Tranh cãi phủ bóng đám cưới Công chúa Nhật
Đám cưới hoàng gia thường được chào đón nồng nhiệt ở hầu hết các nước, song tại Nhật, hôn lễ sắp diễn ra của Công chúa Mako lại gây nhiều tranh cãi.
Một tuần trước đám cưới, Công chúa Nhật Bản Mako và bạn trai Kei Komuro cuối cùng cũng đoàn tụ sau ba năm xa cách. Komuro, 30 tuổi, ở New York, Mỹ, để hoàn thành việc học tại trường luật của Đại học Fordham. Anh mới trở về Nhật Bản cuối tháng trước, xuất hiện với kiểu tóc đuôi ngựa gây bàn tán, để chuẩn bị cho lễ cưới dự kiến vào 26/10.
Anh được cho là đã giải thích với bố mẹ vợ tương lai, Thái tử Akishino và Thái tử phi Kiko, về những tranh cãi liên quan đến món nợ của mẹ mình. Mẹ Komuro và hôn phu cũ của bà được cho là có tranh chấp tiền bạc, bao gồm cả việc chi phí học hành của Komuro do người đàn ông này chi trả.
Tranh cãi này đã khiến đám cưới của anh và Công chúa Mako bị trì hoãn dù được công bố từ tháng 9/2017 và dự kiến diễn ra một năm sau đó.
Sáng 18/10, khoảng 40 nhà báo đã đứng chờ bên ngoài ngôi nhà của mẹ Komuro ở Yokohama, cách thủ đô Tokyo 30 km. Anh đã cúi đầu trước giới truyền thông trước khi bước lên xe và được đưa tới điền trang Akasaka, nơi ở của Thái tử Akishino và gia đình. Thái tử Akishino là em trai Nhật hoàng Naruhito, đứng đầu tiên trong danh sách thừa kế ngai vàng.
Xuất hiện trước báo giới lần này, Komuro không còn để kiểu tóc đuôi ngựa từng khiến giới truyền thông sôi nổi bàn tán lúc mới trở về nữa. Dù chưa có thông tin cụ thể, cuộc trò chuyện giữa Komuro với các thành viên hoàng gia được cho là rất căng thẳng vì vấn đề tài chính của mẹ anh vẫn chưa giải quyết được hoàn toàn.
Điều này cũng khiến công chúng bất bình về cuộc hôn nhân, dù mối quan hệ giữa họ đã trải qua thử thách cả về thời gian lẫn khoảng cách. Cả hai gặp nhau lần đầu vào năm 2012 khi còn là sinh viên.
Hôm 16/10, hàng trăm người biểu tình đã tuần hành qua khu trung tâm Tokyo để phản đối hôn lễ giữa Công chúa Mako và bạn trai. Một số biểu ngữ trong đám đông biểu tình cảnh báo Komuro sẽ lợi dụng cuộc hôn nhân vì mục đích riêng của mình và rằng đám cưới này vi phạm Hiến pháp bởi Điều 88 trong luật tối cao của Nhật cấm việc sử dụng hình ảnh hoàng gia trong các vấn đề dân sự. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu đạo luật có hiệu lực hay không nếu Công chúa Mako rời khỏi hoàng gia.
Sau đám cưới, Công chúa Mako sẽ không còn là thành viên hoàng gia mà sẽ trở thành thường dân, theo luật pháp Nhật Bản. Cô sẽ rời khỏi Điền trang Akasaka vào ngày đăng ký kết hôn. Cặp đôi được cho là sẽ trở về Mỹ khi mọi thủ tục giấy tờ hoàn tất.
Cùng ngày 18/10, Công chúa đã thực hiện những lễ nghi cuối cùng với tư cách là một thành viên của gia đình hoàng gia. Cô đến Kashikodokoro, ngôi đền thờ Nữ thần Mặt Trời Amaterasu trong Thần đạo, đồng thời thăm các Thánh địa của Cung điện Hoàng gia, bao gồm nơi thờ cúng tổ tiên.
