Anh, Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế 'quan ngại', kêu gọi VN trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh
Vương quốc Anh hôm 21/6 lên tiếng bày tỏ quan ngại về mức án tù dành cho nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh, theo thông tin từ ĐSQ Anh tại Hà Nội.
Vương quốc Anh cũng bày tỏ quan ngại về việc không gian dành cho các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam nêu ý kiến và đóng góp cho các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu đang bị hạn chế.
"Các chuyên gia và đại diện của các tổ chức xã hội dân sự như bà Khanh đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ ra các vấn đề thiết yếu cần chú ý trong thời đại của chúng ta và tìm ra giải pháp thiết thực để giải quyết những vấn đề đó," theo bài đăng trên Facebook ĐSQ Anh tại Hà Nội hôm 21/6.
Bà Khanh nhận Giải thưởng Môi trường Goldman năm 2018, cho những đóng góp chuyên môn có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực chung ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Trước đó một ngày, hôm 20/6, Mạng lưới Hành động Khí hậu (CAN) đã lên án việc Việt Nam kết án, bỏ tù 'nhà hoạt động 'chống than' Ngụy Thị Khanh. CAN kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà và tất cả các nhà hoạt động xã hội dân sự khác bị chính quyền Việt Nam giam giữ.
Tasneem Essop, Giám đốc Điều hành CAN phát biểu: "Việc đàn áp, quấy rối và nhắm mục tiêu vào các nhà bảo vệ môi trường và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự là một xu hướng nguy hiểm trên toàn thế giới và nêu bật những rủi ro to lớn mà nhiều nhà hoạt động tiếp tục đối mặt khi thực hiện công việc của họ để bảo vệ con người và hành tinh.
"Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Nguy Thị Khanh và tất cả các nhà hoạt động xã hội dân sự khác bị chính quyền Việt Nam nhắm mục tiêu gần đây. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các nơi khác trên thế giới. Chúng tôi đoàn kết với tất cả những người chiến đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn, công bằng và an toàn hơn. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ."
Nithi Nesadurai, Giám đốc và Điều phối viên cấp vùng của Mạng lưới Hành động Khí hậu Đông Nam Á (CANSEA) nói:
"Rõ ràng là Chủ tịch Hội đồng quản trị CANSEA, bà Nguy Thị Khanh đã bị bỏ tù vì công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc bà chống lại việc sử dụng than, như một phần trong nỗ lực bịt miệng những quan điểm bất đồng từ các nhóm môi trường.
"Vụ bắt giữ bà đã gây rúng động dư luận đối với các nhóm xã hội dân sự về môi trường khác đang vận động bảo vệ môi trường và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu thay mặt cho người dân Việt Nam..."
Trong một tuyên bố gửi cho truyền thông, ông Michael Sutton, giám đốc điều hành Giải thưởng Môi trường Goldman, đã kêu gọi trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh và cho biết "Chúng tôi tin rằng các cáo buộc pháp lý chống lại bà là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bịt miệng các nhà lãnh đạo môi trường ở Việt Nam."
Trước đó, hôm 19/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho hay họ 'vô cùng lo ngại' trước bản án ngày 17/6 của Việt Nam đối với nhà hoạt động và bảo vệ môi trường Nguy Thị Khanh, theo Reuters.
Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Khanh, người được quốc tế công nhận về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và thuc đẩy các vấn đề năng lượng bền vững ở Việt Nam.
Hoa Kỳ cũng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động môi trường khác đang bị giam giữ - những người hoạt động vì lợi ích của Việt Nam và người dân, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố hôm 19/6.
Bà Ngụy Thị Khanh là ai?
Bà Ngụy Thị Khanh, một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng quốc tế, đã bị tòa án ở Hà Nội kết án hai năm tù vì tội trốn thuế.
Việt Nam bắt giữ người từng được xem là 'anh hùng môi trường'
Điều gì thực sự phía sau chiến dịch 'đốt lò' của ông Nguyễn Phú Trọng?
Hãng tin AFP nói tổ chức phi chính phủ của bà, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh - GreenID, và một viên chức tòa án giấu tên, xác nhận tin bà Khanh bị tòa tuyên án ngày 17/6.
Năm 2018, bà Khanh là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng Môi trường Goldman, giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở.
Truyền thông Việt Nam từng gọi bà là "anh hùng môi trường" qua công tác về kết nối mạng lưới môi trường, từ năng lượng xanh đến ô nhiễm không khí.
Năm 2018, bà Khanh là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng Môi trường Goldman,
Michael Sutton, giám đốc điều hành Giải thưởng Môi trường Goldman, kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà Khanh.
Ông Sutton nói: "Chúng tôi tin rằng các cáo buộc pháp lý chống lại cô ấy là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bịt miệng các nhà lãnh đạo môi trường ở Việt Nam."
Bà Khanh rất nổi tiếng trong giới hoạt động môi trường quốc tế.
Vì vậy, tờ báo lớn của Mỹ, The New York Times, ngày 17/6 chạy bài viết dài về bà Khanh.
Bài này nói: "Nhiều nhà bảo vệ môi trường cho rằng việc truy tố bà Khanh, và các nhà hoạt động khác, gây nghi ngờ về cam kết của Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow năm ngoái, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố sẽ loại bỏ tiêu thụ than vào năm 2040."
Bài của The New York Times nói: "Theo nhiều cách, việc đối xử với bà Khanh làm sáng tỏ cách tiếp cận mâu thuẫn của chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và đấu tranh nội bộ giữa các bộ ngành khác nhau. Đối mặt với sự giận dữ ngày càng tăng của công chúng về ô nhiễm không khí và sự cố tràn hóa chất, chính phủ đã cho phép các nhóm vận động bảo vệ môi trường hoạt động và chấp nhận các cuộc biểu tình hạn chế."
"Nhưng chính phủ cũng vấp phải sự chỉ trích từ các quan chức, những người gọi là không công bằng khi các nước phát triển từ lâu đã được phép thải lượng lớn khí nhà kính trong khi Việt Nam đang bị áp lực phải tìm ra những cách sạch hơn để phát triển sản xuất."
Giải thưởng Goldman ghi nhận họ trao giải cho bà vì nỗ lực giúp Việt Nam loại bỏ được 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm.
Trả lời báo chí, bà Khanh từng giải thích: "Con số 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide mà Ban Chấm giải ước tính là lượng phát thải tránh được khi Chính phủ cắt bỏ 20.000 MW nhiệt điện than trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Kết quả này không chỉ là nỗ lực của tôi mà còn của các đồng sự tại Green ID, nhiều chuyên gia và Bộ, ngành cùng cởi mở trao đổi đi đến đồng thuận."
"Nhưng có lẽ tôi và GreenID được nhắc đến là bởi chúng tôi đã theo đuổi đến cùng mục tiêu này và cũng là nhóm duy nhất đưa ra con số mục tiêu cần cắt giảm.