Đảo chính tại Miến Điện. Xin hãy cầu nguyện cho Đức Hồng Y Charles Maung Bo

30.jpg

Nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi và các nhân vật cấp cao khác của đảng cầm quyền đã bị bắt giữ trong một cuộc đột kích vào sáng sớm hôm nay mùng 1 tháng Hai, phát ngôn viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, gọi tắt là NLD, cho biết như trên.

Diễn biến này xảy ra sau khi các nhà sư Phật giáo tham gia vào một cuộc biểu tình rất lớn gần chùa Shwedagon hôm thứ Bảy phản đối kết quả bầu cử hồi tháng 11 vừa qua. Giới Phật Giáo tại Miến Điện đã ủng hộ quân đội Miến Điện và Đảng Đoàn kết và Phát triển do quân đội hậu thuẫn. Đảng Đoàn kết và Phát triển đã thua đậm trước đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi. Cho đến nay, quân đội Miến Điện vẫn tiếp tục phủ nhận đang làm binh biến để đảo chính chính phủ hợp hiến.

Quân đội Miến Điện hôm thứ Bảy cho biết họ sẽ bảo vệ và tuân thủ hiến pháp cũng như hành động theo luật sau khi có những lo ngại hồi đầu tuần về một cuộc đảo chính. Ủy ban bầu cử của Miến Điện đã bác bỏ các cáo buộc của quân đội về gian lận phiếu bầu, nói rằng không có sai sót nào đủ lớn để ảnh hưởng đến độ tin cậy của cuộc bỏ phiếu.

Hiến pháp dành 25% số ghế trong quốc hội cho quân đội và quyền kiểm soát ba bộ chủ chốt trong chính quyền của bà Suu Kyi. Các binh sĩ được triển khai bên ngoài Tòa thị chính ở Yangon, là thành phố chính của Miến Điện sau vụ bắt giữ bà Suu Kyi và các nhà lãnh đạo dân sự khác.

Các nhân chứng cho biết, hàng chục binh sĩ đang đứng trước tòa nhà, nơi đặt trụ sở chính quyền thành phố trong khi một số xe tải và quân sự đứng gần đó. Điều ngày càng có vẻ là một cuộc đảo chính quân sự diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và nhóm tướng tá đầy quyền thế, sau một cuộc bầu cử mà quân đội cho là gian lận. Người phát ngôn của NLD, là Myo Nyunt, nói với Reuters qua điện thoại rằng bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhà lãnh đạo khác đã bị “bắt” vào đầu giờ sáng. Reuters sau đó không thể liên lạc với anh ta.

31.jpg

Đường dây điện thoại đến thủ đô Naypyitaw không liên lạc được trong những giờ đầu ngày thứ Hai. Quốc Hội Miến Điện dự kiến sẽ bắt đầu họp ở đó vào sáng thứ Hai sau cuộc bầu cử tháng 11 mà NLD đã giành được thắng lợi.
Mạng truyền thông nhà nước Miến Điện đã không thể phát sóng, chỉ vài giờ sau khi các nhân vật cấp cao của chính phủ bị bắt giữ.

Trên trang Facebook của mình, Đài Phát thanh và Truyền hình Miến Điện cho biết:
“Do những khó khăn liên lạc hiện tại, chúng tôi xin trân trọng thông báo với các bạn rằng các chương trình thông thường của Đài Truyền Hình Miến Điện và Đài Phát Thanh Miến Điện không thể phát sóng được”.

Một nhà lập pháp NLD, người yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù, cho biết một người khác trong số những người bị giam giữ là Han Thar Myint, một thành viên của ủy ban điều hành trung ương của đảng.

Bà Aung San Suu Kyi, từng đoạt giải Nobel Hòa bình, năm nay 75 tuổi, lên nắm quyền sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015, sau nhiều thập kỷ bị quản thúc tại gia trong một cuộc đấu tranh vì dân chủ đã biến bà thành một biểu tượng quốc tế.

