Phiên tòa dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu kết thúc

Thụy My

Tư pháp Canada hôm 18/08/2021 đã hoàn tất giai đoạn cuối cùng của loạt phiên tòa liên quan đến việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Hoa Vi, sang Hoa Kỳ, sau gần 1.000 ngày đấu tranh pháp lý và khủng hoảng ngoại giao.

Thẩm phán Heather Holmes tuyên bố trước tòa thượng thẩm British Columbia rằng có thể trong phiên tòa ngày 21/10 sẽ cho biết thời điểm đưa ra phán quyết. Nếu thẩm phán Holmes cho phép dẫn độ, quyết định cuối cùng thuộc về bộ trưởng Tư Pháp Canada. Cả hai quyết định của tư pháp và chính quyền đều có thể bị đội ngũ luật sư hùng hậu của Mạnh Vãn Châu kháng án, và trong trường hợp này thủ tục pháp lý có thể kéo dài nhiều năm.

Bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), 49 tuổi, con của nhà sáng lập tập đoàn Hoa Vi (Huawei), bị bắt hôm 01/12/2018 tại phi trường Vancouver theo yêu cầu của Washington để xét xử tội danh gian lận ngân hàng. Vài ngày sau, Trung Cộng bắt giam hai công dân Canada, gây khủng hoảng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Ottawa.

Tư pháp Mỹ cáo buộc nhân vật số 2 của tập đoàn viễn thông Trung Cộng đã gian dối với ngân hàng HSBC về mối liên hệ giữa Hoa Vi và chi nhánh Skycom - đã bán thiết bị cho Iran, khiến ngân hàng có thể bị Mỹ trừng phạt. Bị cáo luôn phủ nhận, còn Bắc Kinh chỉ trích Mỹ tìm cách làm suy yếu Hoa Vi.

Đội ngũ luật sư của bà Mạnh Vãn Châu trong những tuần qua lại tiếp tục cho rằng Hoa Kỳ lạm dụng các thủ tục pháp lý, nhưng đại diện công tố nhấn mạnh « chưa có ai được xét xử công bằng như bà Mạnh ». Các luật sư của chính phủ Canada khẳng định có đầy đủ bằng chứng để cho dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.

Bà Mạnh Vãn Châu được tại ngoại hầu tra, đang sống tại một trong hai tòa biệt thự sang trọng trị giá nhiều triệu đô la ở Vancouver. Ngược lại, hai công dân Canada, doanh nhân Michael Spavor và nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig, bị cáo buộc « gián điệp », bị biệt giam trong phòng để đèn sáng 24/24, không được thăm viếng lãnh sự.

Ông Michael Spavor vừa bị kết án 11 năm tù, bản án bị thủ tướng Justin Trudeau cho là « bất công, không thể chấp nhận được ». Một công dân Canada khác cũng bị rơi vào vòng xoáy « ngoại giao con tin » là Robert Schellenberg, bị 15 năm tù vì buôn ma túy, sau khi bà Mạnh bị bắt đã bị chuyển thành án tử hình.

Previous
Previous

ĐCSTQ lấy lòng Taliban nhưng mất Pakistan

Next
Next

Mỹ - Anh thỏa thuận họp G7