Thế giới năm 2024 đầy biến động, với thất bại của toàn trị

Khói lửa bốc lên tại ngoại ô phía nam Beyrouth, sau khi Israel oanh tạc vào Hezbollah ở Liban, ngày 06/10/2024. REUTERS - Amr Abdallah Dalsh

Thụy My

Năm 2024: Một thế giới hỗn loạn

Báo Pháp Libératiocuối tuần chạy tít trang nhất « 2024: Một thế giới hỗn loạn ». Từ cuộc bầu cử quốc hội bất ngờ ở Pháp, sự quay lại của ông Trump cho đến một Thế vận hội trong mơ, một Syria không Assad… « Đừng bao giờ nói là không bao giờ » có lẽ là câu châm ngôn cho 12 tháng qua, khi thời sự đảo lộn tất cả những gì tưởng chừng đã xác tín trước đó.

Cách đây một năm, người ta tin chắc rằng bầu cử tổng thống Mỹ là cuộc đấu giữa hai ứng cử viên da trắng ở độ tuổi 80. Nga chiếm đóng một phần Ukraine, Syria mãi mãi trong bàn tay đẫm máu của nhà độc tài…

Một năm đầy biến động, khẳng định sức đề kháng của dân chủ

The Economist dành chủ đề cho « 2024, một năm đầy biến động ». Những trang báo trong năm qua tràn ngập đau thương. Chiến tranh hoành hành trên ba châu lục, thế giới chỉ chú ý đến Gaza, Liban và Ukraina, nhưng những trận đánh ở Sudan mới đẫm máu nhất. Bão lụt, hỏa hoạn mang đi nhiều mạng sống, khiến nhiều người sạt nghiệp.

Thoạt nhìn thì năm 2024 mang lại cảm giác trật tự đa phương sau Đệ nhị Thế chiến đang tan vỡ. Các chính phủ ngày càng thích dùng luật của kẻ mạnh, những nhà độc tài phớt lờ các quy luật, cáo buộc phương Tây dùng tiêu chuẩn kép. Nhưng nếu nhìn rộng hơn, năm 2024 mang lại thông điệp đầy hy vọng : khẳng định sức kháng cự của các nền dân chủ tư bản, đồng thời lột trần những khuyết điểm của các chế độ toàn trị như Trung Quốc.

Một trong những thước đo cho khả năng phục hồi của dân chủ, là các cuộc bầu cử trong năm đã dẫn đến sự thay đổi chính trị một cách ôn hòa. Năm 2024 có đến 76 quốc gia chiếm hơn phân nửa dân số thế giới đã tổ chức bầu cử, cao hơn bao giờ hết. Một số nước như Nga và Venezuela thì chỉ là trò hề bầu cử, nhưng Anh quốc đã hạ bệ đảng bảo thủ sau 14 năm lãnh đạo và 5 đời thủ tướng. Tại Ấn Độ, trước chính phủ Narendra Modi ngày càng phi tự do, cử tri đã buộc ông phải liên minh, để bớt tập trung cho dân tộc chủ nghĩa Ấn giáo, lo cho đời sống người dân. Ở Nam Phi, đảng Đại hội Dân tộc Phi mất đa số.

Tại Hoa Kỳ, chiến thắng của Donald Trump khiến nước Mỹ tránh được nguy cơ bạo động. Việc nhiều người da đen và Mỹ la-tinh bỏ phiếu cho Cộng Hòa cho thấy đảng Dân Chủ đã mất đi bản sắc. Sức mạnh Mỹ còn thấy rõ nơi kinh tế. Từ 2020, Hoa Kỳ tăng trưởng gấp ba lần các nước G7. Thành công này một phần do chi tiêu công từ đại dịch, nhưng chủ yếu nhờ sự năng động của lãnh vực tư nhân, thu hút được vốn và nhân tài, đặc biệt là những tiến bộ về trí thông minh nhân tạo.

