Nga và Iran là hai nước thất bại trước sự sụp đổ của Syria

Syria là một quốc gia bất ổn trong nhiều năm trước khi gia đình Assad lên nắm quyền vào năm 1970. Đảo chính là chuyện thường xuyên xảy ra và các lực lượng đối lập kiểm soát vùng Tây Bắc Syria, phần lớn được Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ.

Sau khi thoát nạn trong cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập năm 2011, Bashar al Assad đã củng cố chế độ độc tài toàn trị có thể nói là tàn bạo nhất ở Trung Đông mà hình ảnh nhà tù của chế độ được phơi bày cho thấy rất kinh hoàng với phòng tra tấn, máy nghiền tù nhân (crush machine), dây thắt cổ, tính trung bình mỗi ngày có 50 tù nhân bị treo cổ. Và chế độ Assad có một quân đội mạnh mẽ hậu thuẫn.

Chính yếu là Bashar al-Assad đã xoay xở để tồn tại kể từ năm 2011 là sự kết hợp của quân đội và lực lượng an ninh riêng của ông ta, đặc biệt là một quân đoàn gồm những người thiểu số Alawis, và nhóm người Alawis xem việc thay đổi chế độ là mối đe dọa đối với đặc quyền của họ. Vậy thì tại sao quân đội này dường như thậm chí không chiến đấu để bảo vệ chế độ?

Có nhiều giả thuyết như là sự kiệt sức, thiếu tinh thần, thiếu quyết tâm từ phía quân đội của Assad và sự kinh ngạc trước động lực của quân nổi dậy. Đồng thời,  có hai yếu tố quan trọng hơn: đó là thiếu sự hỗ trợ từ Nga, Iran và Hezbollah đã làm suy yếu tinh thần của quân đội Syria khiến họ không muốn chiến đấu, và thứ hai, là những lời hứa ân xá và cho họ được tự trị từ phía quân nổi dậy.

Sự sụp đổ bất ngờ của một trong những chế độ độc tài tàn bạo nhất ở Trung Đông đã được hàng triệu người Syria trong và ngoài nước ăn mừng vì một lý do chính đáng. Đảng Baathist cai trị Syria liên tục kể từ năm 1963, và 5 thập niên dưới sự chuyên chế của gia đình Assad, không chỉ làm Syria kiệt quệ mà còn biến nơi này thành nơi đồn trú của Nga và phục vụ cho các tham vọng của Iran. mà sự sụp đổ này là một bước lùi đối với các chế độ quân chủ Ả Rập vùng Vịnh đã xem chế độ của Assad là bình thường. Họ sẽ mất ảnh hưởng chính trị, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia ủng hộ lâu năm của quân nổi dậy sẽ giành được ảnh hưởng quan trọng.

Nhóm người Kurd đồng minh của Hoa Kỳ và người Ả Rập Sunni được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và những nhóm dân quân khác đã khiến Assad sụp đổ   đang điều hành các vùng đất riêng biệt của họ ở miền bắc Syria, nhưng giờ đây họ cần thể hiện sự linh động về chính trị và ý thức hệ để trở thành một phần của dự án quản trị lâm thời toàn diện ở Syria. Việc kiềm chế ảnh hưởng của những người theo chủ nghĩa Hồi Giáo sẽ không dễ dàng, nhưng việc họ tham gia vào tiến trình chính trị và triển vọng bầu cử trong vòng một năm, cũng như ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ có thể có tác động ôn hòa.

Và quan trọng hơn hết, sự sụp đổ của Assad cũng là sự thất bại của Nga và Iran.

Có thể nói, đây cuộc cách mạng địa lý chính trị tại Trung Đông. Syria là đồng minh thân cận nhất của Iran kể từ Cách Mạng Hồi Giáo năm 1979 và là căn cứ đáng tin cậy nhất cho các hoạt động quân sự của Nga trong nhiều thập niên.

Vào tháng 9 năm 2015, Nga trở lại Trung Đông bằng cách dội bom quân nổi dậy chống lại chế độ Assad để bảo đảm nhà độc tài Syria vẫn nắm quyền. Sau đó, Nga mở rộng căn cứ quân sự tại hải cảng Tartus, và mua một căn cứ không quân tại Hemeimeem, biểu dương sức mạnh và ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông sẽ rộng lớn hơn và đi xa hơn nữa.

Nếu Nga mất hai căn cứ này ở Syria, đó sẽ là một đòn mạnh giáng vào kế hoạch bành trướng của Nga trong vùng Trung Đông và Phi Châu.

Là căn cứ tiếp vận duy nhất của Nga tại Biển Địa Trung Hải, hải cảng Tartus rất quan trọng đối với các hoạt động quân sự và buôn lậu của Nga trên khắp thế giới và là một cái gai ở phía nam của NATO.

Các căn cứ của Nga ở Syria cũng rất quan trọng trong việc cung cấp cho Quân Đoàn Châu Phi của Nga trên khắp Châu Phi. Bất kể là Nga có thể giữ được các căn cứ ở Syria hay không, Nga cũng bị mất mặt: Các chính quyền quân phiệt ở Châu Phi và Bờ biển Đại Tây Dương vừa chứng kiến ​​sự bất lực của Nga vào thời điểm quyết định ở Syria.

Việc lật đổ Assad chắc chắn sẽ gây ra những tác động đáng kể đến các cuộc xung đột khác trong khu vực. Sự kiện Nga và Iran không có khả năng hoặc đã không muốn hỗ trợ Assad sẽ làm suy yếu thế lực của Hezbollah ở Lebanon, Houthis ở Yemen và lực lượng dân quân Shia ở Iraq, những yếu tố này có thể làm thay đổi quyền lực trong vùng.

Cuối cùng, Syria sẽ không tệ hơn những gì đã xảy ra. Hàng triệu người Syria  có cơ hội trở về nước và tạo ra sự cân bằng giữa các nhóm dân quân vũ trang và chủ nghĩa cực đoan. Phương Tây và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục quan tâm đến Syria, không chỉ trong việc chống lại sự trỗi dậy của nhà nước Hồi Giáo mà còn tiếp tục tham gia để bảo đảm an ninh cho Do Thái, ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan và giúp đất nước này phát triển.

Previous
Previous

Xác nhận hành tinh với cái đuôi khổng lồ gần trái đất

Next
Next

Quyền Tổng thống Hàn Quốc điện đàm với ông Biden sau vụ luận tội ông Yoon