Qatar: Thế trung gian tế nhị giữa Taliban và phương Tây

Thu Hằng

Chiếc Boeing C-17A của Qatar là máy bay nước ngoài đầu tiên thời Taliban hạ cánh xuống Kabul hôm qua. Qatar đã là điểm trung chuyển cho cầu không vận của Hoa Kỳ và hiện là “nơi tạm trú” của đại sứ quán nhiều nước ở Kabul. Trước đó, Qatar đã đứng ra làm trung gian đàm phán giữa Washington và Taliban với kết quả là thỏa thuận Mỹ rút quân khỏi Afghanistan được ký năm 2020. Nói chung là từ vài năm gần đây, Qatar trở thành tâm điểm của cộng đồng quốc tế về tình hình Afghanistan. 

Có thể nói, Qatar hiện là nước duy nhất có thể giao tiếp với chính quyền mới ở Kabul, nhờ vào “niềm tin xây dựng được” với Taliban trong nhiều năm qua, cũng như nhờ đã đóng vai trò “nhà trung gian công bằng và trung lập”, theo phát biểu ngày 01/09/2021 của ngoại trưởng Qatar Al Thani. Trước các vụ khủng bố ở Mỹ ngày 11/09/2001, chỉ có ba nước Pakistan, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất công nhận chế độ Taliban ở Afghanistan và có ảnh hưởng đến lực lượng Hồi Giáo cực đoan này.  

Qatar củng cố vị trí trung gian trong khu vực  

Qatar bắt đầu đóng vai trò chủ đạo từ năm 2013, khi Washington tìm một địa điểm trung lập để đàm phán với Taliban về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Với sự ủng hộ của chính quyền Barack Obama, một văn phòng của Taliban được phép hoạt động ở Doha. Đến năm 2018, giáo sĩ Abdul Ghani Baradar, một trong những người sáng lập Taliban, điều hành tổ chức này từ Qatar sau khi được Pakistan trả tự do, được cho là theo yêu cầu của Mỹ. Năm 2020, Abdul Ghani Baradar là người ký thỏa thuận rút quân của Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump. Khi Taliban chiếm được Kabul, giáo sĩ Baradar trở về Kabul cũng trên máy bay của Qatar để đàm phán thành lập chính phủ.  

Khi đứng ra làm trung gian giữa phương Tây và Taliban, Qatar thường bị chỉ trích là dung túng khủng bố quốc tế, vì Taliban vẫn nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của nhiều nước, trong đó có Mỹ, Nga. Tuy nhiên, đối với chính quyền Doha, đây là cơ hội để củng cố vai trò “trung gian chính trị trong vùng”“cải thiện vị trí trong khu vực”, đặc biệt là với nước láng giềng Ả Rập Xê Út. Trả lời trang Deutsche Welle ngày 31/08, nhà nghiên cứu Guido Steinberg, Viện Quốc tế và An ninh Đức, nhắc lại là “trước đây Qatar phụ thuộc rất nhiều vào Ả Rập Xê Út, và gần như là một xứ bảo hộ của Riyad trong những năm 1970-1980”.  

Vai trò lớn trong chiến dịch di tản nhân đạo 

Sự kiện Kabul thất thủ, Taliban trở lại nắm quyền đã đẩy Qatar lên vị trí có một không hai. Cũng nhờ lợi thế này, Qatar đã đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch sơ tán : trở thành trạm trung chuyển cho cầu không vận của nhiều nước, điều máy bay đến sơ tán dân khỏi Afghanistan. Một cộng tác viên người Mỹ tham gia chiến dịch đánh giá “chính quyền Qatar thật tuyệt vời. Tình hình lúc đó khá tồi tệ, nhưng sẽ còn trầm trọng hơn nếu họ không làm việc đó”

Theo Washington Post ngày 01/09, những đợt di tản rầm rộ của phương Tây đã át đi công việc thầm lặng của đại sứ quán Qatar ở Kabul. Rất nhiều nhà đấu tranh, phụ nữ, nghệ sĩ…, những người có nguy cơ bị chế độ Taliban trấn áp nếu ở lại, đã tập trung tại đại sứ quán Qatar và được đích thân đại sứ Saeed bin Mubarak Al Khayarin cùng với lực lượng nhân viên ít ỏi tháp tùng đến tận sân bay. Báo Washington Post trích lời một nhân viên ẩn danh cho biết “vai trò trung gian đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi đi qua các trạm kiểm soát” của Taliban.  

Giữ thế cân bằng với các nước láng giềng  

Cũng nhờ khả năng giao tiếp được với Taliban, Qatar cử một đội kỹ thuật đến Kabul đàm phán về “tái khởi động hoạt động sân bay Kabul”. Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua trung gian Doha, cũng đề xuất quản lý sân bay. Thế nhưng, đây cũng là điểm tế nhị cho Qatar, vì “nói chuyện” với Taliban bị coi là phần nào công nhận tính chính đáng của lực lượng Hồi Giáo cực đoan này. Vì vậy, Qatar luôn chú ý nhấn mạnh những tiếp xúc giữa họ với Taliban đều là do “người khác yêu cầu họ làm”. Theo Cinzia Bianco, thuộc Hội đồng Quan hệ quốc tế châu Âu, trụ sở tại Berlin (Đức), được Washington Post trích dẫn, Qatar rất thận trọng, vì “họ biết Taliban và họ biết chuyện gì sẽ xảy ra ở Afghanistan thật khủng khiếp. Qatar không muốn hình ảnh của họ bị gắn với Taliban”.  

Cuối cùng, Qatar còn phải cố làm sao để vai trò trung gian không ảnh hưởng tới mối quan hệ với hai nước láng giềng Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, mà Doha vừa mới nối lại bang giao từ tháng 01/2021 sau gần 4 năm bị cô lập. Chính quyền Riyad lo ngại về việc Taliban kết thân với đối thủ Iran thành một liên minh vững chắc có thể gây hại cho Ả Rập Xê Út. Trong khi đó, chính quyền Abu Dhabi lo Taliban trở lại cầm quyền sẽ tạo động lực cho các lực lượng Hồi Giáo cực đoan trỗi dậy ở Trung Đông. 

Previous
Previous

Trung Cộng hớt tay trên vắc-xin BioNTech rồi mới giao cho Đài Loan

Next
Next

Phe kháng chiến nêu điều kiện "nhường" quyền lực cho Taliban