Vị thế quốc tế của bà đã bị tổn hại sau khi hàng trăm nghìn người Rohingya chạy trốn khỏi các chiến dịch của quân đội tại bang Rakhine phía tây Myanmar vào năm 2017. Dù vậy, bà vẫn nổi tiếng ở quê nhà.

Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangon, chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu là một người nổi tiếng ủng hộ bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD vì ngài tin họ có thể đem lại một nền dân chủ và tự do cho Miến Điện.

Ngày 13 tháng 12, 2019, trong một bức thư ngỏ gởi cộng đồng quốc tế và người dân Miến Điện, Tổng Giám Mục Yangoon kêu gọi giới quân nhân Miến Điện từ bỏ bạo lực.

Mở đầu lá thư Đức Hồng Y viết: “Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Miến Điện từ bỏ vũ khí và bạo lực để đối thoại với tất cả các cộng đồng, mọi sắc tộc và tôn giáo, để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho nhiều thập kỷ xung đột, bắt đầu một tiến trình hòa bình, công lý, sự thật và hòa giải mới.”

Đức Hồng Y cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Miến Điện dùng tất cả năng lực và nỗ lực của họ “chăm sóc người nghèo và người đau khổ”, trong một quốc gia vẫn mang vết thương của những năm xung đột kéo dài. Đức Hồng Y Bo nhắc nhở mọi người rằng đó là nhiệm vụ của ngài, với tư cách là linh mục và mục tử, lên tiếng thay cho người nghèo và người bị gạt ra ngoài lễ xã hội và những người không có tiếng nói. Ngài nói: “Bây giờ là lúc tìm kiếm sự thật, công lý, hòa bình và hòa giải. Tôi là một linh mục, không phải là luật sư hay chính trị gia, vì vậy tôi sẽ không bình luận về các sáng kiến pháp lý quốc tế hiện tại. Nhưng tôi biết rằng để có hòa bình, cần phải có công lý, và để có hòa giải, cần phải có sự công nhận về sự thật.”

Trước các tiếng nói kêu gọi truy tố bà Aung San Suu Kyi ra tòa án quốc tế vì tội ác diệt chủng của giới quân nhân đối với người Hồi Giáo Rohingya, ngài đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nghĩ đến phúc lợi của tất cả người dân Miến Điện. Ngài nói: “Đặc biệt, tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo đảm rằng, trong nỗ lực truy tố những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác chống lại loài người, không trừng phạt những người không chịu trách nhiệm và không trừng phạt tất cả người dân Miến Điện. Cộng đồng quốc tế nên cẩn thận không áp dụng các biện pháp có thể làm tổn thương người nghèo nhất. Tôi khuyến khích cộng đồng quốc tế tập trung nỗ lực của mình theo cách nhắm vào những người trực tiếp chịu trách nhiệm cho việc vi phạm nghiêm trọng các quyền con người và những bất công nghiêm trọng”.

Trong thư, Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh vai trò tích cực của đối thoại liên tôn và cam kết hòa bình, hòa giải và công lý của Giáo hội, trong khi đất nước đang trải qua giai đoạn lịch sử rất cần được chữa lành. Ngài nhắc nhớ: “Trong bảy mươi năm, Miến Điện đã bị xâu xé bởi các cuộc xung đột sắc tộc, chế độ độc tài và chủ nghĩa dân tộc tôn giáo đã dẫn đến sự đổ máu kinh hoàng, chết chóc, hủy diệt, nô lệ và lạm dụng.” Đức Hồng Y lưu ý rằng trong nhiều thập kỷ, Miến Điện đã bị thế giới cắt đứt liên lạc. Trong bảy năm qua, một số dấu hiệu hy vọng và dấu hiệu của ánh sáng đã xuất hiện, rồi lại bị thay thế bằng những đám mây đen mới.

Đặng Tự Do

Previous
Previous

Trung Cộng đứng đằng sau cú đảo chính tại Miến Điện ?

Next
Next

Vì sao Google, Facebook mua tin tức khắp nơi nhưng kiên quyết từ chối Úc?