Biến động chính trị Việt Nam trong thời gian sắp tới
Theo dự kiến, Quốc hội Khóa 15 sẽ bầu Chủ tịch nước mới trong kỳ họp thứ 8, khai mạc ngày 21/10. Liệu nhân sự cấp cao của Đảng và nhà nước sẽ thay đổi ra sao?
BBC nhận xét, nhiệm kỳ 2021 – 2026 được xem là giai đoạn biến động nhân sự nhiều nhất trên chính trường Việt Nam, với 7 ủy viên Bộ Chính trị mất chức, cùng với sự ra đi của Tổng Trọng, đã để lại những khoảng trống quyền lực, với những di sản dang dở.
BBC nhắc lại quy trình bầu lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, theo đó, Bộ Chính trị họp, rồi trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng danh sách nhân sự cho chức danh cần được xem xét, ở đây là Chủ tịch nước.
Tiếp đó, Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp, để xem xét và cho ý kiến, dựa trên danh sách mà Bộ Chính trị trình, và “chốt” danh sách nhân sự để giới thiệu cho Quốc hội bầu.
Theo BBC, trong trường hợp Hội nghị 10 chưa làm quy trình này, có khả năng, Trung ương sẽ mở hội nghị trước ngày 21/10 – thời điểm Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 8.
BBC cho biết, nhiều nhà quan sát, trong đó có Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang từ Singapore, Giáo sư Carl Thayer từ Úc, Giáo sư Zachary Abuza từ Mỹ, đều đánh giá rằng, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường sẽ trở thành Chủ tịch nước kế nhiệm ông Tô Lâm.
Đáng chú ý, BBC đề cập đến việc ông Lương Cường mới hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ, trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua. BBC cho rằng, điều này cho thấy, có một sự trọng thị từ phía Trung Quốc đối với ông Lương Cường.
BBC cũng nhắc đến một số ứng viên khác cho vị trí Chủ tịch nước, gồm: Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng.
Theo BBC, nếu ông Lương Cường trở thành Chủ tịch nước, thì Bộ Chính trị sẽ phân công một nhân vật khác thay cho ông Cường, làm Thường trực Ban Bí thư.Đây là vị trí quan trọng, chỉ xếp sau Tứ Trụ và là chức danh được Bộ Chính trị phân công, theo Quy định 214.
BBC phân tích, hiện trong Bộ Chính trị chỉ còn ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính là đủ điều kiện theo quy định, nhưng việc 2 ông này làm Thường trực Ban Bí thư là khó xảy ra. Do đó, dự kiến, Bộ Chính trị sẽ phân công một ủy viên Bộ Chính trị được bầu từ đầu khóa, tức là, áp dụng thuật ngữ vạn năng “trường hợp đặc biệt”.
Những uỷ viên Bộ Chính trị được bầu từ đầu khoá, gồm:
Trần Cẩm Tú (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương)
Phan Đình Trạc (Trưởng ban Nội chính Trung ương)
Nguyễn Hòa Bình (Phó Thủ tướng Thường trực)
Nguyễn Văn Nên (Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh)
Phan Văn Giang (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
Nguyễn Xuân Thắng (Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương)
BBC dẫn nhận định của Giáo sư Carl Thayer, cho rằng, nếu Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ theo thâm niên, thì có 3 lựa chọn: Trần Cẩm Tú, Phan Đình Trạc và Lê Minh Hưng.
Tuy nhiên, ông Hưng mới được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, nên chỉ còn 2 ứng viên người Nghệ Tĩnh, là ông Trần Cẩm Tú và ông Phan Đình Trạc.
Giáo sư Thayer cho rằng, tuy Bộ Chính trị có nhiều ủy viên đi lên từ Bộ Công an, nhưng không có bằng chứng gì cho thấy, những người này một lòng đoàn kết, bắt tay nhau dưới sự chỉ đạo của ông Tô Lâm. Thay vào đó, ông Thayer gợi ý rằng, Bộ Chính trị gồm các đại diện từ một số nhóm, gồm: nhóm Hưng Yên, nhóm Nghệ An, nhóm Hà Tĩnh, nhóm miền Nam, quân đội và công an.
Theo đó, cơ hội cho ông Trần Cẩm Tú sẽ cao hơn, vì ông quê ở Hà Tĩnh.
Hoàng Anh – thoibao.de