Bi hài chuyện “đèn cù” về cái tên thẻ
Mạc Văn Trang
Đó là chuyện Quốc hội họp bàn nát ra, rồi quyết định đổi tên “Thẻ Căn cước Công dân” vừa mới làm, sẽ đổi thành tên “THẺ CĂN CƯỚC”. Chuyện tên cái Thẻ tưởng nhỏ, nhưng nó phản ánh toàn bộ cung cách quản lý Nhà nước của CHXHCNVN.
Hầu như từ ngày “cách mạng” đến nay, mọi cái đều theo quy luật “đèn cù”, tít mù nó chạy vòng quanh rồi lại về cái ban đầu!
Ví dụ cái tên Thẻ căn cước là vui nhất:
– Thời Pháp thuộc, trước 1945 gọi là THẺ CĂN CƯỚC
– 1946, VNDCCH gọi là THẺ CÔNG DÂN
– 1957, VNDCCH đổi thành GIẤY CHỨNG MINH
– 1964, VNDCCH lại đổi là GIẤY CHỨNG MINH/ GIẤY CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC
– 1976, CHXHCNVN đổi là GIẤY CHỨNG MINH NHÂN DÂN
– 1999, CHXHCNVN… CHỨNG MINH NHÂN DÂN (9 số)
– 2012, CHXHCNVN… CHỨNG MINH NHÂN DÂN (12 số)
– 2014, CHXHCNVN… THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN
– TỪ 11/2023, CHXHCNVN… THẺ CĂN CƯỚC.
(Đáng chú ý: Thời Việt Nam Cộng hoà 1955-1975 vẫn giữ tên THẺ CĂN CƯỚC).
Thế là cái tên THẺ CĂN CƯỚC từ thời Pháp thuộc, thời Việt Nam Cộng hoà, sau gần một thế kỷ chạy lòng vòng tốn bao nhiêu trí não, họp hành, giấy mực, tiền bạc của “chế độ mới” lại được “trả lại tên cho em”!
Như vậy cũng có cái vui, là những cái gì người Pháp hay Việt Nam Cộng hoà đã dùng mà thấy đúng, tốt thì nay cứ lấy mà dùng, không “Tự ái cách mạng”, đừng SỢ MẤT LẬP TRƯỜNG nữa nhé. Quốc hội chấp nhận việc nhỏ này, nhưng tỏ ra có tiến bộ.
Vậy thì dùng Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hoà “DÂN TỘC, NHÂN BẢN, KHAI PHÓNG” đúng quá, có gì phải lăn tăn. Mấy ông Bộ trưởng giáo dục cứ ấp úng “Triết lý giáo dục là Nghị quyết của Đảng”.
Mà Quốc hội mau quay lại thực hiện Hiến pháp 1946 của VNDCCH là hợp lý, hợp tình; hay mạnh dạn hơn, tiến tới tham khảo dùng Hiến pháp VNCH khỏi phải đi lòng vòng!
Mà người Việt dùng cái của người Việt sao lại e ngại, mà đi sao chép của Tây, của Tàu? Lạ thật đấy!
Vì sao có chuyện “đèn cù” như trên là một đề tài khoa học Nhà nước hấp dẫn, đáng nghiên cứu.
Đó có phải vì, những cái gì thời Pháp, thời đầu VNDCCH hay VNCH đặt ra đều do các quan chức trong bộ máy nhà nước được đào tạo bài bản, họ thạo Hán Việt, tiếng Pháp, họ nghĩ cái gì, làm cái gì đều theo chuẩn mực quốc gia, quốc tế và làm việc cẩn trọng.
Còn khi quan chức là “công – nông” lên nắm quyền, ít học lại thích ra oai; càng dốt càng “dám nghĩ, dám làm liều”! Làm liều mà không phải chịu trách nhiệm nên tha hồ nghĩ bậy, làm bậy. “Tân quan tân chính sách”, ông nào lên lãnh đạo một đơn vị dù to hay nhỏ, nhất định là phải tổ chức lại, đổi tên cái này cái nọ.
Chuyện lớn như đổi tên nước, thay Hiến pháp, thay Luật, tách nhập tỉnh, tách nhập các Bộ, cứ làm như chơi. Nghĩ lại kinh hãi quá!
Nói ngay Bộ Giáo dục của tôi. Thời trước là Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, rồi nhập làm một, gọi là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên thế giới không biết có nước nào có cái tên Bộ như vậy?
Viện Khoa học giáo dục thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên được xây dựng rất công phu, bài bản; đến thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đổi luôn thành Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục; trong viện chuyển các Ban nghiên cứu thành các Trung tâm; cán bộ nghiên cứu đưa đi các nơi loạn hết cả lên. Sau mấy năm, cán bộ Viện đấu tranh mãi, lại tái lập Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Nhưng cán bộ nghiên cứu đầu đàn đã tan rã hết cả!
Các đơn vị nghiên cứu khoa học mà cứ tách nhập, xáo trộn xoành xoạch thì còn mong làm được cái gì ra hồn!