Berlin cảnh cáo Hà Nội về ý định bắt cóc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trên đất Đức
RFA
Chính phủ Đức đã cảnh báo nhà cầm quyền Việt Nam về hậu quả ngoại giao nghiêm trọng nếu Hà Nội lại thực hiện việc bắt cóc công dân của mình lần thứ hai trong lãnh thổ của Đức, theo nhà báo tự do Hiếu Bá Linh từ thủ đô Berlin.
Chính phủ Đức có phản ứng như trên sau khi không chấp nhận đề nghị của Chính phủ Việt Nam về việc dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), người có nhiều thông tin cho thấy là đã tới Đức sinh sống trong thời gian gần đây.
Ông Hiếu Bá Linh dẫn nguồn tin từ tờ nhật báo Taz, một trong những tờ báo lớn của Đức, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 08/8:
“Bộ Ngoại giao Đức được cho là đã cảnh cáo Việt Nam về các hành động bất hợp pháp có thể xảy ra tiếp theo sau khi đơn xin dẫn độ bị từ chối.
Tờ Taz có dẫn nguyên văn lời của Bộ Ngoại giao: 'Chính phủ Liên bang Đức sẽ không dung thứ cho bất kỳ can thiệp của quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức'."
Trong bài báo dài ba trang ngày 07/8, tờ Taz cho biết bà Nhàn là người có tiếng tăm trên trường quốc tế. Một học viện của Nga đã trao cho bà hai bằng tiến sĩ danh dự còn Chính phủ Nhật đã trao tặng cho bà Huân chương Mặt trời mọc, một trong những huân chương cao quý nhất của Nhật, vào năm 2018. Bà cũng được cho là có quan hệ mật thiết với Israel.
Người phụ nữ 54 tuổi này đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ mua vũ khí từ nhiều quốc gia cho Quân đội Việt Nam, bên cạnh các hoạt động xuất khẩu lao động và dự án xây dựng trong nước của AIC.
Từ một người được cho là doanh nhân xuất sắc của Việt Nam, được trao tặng nhiều danh hiệu đình đám như Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất, Sao đỏ, Doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu nhất, Thương hiệu quốc gia xuất sắc nhất... bà Nhàn đột nhiên bị xem là tội phạm.
Cơ quan công an truy nã đặc biệt đối với bà Nhàn, sau đó Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử vắng mặt, tuyên bà bản án 30 năm tù về tội danh “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.”
Bà và bảy nhân viên dưới quyền đã trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố bị can. Theo Taz, bà đã sang Đức được vài tháng và hiện đang sống tại một thành phố lớn.
Ông Hiếu Bá Linh, người từng làm trưởng ban phát thanh tiếng Việt của Radio Multikulti- đài phát thanh đa ngôn ngữ của bang Berlin trong 14 năm, cho biết có nhiều thông tin chứng minh bà Nhàn đang sống ở Đức cũng như mong muốn của Hà Nội trong việc đưa bà về để chịu tội.
“Mặc dù Bộ Ngoại giao và các cơ quan an ninh (Đức- PV) đều không trả lời trực tiếp những câu hỏi của tờ báo Taz (về thông tin bà Nhàn đang sống ở Đức- PV) với lý do là vì trên nguyên tắc dữ liệu cá nhân không được phép đưa ra ngoài. Tuy nhiên theo điều tra của phóng viên tờ Taz thì một số cơ quan ở Đức đang bận rộn với vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Cụ thể là Việt Nam đã gửi cho Đức đơn yêu cầu dẫn độ bà Nhàn nhưng Sở Tư pháp Liên bang Đức đã bác bỏ đơn này. Sở Tư pháp Liên bang Đức đã xác nhận có đơn xin dẫn độ bà Nhàn từ phía Việt Nam.
Họ có nói rõ nguyên nhân là kể từ khi mà vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra vào năm 2017, tất cả những đơn xin dẫn độ về Việt Nam đều bị từ chối.”
Phóng viên RFA gửi email cho Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và Bộ Ngoại giao Đức để đề nghị họ bình luận về các thông tin của tờ báo Taz về trường hợp bà Nhàn, tuy nhiên chưa lập tức nhận được câu trả lời.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chưa phản hồi email của phóng viên hỏi về các thông tin của tờ báo Đức, liên quan đến bà Nhàn.
Taz - một tờ báo độc lập thuộc về một tổ hợp của hơn 18.000 thành viên đầu tư góp sức cho tự do báo chí, cho biết thêm cơ quan an ninh của Đức đã liên lạc trực tiếp với bà Nhàn và cảnh báo về việc bà này đang bị cơ quan mật vụ Việt Nam truy tìm, ông Hiếu Bá Linh nói.
Trường hợp bà Nhàn có nhiều điểm tương đồng với cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh, người bị bắt cóc bởi an ninh Việt Nam ngay giữa trung tâm Berlin năm 2017 sau khi Chính phủ Đức từ chối đề nghị dẫn độ.
