Ủy ban rủi ro của ngân hàng gặp rắc rối tài chính Credit Suisse có thành viên liên kết với ĐCSTQ
Tác giả Bryan Jung
Logo của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse tại một tòa nhà văn phòng ở Zurich, Thụy Sĩ, vào ngày 02/09/2022. (Ảnh: Arnd Wiegmann/Reuters)
Ngân hàng Credit Suisse, vừa phá sản hồi tuần trước (13-19/03), đã tiết lộ trên trang web của mình rằng trong ban giám đốc của họ có một thành viên có mối liên hệ với ĐCSTQ.
Theo trang web của ngân hàng này, ông Lý Sơn (Shan Li) là một thành viên trong ban hội đồng có mối liên hệ lâu năm với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Kể từ năm 2019, ông Lý đã đảm nhận các vai trò cao cấp trong nhóm quản lý rủi ro, hội đồng cố vấn Á Châu, và ủy ban bồi thường của ngân hàng này.
Hôm 17/03, Fox News đã đưa tin về mối liên hệ của ông Lý với ĐCSTQ, trước khi UBS đề nghị mua lại ngân hàng đã phá sản này với giá 3.25 tỷ USD hồi cuối tuần trước.
Tiểu sử của ông Lý tại Credit Suisse cho thấy ông có kinh nghiệm phong phú với các công ty liên kết với Bắc Kinh, bao gồm cả tư cách thành viên của ông trong hội đồng quản trị của Tập đoàn Tài chính Con đường Tơ lụa, một trong những nhà quảng bá lớn nhất cho chiến dịch Sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ. Trước đó, ông cũng đã nắm giữ các vị trí cao tại Ngân hàng Phát triển Trung Cộng và Ngân hàng Trung Cộng thuộc sở hữu nhà nước.
Ông cũng được ghi nhận là một thành viên của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Cộng(CPPCC), một trong những tổ chức chính tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng tại hải ngoại của “Mặt trận Thống nhất” của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy ảnh hưởng của ĐCSTQ ở ngoại quốc.
Theo Fox News, một báo cáo của chính phủ Hoa Kỳ từ năm 2018, do Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Cộng tập hợp, đã gọi CPPCC là một “cơ quan điều phối quan trọng,” quản lý nhiều nhóm lợi ích của Trung Cộng ở ngoại quốc, và do Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ kiểm soát.
Cơ quan liên bang độc lập này cho biết, “CPPCC, một ủy ban cố vấn ‘dưới sự lãnh đạo của Đảng [Cộng sản Trung Quốc],’ là cơ quan cao cấp nhất giám sát hệ thống Mặt trận Thống nhất.”
“Chiến lược của Mặt trận Thống nhất này là sử dụng nhiều phương pháp để gây ảnh hưởng đến các cộng đồng Hoa kiều, các chính phủ ngoại quốc, và các tác nhân khác thực hiện các hành động hoặc áp dụng các lập trường ủng hộ các chính sách được ưu tiên của Bắc Kinh.”