iran và Nga. Tôi không nghĩ Mỹ sẽ tham gia vào cuộc chiến địa chính trị ở Afghanistan", giới chức này nhận định.

Ông cũng cảnh báo việc Taliban lên nắm chính quyền sẽ khiến các nhà lãnh đạo ở Tây Phi lo ngại về sự trỗi dậy của một chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo mới nguy hiểm hơn.

Quan chức trên nói thêm, ông không mong đợi Taliban sẽ hành xử khác so với thời kỳ nắm quyền trước đây, nhưng cho rằng, "về cơ bản thì bản chất vẫn không thay đổi, nhưng Taliban hiện nay hiểu biết hơn về thế giới".

Nhiều quốc gia vùng Vịnh đã bắt đầu điều chỉnh lại chính sách đối ngoại, trong đó có tính đến việc Mỹ sẽ dần rời xa khu vực này. Quan chức trên cho biết ông hy vọng các nước sẽ tăng tốc quá trình này nhằm nhanh chóng tái liên kết các liên minh và thiết lập mối quan hệ thực dụng hơn trong khu vực. Ông nhấn mạnh, mục tiêu chung là nhằm giảm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Quan chức giấu tên cũng hy vọng Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ sớm có nhiều cuộc hội đàm lớn và quan trọng với Iran. Theo ông, việc ký kết một thỏa thuận quốc phòng giữa Ả Rập Xê Út và Nga là một dấu hiệu cho thấy trong kỷ nguyên mới, các quốc gia vùng Vịnh muốn đa dạng hóa các nguồn đảm bảo an ninh, ngoài Mỹ.

Iran, dưới thời cựu Tổng thống Hassan Rouhan, đã bắt đầu tổ chức các cuộc đàm phán kín với Ả Rập Xê Út ở cấp độ hợp tác tình báo, nhưng giờ hai nước có thể mở rộng đàm phán hơn nữa. Bahrain được cho là đang tìm kiếm các liên minh mới trong khu vực, bao gồm cả việc thông qua Hiệp định Abraham với Israel và khôi phục quan hệ ngoại giao với Syria.

Previous
Previous

Đắm tàu, mẹ cho hai con bú cho đến khi trút hơi thở cuối cùng

Next
Next

Hối thúc Liên Âu lập quân đội riêng, chủ tịch ''VDL'' vượt qua ‘‘húy kỵ’’