Cô dự kiến diện kiến Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Michiko vào ngày 22/10 để báo cáo về kế hoạch kết hôn, đồng thời gặp ông bà nội, Thượng hoàng Akihito và Thượng hoàng hậu Michiko ba ngày sau đó.
Thái tử Akishino, cha cô, vẫn khẳng định sẽ không tổ chức lễ cưới hoàng gia theo nghi thức truyền thống do vấp phải phản đối từ công chúng.
Sau khi đăng ký kết hôn vào ngày 26/10, cặp đôi dự kiến tổ chức một cuộc họp báo lần đầu tiên sau 4 năm kể từ khi tranh cãi nổ ra. Trong khi những đám cưới hoàng gia thường được đón nhận nồng nhiệt ở hầu hết các nước, các bình luận trên mạng xã hội Nhật Bản về cuộc hôn nhân của Công chúa Mako đa phần lại tiêu cực.
Một bình luận trên trang Yahoo News cáo buộc Công chúa Mako đã làm "tổn hại lòng tin của người dân" khi không hủy bỏ lễ cưới.
Một bình luận khác trên trang tin Daily Sports viết: "Ngay cả khi anh ta để tóc đuôi ngựa, hình ảnh người đàn ông này vẫn là tồi tệ nhất trong lịch sử. Anh ta thực sự sắp kết hôn mà không giải thích những mối nghi ngờ cho công chúng ư?".
Một số người khác tỏ ra cảm thông hơn. "Tôi thấy tội nghiệp cho họ", bà nội trợ Ayako Ueda, sống gần Tokyo, cho hay. "Đám cưới luôn là một sự kiện căng thẳng và những gì diễn ra vừa qua chỉ khiến mọi chuyện tệ hơn với tất cả mọi người. Tôi nghĩ hầu hết người dân Nhật sẽ nói rằng họ là hai người trẻ đang yêu và nên được tự quyết định cuộc sống của mình".
Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản xác nhận vợ chồng Công chúa Mako sẽ từ chối khoản hồi môn trị giá 15,2 triệu yen (1,38 triệu USD) vốn dành cho thành viên nữ trong gia đình hoàng gia kết hôn với dân thường và trở thành thường dân.
Nỗ lực này nhằm xóa bỏ những mối lo lắng trong công chúng rằng cặp đôi sẽ trở thành gánh nặng tài chính đối với quốc gia. Tuy nhiên, nó dường như cũng phản tác dụng khi một số phương tiện truyền thông chỉ ra rằng không có tiền lệ pháp lý nào cho quyết định như vậy. Một số người còn cho rằng Komuro sẽ không thể chăm sóc chu đáo cho vợ với mức lương của một luật sư mới vào nghề ở New York.
"Tôi đồng ý rằng truyền thông có lẽ quá khắt khe nhưng điều đó phản ánh những gì người Nhật cảm nhận về cuộc hôn nhân", Emi Izawa, 20 tuổi, nữ sinh đến từ tỉnh Kanagawa, phía tây Tokyo, cho hay. "Chúng tôi đã chứng kiến Công chúa lớn lên và tôi nghĩ mọi người chỉ muốn những điều tốt nhất với cô ấy. Tôi không nói rằng tất cả mọi người đều tin những câu chuyện trên truyền thông, nhưng rõ ràng gia đình Komuro có vấn đề về tiền bạc và chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta phát hiện thêm những chuyện xấu khác trong tương lai?".
Cuộc sống của Công chúa Mako cũng bị ảnh hưởng dưới sự soi mói của giới truyền thông. Cung điện Hoàng gia xác nhận cô phải điều trị chứng rối loạn căng thẳng do hệ quả của việc bị đưa tin rầm rộ.
"Khi tôi vào mạng xã hội, tôi có thể thấy vô số video và hình ảnh mỉa mai Komuro. Điều đó hẳn sẽ khiến Công chúa bị tổn thương", Izawa thừa nhận. "Tôi không nghĩ mọi người muốn làm cô ấy buồn nhưng tôi tin rằng sẽ là tốt nhất nếu mọi chuyện được giải quyết sớm và người ta dần quên đi để họ bắt đầu cuộc sống mới cùng nhau".