BRICS: Mô hình thay thế, đối trọng với khối G7 của phương Tây ?
Thứ Năm, 23/06/2022, thượng đỉnh lần thứ 14 của khối BRICS (tức Brazil, Russia, India, China và South Africa), được tổ chức qua cầu truyền hình, diễn ra tại Bắc Kinh. Thông qua thượng đỉnh lần này, Nga và Trung Cộng còn muốn đưa ra một thông điệp : BRICS là một cơ cấu hợp tác có thể thay thế cho các mô hình kinh tế do phương Tây chủ xướng. Một thông điệp gởi đến G7 – nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp phát triển ?
Ngẫu nhiên hay không nhưng thượng đỉnh BRICS – đương nhiên đã phải được chuẩn bị từ lâu – diễn ra chỉ cách thượng đỉnh G7 có vài ngày. Tại cuộc họp, tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi hợp tác chống các « hành động ích kỷ » của phương Tây. Theo nhận định từ Alexandre Kateb, chuyên gia kinh tế về các thị trường mới trỗi dậy, cuộc họp thượng đỉnh lần này là nhằm mục đích : Thứ nhất là tái khẳng định vị thế của Nga trong lòng khối BRICS trước các áp lực trừng phạt từ các cường quốc phương Tây. Thứ hai là để Nga và Trung Cộng bắn đi một thông điệp quan trọng : BRICS có thể là mô hình hợp tác kinh tế thay thế cho hệ thống do Mỹ kiểm soát.
Vẫn theo ông Kateb, Bắc Kinh và Matxcơva rõ ràng có một mong muốn thiết lập một hình thức cân bằng hay đối trọng với các nước thuộc khối G7, đồng thời cho phép đáp ứng được mong đợi của nhiều nước khác trong bối cảnh tăng trưởng bất ổn vì cuộc chiến tại Ukraina và đại dịch Covid-19.
« Đúng là có nhiều mong đợi từ phía người dân của những nước đó cũng như từ tất cả các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, cảm thấy bị bỏ qua trong các kế hoạch chấn hưng kinh tế lớn do các cường quốc phương Tây thiết lập và trong việc phân phối vac-xin. Việc này quả thật đã không được xử lý đúng đắn. Trước những điều như thế, BRICS là một mô hình thay thế và họ có thể hình dung trong tương lai là nhiều nước châu Phi và nhiều nước khác trên thế giới tham gia nhiều hơn vào sự năng động này do BRICS tạo nên. »