Được Đảng tặng danh hiệu, diễn viên Ốc Thanh Vân tháo chạy khỏi xứ “thiên đường”!

Vào sáng ngày 6/3, chính quyền Cộng sản đã tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong buổi lễ này có 389 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu, trong đó có diễn viên Ốc Thanh Vân. Cô được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú, với tư cách diễn viên hoạt động tại sân khấu kịch Hồng Vân.

Diễn viên Ốc Thanh Vân

Chuyện phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú” và “Nghệ sĩ Nhân dân” của chế độ này, không đẹp đẽ như danh xưng. Đây là danh hiệu của Đảng chứ không phải của dân. Đã có thông tin cho biết, nhóm xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đã gạ gẫm nhiều Nghệ sĩ Ưu tú, đặt vấn đề mua bán danh hiệu. Điều này đã không còn là chuyện xa lạ hay gây ngạc nhiên nữa, bởi chế độ này đã thối nát từ lâu. Cho nên, người được trao tặng danh hiệu chưa chắc đã là người được khán giả yêu thích, mà là người được Đảng vừa ý trong lĩnh vực nghệ thuật.

Đối với nghệ sĩ thì không thể trách họ vì sao lại muốn có danh hiệu, bởi họ cần danh hiệu như là một “chứng chỉ”, xác nhận rằng, Đảng đã chấp nhận họ. Ở đất nước này, nếu một nghệ sĩ bị Đảng ghét, thì xem như hết đường sống, dù cho người nghệ sĩ đấy có tài năng đến mấy, có làm cho khán giả yêu thương đến mấy đi chăng nữa. Mà tấm gương của ca sĩ tài hoa Ngọc Tân chính là bài học cho tất cả các nghệ sĩ khác.

Những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ hải ngoại về nước hoạt động nghệ thuật. Nguyên nhân vì người gốc Việt ở hải ngoại những thế hệ sau, được sinh ra ở nước ngoài và hòa nhập với văn hóa nơi họ sinh sống, cho nên loại hình nghệ thuật Việt Nam dần dần thiếu khán giả. Có nghệ sĩ từ hải ngoại về Việt Nam cũng được tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, ví dụ như Hoài Linh.

Trở lại câu chuyện của diễn viên Ốc Thanh Vân. Mặc dù cô mới nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, nhưng cô đã gác lại nghệ thuật, để sang Úc dạy yoga, bán hàng online. Ở Việt Nam, cô là người nổi tiếng, là diễn viên – nghề mà bao nhiêu cô gái khác ao ước. Nhưng cô đã gác lại, để sang Úc sống một đời sống bình thường. Đây rõ ràng là sự đánh đổi, nhưng vì sao người đẹp lại làm thế?

Cái được khi làm nghệ thuật ở Việt Nam là danh tiếng và tiền bạc. Tuy nhiên, không phải người nghệ sĩ nào cũng xem những thứ này là lớn lao nhất. Nếu sang Mỹ, Úc, Canada sinh sống, cái được là con cái họ được hưởng một nền giáo dục tốt, một xã hội thái bình, nhân bản và văn minh, một tương lai ổn định và bình an. Những giá trị này không thể mua được bằng tiền bạc, cho dù ở Việt Nam, họ có giàu đến bao nhiêu đi nữa.

Một số nghệ sĩ đã chấp nhận đánh đổi để ra đi, bởi họ nhận thấy những giá trị khác ở đất nước mà họ chọn đến. Dù những nghệ sĩ này biết rằng, ra nước ngoài, họ không còn nổi tiếng như trong nước, và họ sẽ phải vất vả hơn để kiếm sống.

Những giá trị mà xã hội văn minh mang lại, chính giới quan chức của chế độ này cũng nhận ra, vì vậy, họ đã không ngần ngại đốt hàng trăm ngàn đô la mỗi năm để đưa con cái đi du học tại các nước phát triển. Như Tô Hà Linh – con gái Tô Lâm, du học Anh Quốc; Vương Hà My – con gái Vương Đình Huệ, du học Mỹ… Chỉ học ở nước ngoài rồi lại về Việt Nam, mà người ta cũng chấp nhận đổ tiền núi ra cho con cái đi. Nếu định cư, không những con cái được hưởng nền giáo dục tốt, mà cả gia đình còn được hưởng cả một xã hội mà đất nước ấy đã tạo ra.

Nghệ sĩ Việt Nam hiện đang có hai chiều di cư trái ngược nhau. Chiều từ hải ngoại về Việt Nam, thì không cầu gì khác ngoài danh và tiền. Còn chiều từ Việt Nam ra hải ngoại, thì là vì tương lai, vì những giá trị bền vững cho con cháu và cho chính bản thân họ.

 Trà My – Thoibao.de

Previous
Previous

Nếu đắc cử tổng thống, Trump sẽ lại "nhắc đến" đến thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ

Next
Next

Casino Phú Quốc nơi thí điểm cho người chơi VN báo cáo lỗ hơn 3.720 tỷ đồng