Có nên bỏ hàng nghìn tỷ đồng xây bến thuyền thời An Dương Vương?
RFA
Hà Nội dự định chi 1.480 tỷ đồng cho dựng lại hệ thống thủy văn thời An Dương Vương” quanh khu vực Cổ Loa và 1.800 tỷ đồng để phục dựng điện Kính Thiên”. Nguồn vốn đầu tư dự kiến từ ngân sách thành phố. Đây được xác định là Chương trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 của thủ đô. Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ mục tiêu quy hoạch là bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh khu di tích thành Cổ Loa trở thành công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn.
Tại hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2021 diễn ra ngày 22 tháng 4 năm 2021 tại Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học bày tỏ:
“Nếu cứ khai quật mãi, nghiên cứu mãi sẽ đi đến kết quả khảo cổ học, có thể in sách. Nhưng chúng ta không cầu toàn được, bởi làm sao biết mặt mũi điện Kính Thiên thời Lý Trần. Chỉ có thể phục dựng được từ thời Lê Sơ, còn điện chính thời Lý Trần phải để con cháu 100 năm nữa làm”.
Dư luận cho rằng, việc làm của chính quyền thành phố Hà Nội là vô bổ, vô cảm và quá tốn kém. Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nêu ý kiến của ông với RFA sáng 11 tháng 5 năm 2023:
“Những anh em dân chủ và những người có tâm huyết với dân tộc đều phê phán chế độ cộng sản là mất gốc của dân tộc, bởi tuyên ngôn lúc đầu của chủ nghĩa cộng sản là đoạn tuyệt một cách triệt để với các giá trị truyền thống. Họ cho rằng trước khi có cộng sản thì con người không phải là con người. Vì thế cho nên họ đốt tất cả mọi truyền thống.
Riêng ở Việt Nam, từ khi có cộng sản, bao nhiêu nét đẹp họ làm mất hết cả. Bây giờ anh em phê bình rất nhiều, họ cảm thấy đúng nên họ cố gắng phục hồi, trở về gốc. Nhưng khổ lắm, trở về gốc theo kiểu đó thì nó rất hình thức, có tính chất biểu diễn, chứ trong lòng họ không thật. Nếu thật lòng thì họ sẽ tìm ngay được gốc nào cần phục hồi, phục hồi theo kiểu gì. Cái chính là phải làm sao khôi phục được cái gốc vào trong lòng người dân, trong tâm hồn người dân, sống với cái gốc đó. Chứ bày vẽ ra những chuyện có tính hình thức như thế chẳng để làm gì cả.
Trong khi ngân khố hiện nay bị bọn tham nhũng ăn gần hết mà các ông ấy phải cố gồng mình để làm những chuyện vô bổ như thế thì thật là đáng buồn cười và đau lòng!”
Ngoài hai dự án vừa nêu, thị xã Sơn Tây cũng đã đề xuất, kiến nghị với thành phố Hà Nội hỗ trợ kinh phí mở rộng khuôn viên và đầu tư hạ tầng cụm di tích đền vua Phùng Hưng, đền và lăng vua Ngô Quyền, khu di tích Đền Và, Văn Miếu, thành cổ; xây dựng cụm công viên sông Tích kết nối các điểm di tích bằng đường thủy và đường bộ... với mục đích được nói nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm và các di tích khác trên địa bàn.
Thực tế, năm 2013, UBND thành phố đã phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Làng cổ ở Đường Lâm. Năm 2014, thành phố tiếp tục ban hành Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở xã Đường Lâm”. Theo truyền thông Nhà nước, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành dù đã tốn hơn 178 tỷ đồng đầu tư.
Chỉ với ba dự án vừa nêu, thành phố Hà Nội phải bỏ ra mấy ngàn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, trong khi tình hình kinh tế - xã hội không có gì khả quan. Giải trình về báo cáo của Chính phủ liên quan tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9 tháng 5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, trong đó nhiều trường hợp chỉ bán bằng 50% giá trị thực.
Một nhà báo ở Hà Nội, không muốn nêu tên vì lý do an ninh, vào sáng 11 tháng 5 nói với RFA quan điểm của bản thân về các dự án vừa nêu:
“Nó là một sự vô cảm khi kinh tế chưa hồi phục, nhiều công nhân thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều ngôi trường vùng cao không ra trường. Đó là thực tế. Bây giờ đổ tiền phục dựng những cái thuộc về truyền thuyết. Trong khi đó, biết bao nhiêu di tích có giá trị lịch sử thì lại không bảo tồn, thậm chí phá hủy. Tiền thuế của dân không được dùng để phục vụ cho những nhu cầu về an sinh xã hội mà bị đem tiêu xài quá lãng phí.
Tuy nhiên, việc này không phải là mới, mà cũng chẳng phải là hiếm. Cứ nhìn những tượng đài, những công trình vô bổ ở quận, huyện thì biết. Riêng với hai dự án có giá nghìn tỷ ở Hà Nội này, chắc chắc trung ương cho phép thì cấp dưới mới dám làm. Họ phải vẽ ra thì mới “có ăn”.
Bây giờ người dân có lên tiếng thì cũng chẳng làm được gì, bởi có gởi đơn lên thì đơn cũng bị ém đi hoặc bị trả về. Báo chí thì đăng theo chỉ đạo của ban tuyên giáo, của tổng biên tập. Họ bảo tránh gì, đăng gì để định hướng độc giả thì mới dám đăng.”
Vẽ ra những công trình vô bổ để tham nhũng từng được báo chí nói đến từ lâu, nhưng vẫn có những dự án bị coi là vô bổ ra đời, bởi “có xây mới có ăn”. Cụ thể là những cổng chào ở những tỉnh nghèo trên khắp đất nước như cổng chào 6 tỷ đồng ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cổng chào trị giá 40 tỷ đồng ở Bình Dương, dự án Thác chín tầng ở tỉnh Nghệ An với tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng.
Nói về dự án xây bến thuyền thời An Dương Vương ở Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đình Cống viết trên Facebook cá nhân của ông:
“Tính sơ sơ, món này có thể "TIẾT KIỆM' được trên ngàn tỷ để chia nhau. Đây là món bở. Hỡi những kẻ có quyền lực, đừng bỏ lỡ thời cơ. Hãy nhanh chân kiếm lấy vài chục tỷ. Còn cao tay có thể bỏ túi vài trăm tỷ mà người dân Hà Nội có biết cũng chẳng làm được gì.”
Một số chuyên gia trong ngành luật pháp cho rằng, chuyện nhũng lạm công quỹ ở Việt Nam không thể giảm vì Việt Nam không có tư pháp độc lập. Hiện nay, cả chánh án và viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đều là đảng viên. Cơ chế này không thể chống được tham nhũng.