Ai “giải cứu” ai?
Phiên tòa xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” sẽ đi vào “lịch sử” không chỉ của ngành ngoại giao nước nhà mà cả trong “nghề” tham ô, hối lộ. Nó xứng đáng được đưa vào giáo trình giảng dạy ở các lớp chính trị trung – cao cấp, nếu có môn phòng, chống tham nhũng. Nó cần được làm ví dụ điển hình cho sự cấu kết tham nhũng – một đặc sản của thể chế.
Điển hình tới mức… “mẫu mực” về lòng tham vô độ, bất nhẫn đến vô lương, lưu manh, giả trá đến tận cùng. Dẫn đầu về tốc độ ăn là thư ký Kiên với 253 lần nhận hối lộ đi kèm số tiền 42,6 tỉ đồng. Quán quân.
Dù chỉ á quân nhưng “ăn hớt” của sếp thì thuộc loại “đỉnh của đỉnh” là Vũ Anh Tuấn – cựu Phó trưởng phòng Tham mưu (thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an). Trong khi sếp Dự – cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận có 7,6 tỷ thì Tuấn đã có 49 lần nhận hối lộ với tổng số tiền hơn 27 tỉ đồng.
Xếp hạng 3 nhưng là “hoa hậu” điêu nhất hành tinh, một tay che cả bầu trời, muốn “vén” cho ai đều trong tay ả, vậy mà cựu cục trưởng Lan chỉ khai nhận ăn khoảng 900 triệu đồng. Nên cho đến giờ cũng mới nộp khắc phục 900 triệu, giấu biệt hơn 24 tỉ đồng lưu dấu ở dữ liệu điện tử, sao kê tài khoản và lời khai của các bị cáo.
Không nằm trong bảng top số tiền ăn nhưng cách ăn bẩn thỉu nhất có lẽ là thuộc về đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái, thu tiền trái quy định của những người là công dân Việt Nam chấp hành xong án phạt tù (người mãn hạn tù) đang ở trong các “trại chờ” của Malaysia.
Nhọ nhứt là cặp Sơn – Hằng, tổng và phó tổng của Công ty Bầu Trời Xanh. Tổ chức được 109 chuyến bay giải cứu, kiếm lời bao nhiêu mà đã chi hết 38,5 tỉ đồng hối lộ đám quan chức. Đau cái là tiền mất mà tật ách vẫn mang. Vừa đem tiền đi cống nạp, Hằng vừa phải làm theo “hướng dẫn sử dụng” của cán bộ là “nhận mọi tội lỗi để cứu Sơn”. Riêng tiền hối lộ để chạy án đã lên tới 61,6 tỉ đồng mà còng vẫn cứ tra tay.
Một vụ án về đường dây ăn chặn đến táng tận, vô lương lại xuất phát từ một ngành “bộ mặt” của nước nhà, những người đảm đương công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài lại chính là người bóp cổ đồng bào không chút thương xót. Nó diễn ra trong hoàn cảnh khắc nghiệt khốn cùng là dịch bệnh, nó lây lan đến hầu hết các bộ ngành (trừ Bộ Quốc phòng trong tổ công tác 5 bộ), địa phương; từ lãnh đạo cao cấp đến lao động tự do, còn “khuyến mãi” cả một chị làm công tác trị sự của tạp chí Thanh tra Chính phủ. Nó có mở đầu bằng hình ảnh chuyến bay giải cứu “ngạo nghễ”, để rồi qua bao vòng nâng giá, ép chuyến, cuối cùng kéo thêm phần vĩ thanh “chạy án”.
Hoàn hảo đến… hãi hùng!
Liệu có còn “giải cứu” nổi từ một lớp người, một số đông cán bộ, một thành phần xã hội từng là ưu tú, cao cấp khi nó đã lây nhiễm và tạo hẳn một hệ miễn dịch cộng đồng trong toàn hệ thống, ra xã hội. Chúng ăn bất cứ gì, bất kỳ ai, bất chấp hoàn cảnh.