Về nguy cơ bà Nhàn bị mật vụ Việt Nam bắt cóc, ông Hiếu Bá Linh nhận định:
“Không thể nào loại trừ khả năng bà Nhàn bị bắt cóc, mặc dù sau khi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Việt Nam đã bị một thảm họa ngoại giao tức họ bị Đức trừng phạt ngoại giao ít nhất một năm và sau đó mới bình thường lại.
Nguy cơ đó là có thật vì thứ nhất theo những thông tin của Taz thì cơ quan mật vụ của Việt Nam biết bà Nhàn đang ở Đức. Thứ hai là cường độ truy tìm bà Nhàn rất gắt gao.”
Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ biên của trang tin Thoibao.de có trụ sở ở Berlin, cho RFA biết sau khi tờ báo trực tuyến bằng tiếng Việt của ông đưa tin về việc bà Nhàn đang sống ở Đức, nhiều tai mắt của Toà Đại sứ Việt Nam ở Berlin tích cực tìm kiếm thông tin về nữ doanh nhân này.
Ông Lê Trung Khoa đánh giá về nguy cơ bà Nhàn bị bắt cóc là rất lớn. Ông nói:
“Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là đầu mối rất quan trọng đặc biệt cho những vụ án lớn ở Việt Nam và những vụ buôn bán vũ khí có liên quan đến quan chức cấp cao hàng đầu Việt Nam cho nên Việt Nam sẽ bằng mọi cách để đưa vào Nhàn về Việt Nam. Tầm quan trọng của bà ấy gấp nhiều lần ông Trịnh Xuân Thanh trước đây.”
Sau khi Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người chuẩn bị ra toà án di trú Đức xem xét về đơn xin tị nạn chính trị, Đức đã trục xuất hai nhân viên ngoại giao của Toà Đại sứ Việt Nam ở Berlin. Quan hệ đối tác chiến lược của hai quốc gia cũng bị đóng băng và mới được hâm nóng gần đây.
Tuy nhiên, một vụ bắt cóc thứ hai, ở đây là trường hợp bà Nhàn, sẽ có hậu quả nghiêm trọng hơn, theo nhà báo kỳ cựu Hiếu Bá Linh.
“Nếu xảy ra một vụ bắt cóc lần thứ hai ở nước Đức, hậu quả nó sẽ lớn hơn nhiều so với hậu quả về ngoại giao mà sáu năm trước đây, sau khi Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Nước Đức đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam cam kết không bao giờ tái diễn tình trạng này.
Lần trước có một cân nhắc là nước Đức sẽ trục xuất ông Đại sứ của Việt Nam chứ không chỉ hai nhân viên ngoại giao. Lần này nếu xảy ra bắt cóc, ví dụ bắt cóc bà Nhàn, chắc chắn Đức sẽ trục xuất Đại sứ Việt Nam tại Đức. Song song đó, quan hệ ngoại giao hai nước sẽ bị đóng băng lại.”
Dẫn nguồn tin từ công an và các cơ quan tố tụng Việt Nam, báo chí nhà nước viết rằng bà Nhàn bị truy tìm và kết án vắng mặt vì các phi vụ đấu thầu mờ ám trong nhiều dự án lớn ở nhiều địa phương, trong đó có Quảng Ninh - nơi ông Phạm Minh Chính làm Bí thư tỉnh uỷ thời gian đó.
Tuy nhiên, truyền thông Israel được tờ báo của Đức dẫn lời cho rằng đằng sau lệnh bắt giữ bà Nhàn là cuộc tranh giành quyền lực giữa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc mua vũ khí, vì bà Nhàn là người môi giới các thương vụ vũ khí quan trọng giữa Việt Nam và Israel.
Israel đã và đang là một nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Nam, với nhiều loại vũ khí đắt tiền như máy bay không người lái (drone), hệ thống phòng không, xe tăng hoặc tên lửa.
Bình luận về liên quan giữa bà Nhàn với quân đội Việt Nam và sự bảo vệ chu đáo của chính quyền Đức, nhà báo Hiếu Bá Linh nói:
“Các cơ quan an ninh của Đức có thể nói là - hiện nay không chỉ cảnh báo bà Nhàn không thôi, mà còn có những biện pháp bảo vệ bà Nhàn. Từ đó có những phỏng đoán hoạt động của bà Nhàn dính dáng đến tình báo, có nắm được những bí mật của phía Việt Nam, thành thử ra họ muốn bảo vệ bà Nhàn để khai thác những tin tức đó.”
Ông cho rằng mật vụ của Việt Nam không còn được tự do hoạt động ở Đức sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vì cơ quan an ninh và cảnh sát Đức đã không còn chủ quan với mối hiểm hoạ đến từ quốc gia độc đảng ở Đông Nam Á.
Thêm nữa, Đức đã huỷ bỏ Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao với Hà Nội, khiến mật vụ Việt Nam không còn tự do sử dụng hộ chiếu ngoại giao để nhập cảnh vào Đức.
Tuy nhiên, nhà báo Lê Trung Khoa cho rằng lực lượng mật vụ mà Việt Nam cài cắm ở Đức và các quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu còn nhiều và khả năng gây mất an ninh của mạng lưới mật vụ Việt Nam vẫn còn lớn.