Tòa Thánh gởi điện chia buồn trước tai nạn của Tổng thống Iran. Éo le là người dân Iran không buồn
Theo giao thức ngoại giao, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi điện chia buồn với nhân dân Iran sau khi tổng thống nước này, Ebrahim Raisi, thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng hôm Chúa Nhật.
Tuy nhiên, phản ứng về cái chết của Raisi của người Iran rất rõ ràng. Masih Alinejad, một nhà báo Iran cho biết như sau: “Trên mạng xã hội tôi thấy thành viên gia đình của những người bị hành quyết do lệnh của ông ta đang reo hò. Người dân Iran đang ăn mừng; có pháo hoa ở khắp mọi nơi ở các thành phố khác nhau. Họ thực sự coi Raisi là một tấm gương của toàn bộ hệ thống, của toàn bộ chế độ. Niềm vui dâng trào tự phát này phản ánh sự phẫn nộ sâu sắc mà hầu hết người Iran cảm thấy đối với chế độ thần quyền tàn ác và tham nhũng đã đánh cắp giấc mơ của họ.”
Dân Iran reo mừng cái chết của TT Iran Raisi
Raisi là một kẻ sát nhân hàng loạt, là kẻ phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo và áp bức ở Iran và trên toàn khu vực. Đây là lý do tại sao ông ta được mệnh danh là “Đồ tể của Tehran”.
Năm 1988, khi còn là phó công tố viên trẻ ở Tehran, ông ta được bổ nhiệm vào “Ủy ban tử hình”, một nhóm chịu trách nhiệm về các vụ hành quyết không qua xét xử hàng ngàn tù nhân chính trị. Các nạn nhân phải chịu những phiên tòa giả mạo kéo dài chỉ vài phút. Raisi đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tố tụng này, quyết định ai sẽ sống và ai sẽ bị đưa lên giá treo cổ. Một cựu tù nhân chính trị đã viết rằng Raisi “rõ ràng rất vui mừng khi có được quyền lực đối với sự sống và cái chết, và ông ta đã sử dụng nó một cách thoải mái trong hàng ngàn trường hợp trong vụ thảm sát vào mùa hè năm đó. Đối với những người đã từng tiếp xúc với cá nhân ông ta, Raisi tượng trưng cho cái chết của hy vọng”, cựu tù nhân chính trị Iran Mahmoud Royaei viết.
Raisi cũng là kẻ áp đặt quy định về trang phục thời Trung cổ đối với phụ nữ và buộc các nhóm tôn giáo thiểu số phải trốn tránh bằng đàn áp, sát hại những người bất đồng chính kiến và xuất khẩu bạo lực ra nước ngoài.
Sự tàn bạo của chế độ này được thể hiện qua việc đàn áp những phụ nữ và trẻ em gái đau khổ lâu năm ở Iran cũng như phong trào “phụ nữ, sự sống, tự do” đấu tranh cho phẩm giá của họ. Nhiều phụ nữ tham gia biểu tình hoặc cởi bỏ khăn trùm đầu bắt buộc đã bị lực lượng an ninh bắt cóc, giam cầm, cưỡng hiếp và tra tấn. Theo các con số chính thức của nhà cầm quyền Iran, 500 phụ nữ bị giết trong các cuộc biểu tình hồi năm 2022, 22.000 người bị bắt. Nhiều người đã bị xử tử, thường bằng cách treo cổ từ những cần cẩu xây dựng khổng lồ trong một sự pha trộn kỳ cục giữa thời trung cổ và siêu thực.
Sự độc ác của chế độ này vượt xa biên giới Iran. Iran của các ayatollah cung cấp vũ khí tinh vi, tài trợ và huấn luyện cho các nhóm khủng bố giết người Hezbollah ở Li Băng, Hamas ở Lãnh thổ Palestine và Gaza, cũng như các lực lượng dân quân đang gây bất ổn ở Iraq và Yemen. Ở Syria, sự ủng hộ của Raisi dành cho chế độ độc tài Assad là công cụ kéo dài cuộc nội chiến tàn khốc, không chỉ duy trì một trong những chế độ đàn áp nhất trong khu vực mà còn góp phần gây ra thảm họa nhân đạo, với hàng trăm ngàn người chết và hàng triệu người phải di dời. Ở Ukraine, Raisi cung cấp cho quân xâm lược Nga các máy bay điều khiển từ xa Shahed và các hỏa tiễn đạn đạo Fateh-110 tiên tiến nhất của Iran để giết cơ man các binh lính và thường dân Ukraine vô tội, mặc dù họ chẳng có thù oán gì với Iran.
Chủ nghĩa bài Do Thái của Raisi không chỉ giới hạn ở những luận điệu. Vào ngày 7 tháng 10, những kẻ khủng bố Hamas—được Iran hỗ trợ—đã xâm chiếm miền nam Israel và tàn sát 1.200 đàn ông, phụ nữ và trẻ em chỉ trong một ngày. Đây là vụ thảm sát người Do Thái lớn nhất kể từ Holocaust, với nhiều nạn nhân bị hãm hiếp và bị cắt xẻo thân thể.
Trong niềm hân hoan của một dân tộc vừa thoát ách một tên bạo chúa kinh hoàng như thế, rõ ràng chia buồn là đứng trên quan điểm của bọn cầm quyền, không phải của dân chúng bị áp bức.
Các giao thức ngoại giao của Tòa Thánh cần phải được cải thiện, cần phải nhạy cảm hơn với người nghèo, những người bị áp bức là những người Tòa Thánh không ngừng tuyên bố đứng về phía họ.
Bây giờ, hãy thử tưởng tượng, nếu Tập Cận Bình “băng hà” thì sao? Việc “chia buồn với nhân dân Trung Quốc” sẽ thực sự là thảm họa, là một điều cực kỳ không thể hiểu nổi đối với các Kitô Hữu, những người mà nhà thờ của họ có thánh giá bị giật xuống, những người mà Giám Mục của họ bị công an bắt đi cải tạo hết năm này đến năm khác, những người mà con cái của họ không được đến nhà thờ, và bản thân họ không kiếm được công ăn việc làm phù hợp với khả năng chỉ vì họ là người Công Giáo. Xa hơn nữa, Kinh Thánh của họ bị hán hóa cho phù hợp với tư tưởng Tập Cận Bình và nhà thờ của họ buộc phải treo ảnh Tập Cận Bình trang trọng và to hơn cả các ảnh tượng Chúa và các thánh.
Hay nếu bạo chúa Vladimir Putin “băng hà” thì sao? Kẻ đã từng gây ra đau khổ cho người dân Nga, người dân Ukraine, gây ra cái chết của hàng trăm ngàn, nếu không muốn nói hàng triệu người, khi hắn ta chết đi thì biết bao nhiêu người vui mừng. Nếu ta nhắm mắt tuân thủ các giao thức ngoại giao mù quáng, thì việc chia buồn với nhân dân Nga trong bối cảnh như thế thật quá sức vô lý, và chắc chắn phương hại đến khả năng truyền giáo.
Nên chăng đối với những kẻ tàn ác như vậy, khi họ chết đi, nếu không muốn nói nặng, ta cũng nên im lặng. Im lặng có sức mạnh của nó. Im lặng để cầu nguyện cho những nạn nhân của những kẻ tàn bạo đó.