Thụy Điển gia nhập NATO

Sau khi Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm ngoái, ông Putin từng cảnh báo Helsinki sẽ gặp rắc rối. Giờ đây lại thêm một nước Bắc Âu khác - Thụy Điển - sắp chính thức gia nhập.

Khi gia nhập NATO, Thụy Điển sẽ được hưởng sự bảo vệ toàn diện của liên minh theo điều khoản phòng thủ tập thể (điều 5) - Ảnh: AFP

"Hôm nay là một ngày lịch sử. Quốc hội của tất cả các nước thành viên NATO đã bỏ phiếu ủng hộ kết nạp Thụy Điển vào NATO" - Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson vui mừng chia sẻ thông tin trên mạng X vào hôm 26-2, sau khi Hungary dỡ bỏ rào cản cuối cùng.

Thụy Điển "mua bảo hiểm"

Trong khi Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào tháng 4 năm ngoái, đơn xin gia nhập của Thụy Điển bị đình trệ do "rào cản" Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

Thái độ của Budapest đối với Stockholm trở nên cứng rắn vào năm ngoái khi họ cáo buộc các chính trị gia Thụy Điển "nói dối trắng trợn" về tình trạng của nền dân chủ Hungary.

Việc Quốc hội Hungary phê chuẩn giờ đây mở đường cho Thụy Điển chính thức gia nhập liên minh sau gần hai năm đàm phán căng thẳng.

Thụy Điển trung lập trong Thế chiến 2 và là một phần của phong trào không liên kết trong Chiến tranh lạnh, mặc dù nước này đã bí mật hợp tác với Mỹ trong việc cung cấp thông tin nhạy cảm về Liên Xô.

\Thế nhưng, Thụy Điển từ bỏ chính sách trung lập chính thức của mình khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1995 và thay thế bằng chính sách không liên kết quân sự.

Trong những thập niên gần đây, Thụy Điển đã xích lại gần hơn với NATO và đã tham gia các cuộc tập trận chung với liên minh này.

Tuy nhiên quan hệ đối tác như vậy được coi là chưa đủ. Không có quốc gia nào có quan hệ với Thụy Điển chính thức cam kết chiến đấu cùng Thụy Điển nếu nước này bị xâm lược hay tấn công quân sự.

Nhưng khi trở thành thành viên NATO, chuyện sẽ khác. Theo điều 5 trong Hiến chương NATO - nguyên tắc về phòng thủ tập thể, một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào của NATO sẽ bị coi là tấn công tất cả, và mọi thành viên sẽ phản ứng lại.

Nhà nghiên cứu Barbara Kunz tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) chỉ ra: "Từ quan điểm của Thụy Điển, đây chính là chuyện mua bảo hiểm".

Thụy Điển đã không tham gia các liên minh quân sự trong hơn 200 năm và từ lâu đã từ chối tham gia NATO.

Dù vậy sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2-2022, Thụy Điển đã từ bỏ chính sách không liên kết lâu đời và quyết định nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự.

Trải qua hơn 70 năm qua, NATO đã mở rộng với hơn 30 quốc gia. Các nhà phân tích cho rằng việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO sẽ làm thay đổi cục diện an ninh của châu Âu trong những năm tới và làm căng thẳng hơn nữa mối quan hệ của họ với Nga. Hai nước này sẽ giúp liên minh mở rộng năng lực trên bộ, trên biển và trên không.

Mặc dù quân đội của Thụy Điển nhỏ nhưng họ sở hữu hải quân mạnh, đặc biệt là đội tàu ngầm. Họ cũng có lực lượng không quân hiện đại, được trang bị tiêm kích Gripen thế hệ thứ tư và hệ thống phòng không tân tiến. Thụy Điển cũng cam kết tăng chi tiêu quốc phòng để đạt mục tiêu 2% GDP như NATO đề ra.

Previous
Previous

Tròn 2 năm cuộc chiến, giới ngoại giao Mỹ và phương Tây ở Hà Nội thể hiện tình đoàn kết với Ukraine

Next
Next

Ông Macron khẳng định không lỡ lời chuyện lính NATO tới Ukraine