Người Duy Ngô Nhĩ đối mặt với nguy cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ bán đứng cho Trung Cộng

14.jpg

Ngay trên trang nhất, Le Monde chạy một hàng tựa nhỏ để nêu bật vấn đề: “Thổ Nhĩ Kỳ: Người Duy Ngô Nhĩ lưu vong lo sợ bị trục xuất về Trung Cộng”

Theo ghi nhận của tờ báo, hàng chục nghìn người Duy Ngô Nhĩ, nạn nhân của một chính sách đàn áp có hệ thống ở Trung Cộng, đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, một nơi lánh nạn thoạt đầu rất bình yên. Vào năm 2009, tổng thống Erdogan từng đi xa đến mức cáo buộc Bắc Kinh thực hiện một “kiểu diệt chủng” nhắm vào cộng đồng người Hồi Giáo nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ở Tân Cương.

Thế nhưng, theo Le Monde, từ lúc đó đến nay, lời lẽ chính thức ở Ankara đã thay đổi. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tìm kiếm các khoản đầu tư của Trung Cộng nhằm thay thế cho tư bản phương Tây, và quốc gia này hiện đang lệ thuộc vào nguồn vac-xin chống Covid-19 đến từ Trung Cộng. Và như vậy là khoảng 50.000 người Duy Ngô Nhĩ, bị Trung Cộng truy bức và đang lánh nạn ở quốc gia Hồi Giáo này, có nguy cơ trở thành nạn nhân của tiến trình xích lại gần nhau giữa Ankara và Bắc Kinh.

Trong bài viết đầu tiên trang quốc tế mang tựa đề “Nỗi tuyệt vọng của người Duy Ngô Nhĩ lưu vong tại Thổ Nhĩ Kỳ”, thông tín viên báo Le Monde tại Istanbul nêu bật tình cảnh bấp bênh của cộng đồng người Hồi Giáo này. Trong những năm gần đây, đã có một số bị trục xuất sang các nước thứ ba, để rồi bị các nước đó giao nộp cho Trung Cộng. Nỗi lo sợ chính hiện nay là khả năng Ankara sẽ phê chuẩn hiệp ước dẫn độ với Bắc Kinh, tạo điều kiện cho việc giao nộp thẳng những người Duy Ngô Nhĩ mà Trung Cộng muốn truy bắt.

Theo Le Monde, nổi cộm nhất hiện nay là sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào vac-xin chống Covid-19 của Trung Cộng, mà lượng cung cấp  đã chậm lại trong thời gian gần đây. Bắc Kinh bị nghi ngờ là đã đặt điều kiện cho việc giao CoronaVac cho Ankara: Đó là  phê chuẩn hiệp ước dẫn độ mà hai bên đã ký kết năm 2017. Quốc Hội Trung Cộng đã phê chuẩn hiệp ước này, còn phía Thổ Nhĩ Kỳ thì chưa.

Ngay cả khi không có hiệp ước dẫn độ, Thổ Nhĩ Kỳ bị cho là đã gián tiếp chiều ý Trung Cộng trên vấn đề người Duy Ngô Nhĩ. Trong những năm gần đây, một số người đã bị Ankara giao cho các nước thứ ba như Kazakhstan, Tajikistan và  Dubai, thuộc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, và từ đó họ bị trục xuất về Trung Cộng.

Mehmet Okatan, một luật sư ở Istanbul, đang biện hộ cho mười lăm người Duy Ngô Nhĩ bị đe dọa trục xuất, không ngần ngại cáo buộc: “Nhìn chung, chính quyền Trung Cộng cung cấp danh sách người họ muốn bắt cho Thổ Nhĩ Kỳ, phía Thổ sau đó đi bắt người và tống vào các trung tâm giam giữ”. Hiện nay tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ còn có thể can thiệp, nhưng nếu hiệp ước dẫn độ được Nghị Viện Thổ phê chuẩn thì hậu quả sẽ khôn lường.

Theo Le Monde, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bị suy thoái kinh tế nặng nề: Dự trữ ngoại hối đang teo lại, thâm hụt thương mại ngày càng tăng, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ bị mất giá và đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại cho lĩnh vực du lịch, một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của nước này.

Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ ráo riết tìm kiếm nguồn tài trợ và đầu tư của Trung Cộng. Vào mùa hè năm 2018, giữa cuộc khủng hoảng tài chính, khi giá trị của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm gần 40%, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được khoản vay 3 tỷ euro từ Trung Cộng. Đến tháng 6 năm 2019, sau thất bại của Đảng Công Lý và Phát Triển (AKP), cầm quyền từ năm 2002, Ngân Hàng Trung Ương Trung Cộng đã chuyển khoảng 1 tỷ đô la cho Ngân Hàng Trung Ương Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ một “thỏa thuận hoán đổi tiền tệ” giữa hai quốc gia.

Và kể từ năm 2020, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ giao dịch với Trung Cộng được phép sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán. Trong khi chỉ có khoảng 100 công ty Thổ Nhĩ Kỳ kinh doanh tại Trung Cộng, gần 800 công ty Trung Cộng đặt chân lên Thổ Nhĩ Kỳ.

Hoa Vi, tập đoàn viễn thông Trung Cộng, đã tăng thị phần tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ từ 3% trong năm 2017 lên 30% vào năm 2019. ZTE, một công ty công nghệ khác của Trung Cộng, đã mua lại 48% phần vốn của Netas, nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp phụ trách thông tin liên lạc của sân bay Istanbul mới, cũng như số hóa dữ liệu y tế ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Với vị trí địa lý, sức nặng kinh tế khu vực, tư cách thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một mắt xích quan trọng trong “những con đường tơ lụa mới” của chủ tịch Tập Cận Bình. Vào tháng 1/2020, một tập đoàn của Trung Cộng đã mua 51% cây cầu thứ ba nối châu Âu với châu Á ở eo biển Bosphore. Trước đó 5 năm, các công ty Trung Cộng đã mua cảng thương mại Kumport, cách Istanbul không xa.

Cuối cùng, tổng thống Erdogan đang dựa vào các nhà đầu tư Trung Cộng để giúp ông hiện thực hóa dự án đồ sộ, một kênh đào nối thẳng Biển Đen với Biển Marmara, không cần đi qua eo biển Bosphore. Dự án gọi là “Kanal Istanbul” này trị giá khoảng 25 tỷ euro và sẽ kèm theo kế hoạch xây một thành phố mới hơn 500.000 dân.

Previous
Previous

Úc chính thức tuyên chiến với Apple và Google

Next
Next

Chuyên gia: Có thể hơn nửa tỷ người Ấn Độ đã mắc Covid-19, 6 triệu ca tử vong