Thất bại nơi các chế độ toàn trị

Sự tương phản với Trung Cộng hết sức rõ rệt. Mô hình quản lý kinh tế độc đoán của Bắc Kinh khiến người ta thấy rằng tăng trưởng chậm lại chính là hậu quả của hệ thống chính trị. Thay vì thúc đẩy tiêu dùng, Tập Cận Bình đòi hỏi giới trẻ « chấp nhận đắng cay », che giấu những con số thống kê u ám, dù việc tự bịt mắt có thể dẫn đến những quyết định tồi tệ.

Thất bại của độc tài toàn trị rõ rệt nhất ở Nga. Tuy có lợi thế trên chiến trường, nhưng quân Nga tiến rất chậm và mất vô số mạng lính. Lạm phát tăng cao, nguồn lực dành cho tương lai bị lãng phí trong cuộc chiến. Trong một đất nước tự do, Vladimir Putin sẽ phải trả giá cho cuộc xâm lăng thảm hại làm kiệt quệ đất nước.

Toan tính thay đổi thế giới bằng vũ lực là khó thể duy trì, như đã chứng minh với Iran. Cùng với Matxcơva, Teheran đã chi ra nhiều tỉ đô la để giữ chiếc ghế cho Bachar Al Assad ở Syria khi phong trào nổi dậy năm 2011 sắp lật đổ được ông ta. Nay kinh tế đang chao đảo, các giáo sĩ ở Teheran không thể giúp nhà độc tài trụ lại, nhất là hai lực lượng ủy nhiệm Hamas và Hezbollah đã bị Israel làm tê liệt.

Bangladesh : Quốc gia của năm 2024

Các nền dân chủ cũng dễ tổn thương, đặc biệt tại châu Âu, nơi các chính phủ vất vả đối phó với cuộc xâm lăng của Nga, bên cạnh đó là những yếu kém trong các nền kỹ nghệ của tương lai. Nếu châu Âu yếu đi, nước Mỹ sẽ bị ảnh hưởng dù Donald Trump không có cùng cách nhìn nhận này. Và nhiều câu hỏi còn đặt ra về ông Trump, trong hồ sơ Trung Đông và Ukraina.

Giả sử tân chủ nhân Tòa Bạch Ốc không có những hành động làm hại cho nước Mỹ và đồng minh, trong năm 2025 và xa hơn nữa, những thay đổi về công nghệ và chính trị sẽ tiếp tục tạo ra những cơ hội lớn lao cho tiến bộ của nhân loại. Năm 2024, các nền dân chủ đã chứng tỏ biết loại ra những nhà lãnh đạo tệ hại, từ bỏ những ý tưởng lỗi thời và chọn lựa những ưu tiên mới. Tiến trình này tuy phức tạp nhưng là một nguồn sức mạnh dài lâu.

Trên tinh thần này, tuần báo Anh đã bình chọn Bangladesh là « quốc gia của năm 2024 ». Sau khi đã cân nhắc giữa Ba Lan, Nam Phi, Agentina, một « người đến sau » bỗng chiếm vị trí thứ nhì : Syria. Assad trở thành bạo chúa tồi tệ nhất bị tống cổ vào năm 2024, nhưng phe lên thay thế là Hayat Tahrir Al-Cham (HTC) tuy đã tỏ những dấu hiệu cởi mở nhưng vẫn còn những hoài nghi.

Thế nên người chiến thắng rốt cuộc là nhân dân Bangladesh, cũng đã lật đổ một nhà độc tài. Những cuộc biểu tình của sinh viên đã đuổi được thủ tướng Sheikh Hasina, trị vì đất nước 175 triệu dân trong 15 năm qua với nạn tham nhũng tràn lan. Chính phủ lâm thời được lãnh đạo bởi giải Nobel hòa bình Muhammad Yunus.

Previous
Previous

Tokyo lại được bình chọn là thành phố lớn được yêu thích nhất thế giới năm 2024

Next
Next

Những tranh cãi nghệ thuật lớn nhất 2024