Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm, bà Võ Thị Ánh Xuân làm quyền chủ tịch nước

Sáng 21/3, Quốc hội Việt Nam đã thống nhất miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Võ Văn Thưởng. Bà Võ Thị Ánh Xuân làm quyền chủ tịch nước.

Kỳ họp bất thường lần thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã xem xét miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Võ Văn Thưởng.

Tại Quốc hội sáng 21-3, sau khi nghe ông Võ Văn Thưởng phát biểu ý kiến, Quốc hội đã thảo luận tại đoàn về tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội đã bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Võ Văn Thưởng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thông báo việc bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó chủ tịch nước, sẽ giữ quyền chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, cho đến khi Quốc hội bầu chủ tịch nước mới thay ông Võ Văn Thưởng vừa bị miễn nhiệm.

Đây là lần thứ hai bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền chủ tịch nước trong nhiệm kỳ này. Tháng 1/2023, sau khi Quốc hội miễn nhiệm chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Xuân đã giữ quyền chủ tịch nước. Lúc đó, bà Xuân đã giữ cương vị quyền chủ tịch nước từ ngày 18/1 đến 2/3/2023.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội ngày 25/8/2021

Trước đó, trong chiều 20/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ: ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chủ tịch nước, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ cuộc họp ngày 20/3 đánh giá ông Thưởng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng.

Tuy nhiên, thông cáo dẫn báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng cho thấy ông Thưởng đã "vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm".

Thông cáo cũng nêu những vi phạm, khuyết điểm ông Thưởng đã "gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước" và cá nhân ông Thưởng và rằng, ông Thưởng nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân nên "đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác".

Ông Thưởng là chủ tịch nước trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam khi nhậm chức ở tuổi 53 và cũng là chủ tịch nước tại vị ngắn nhất trong lịch sử.

Previous
Previous

Hai Chủ tịch nước bị phế truất trong một năm: Triển vọng chính trị nào cho Việt Nam?

Next
Next

Chính trường Việt Nam sau khi phế truất ông Võ Văn Thưởng