Nhật Bản tăng cường quan hệ với các nước thuộc nhóm Nam bán cầu

Chuyến công du tới 4 nước châu Phi của Thủ tướng Nhật Bản Kishida được cho là sự chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7, trong đó Nhật Bản chủ trương thúc đẩy quan hệ giữa G7 với các nước Nam bán cầu.

Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản công bố vào tháng 3 lần đầu tiên đề cập đến thuật ngữ “Nam bán cầu”, thường được dùng chỉ chung các nước đang phát triển và các nước mới nổi ở khu vực Trung - Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á, hay Đông Nam Á.

Nhật Bản công bố Sách Xanh Ngoại giao 2023. (Nguồn: Kyodo)

Tài liệu này nêu rõ, điều vô cùng quan trọng là phải hợp tác với các quốc gia mới nổi và đang phát triển theo cách toàn diện để vượt qua những sự khác biệt về giá trị và lợi ích trong chủ nghĩa đa phương. Chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến 4 nước châu Phi là Ai Cập, Ghana, Kenya và Mozambique lần này cũng được cho là nằm trong nỗ lực của nước chủ nhà nhằm thúc đẩy quan hệ của nhóm G7 đối với các nước “Nam bán cầu”.

Về vai trò của các nước “Nam bán cầu” đối với G7, ngay trước chuyến thăm lần này, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết, việc xác nhận hợp tác với các nước lớn ở châu Phi để giải quyết các vấn đề toàn cầu là “có ý nghĩa” đối với Nhật Bản.

Ngoài ra, theo giới chuyên gia, các nước “Nam bán cầu” là các quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào hay tiềm năng phát triển kinh tế có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp G7 khắc phục các cuộc khủng hoảng hiện nay như giá cả năng lượng, lương thực tăng cao hay gián đoạn chuỗi cung ứng.

G7 mong muốn có thêm các nước tăng cường hỗ trợ cho Ukraine đồng thời tăng hiệu quả của các lệnh trừng phạt đối với Nga. Tại cuộc họp của các ngoại trưởng G7 vào tháng 3, khối này đã cam kết “tăng cường” các biện pháp trừng phạt đối với Nga đồng thời cam kết thắt chặt các “sơ hở” thông qua hợp tác chặt chẽ hơn với các nước “Nam bán cầu”.

Điều này sẽ rất quan trọng vì theo IMF tổng tỷ trọng của nhóm G7 trong tổng sản phẩm quốc nội thế giới đã giảm từ hơn 50% vào năm 1990 xuống chỉ còn dưới mức 30% trong năm nay. Bên cạnh việc làm suy yếu Nga, ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo G7 sẽ là tập hợp sự ủng hộ của 8 quốc gia được mời trong đó có một số nước “Nam bán cầu” để gia tăng đối trọng với Trung Quốc, quốc gia được Nhật Bản đánh giá là ngày càng đặt ra các “thách thức chiến lược” đối với khu vực và hơn thế nữa.

Một trong những nỗ lực là bao gồm cả việc chuyển chuỗi cung ứng sang các nước Nam bán cầu, qua đó góp phần vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận về thương mại, an ninh kinh tế và khả năng phục hồi cũng như chính sách đối ngoại và an ninh.

Previous
Previous

Ukraine mưu sát TT Nga Vladimir Putin

Next
Next

Nga cảnh báo "hậu quả tồi tệ" về cuộc phản công của Ukraine