Chủ tịch TPHCM: Lệnh cấm dân ra đường không phải là ‘giới nghiêm’

Một chốt kiểm soát ở TPHCM. Lãnh đạo thành phố đông dân nhất Việt Nam vừa đưa ra quyết định cấm người dân không ra đường sau 6 giờ tối đến 6 giờ sáng giữa làn sóng bùng phát tồi tệ nhất trong cộng đồng.

Một chốt kiểm soát ở TPHCM. Lãnh đạo thành phố đông dân nhất Việt Nam vừa đưa ra quyết định cấm người dân không ra đường sau 6 giờ tối đến 6 giờ sáng giữa làn sóng bùng phát tồi tệ nhất trong cộng đồng.

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cấm người dân ra đường từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hàng ngày và cho rằng quy định hạn chế này không phải là lệnh "giới nghiêm.”

Theo một quyết định mới được Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đưa ra, từ tối ngày 26/7, người dân ở TPHCM không được ra đường trong khoảng thời gian 12 tiếng mỗi ngày từ 6 giờ tối và tất cả các hoạt động trên địa bàn thành phố tạm dừng, trừ cấp cứu và theo yêu cầu điều phối để chống dịch.

Quyết định được đưa ra sau 17 ngày TP Saigon thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 12, với gần 60.000 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ 4 trong cộng đồng tại đây. Người vi phạm có thể bị tạm giữ hành chính và các trường hợp cố tình có thể bị khởi tố hình sự.

Nhiều người dùng mạng xã hội ở Việt Nam gọi đây là “lệnh giới nghiêm” và cho biết đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, người dân thành phố mới phải trải qua một sự hạn chế nghiêm ngặt như vậy.

Báo mạng VnExpress đưa tin về quy định mới này hôm 25/7 với tựa đề “Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng lệnh giới nghiêm từ ngày mai” nhưng sau đó đổi thành “Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu người dân không ra đường sau 6 giờ tối.” Hiện tại, chỉ có tờ Tài chính Doanh nghiệp vẫn có tiêu đề “Tp.HCM đặt ‘giờ giới nghiêm’ từ 26/7” trong bản tin về quy định mới này.

“Việc đó không đồng nghĩa là giới nghiêm,” ông Phong được truyền thông trong nước trích lời nói tại một cuộc họp trực tuyến hôm 25/7, và lưu ý người dân “không nên hiểu lầm quy định này.”

Ông Phong cho biết quy định mới được đưa ra vì hiện nay “tình hình diễn biết khó lường, có nguyên nhân từ việc không thực hiện nghiêm việc giãn cách, từ chính một bộ phận người dân,” theo Tuổi Trẻ.

Theo chủ tịch UBND TPHCM, lực lượng công an, quân sự, chính quyền địa phương “tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24 và phải tái kiểm tra thường xuyên việc chấp hành quy định tại khu dân cư, trên đường phố và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí tạm giữ hành chính trong trường hợp chống đối người thi hành công vụ.”

Một cư dân ở thành phố Saigon anh Võ Tiết Côn, cho VOA biết “chưa bao giờ thấy phải sử dụng những biện pháp như thế này” tại thành phố mà anh gọi là Sài Gòn. “Kể từ sau Giải phóng (1975) đến giờ thì gần như đây là lần đầu tiên ‘giới nghiêm’,” anh Côn, người đã sống hơn 20 năm ở TP Saigoncho biết, và nói rằng “lệnh giới nghiêm” chỉ cần thiết cho những người không tự giác thực hiện việc giãn cách xã hội. Theo nhận định của anh Côn, phần lớn người dân ở TP Saigon đều lo sợ về sự lây lan của dịch bệnh nên họ không cần đến “lệnh giới nghiêm” để thực hiện việc cách ly xã hội.

Mặc dù vậy, anh Côn, người sở hữu và điều hành một xưởng sản xuất khẩu trang y tế với 300 công nhân, cho rằng quy định này là cần thiết trong lúc tình hình lây nhiễm tại TP Saigon đang bị coi là mất kiểm soát, với số ca lây nhiễm tăng cao lên mức kỷ lục mỗi ngày.

Tuy nhiên, theo anh Côn, lệnh hạn chế này sẽ làm cho sự mưu sinh của những người nghèo thêm khốn khó.

“Khó khăn không của riêng ai nhưng cái khó khăn này sẽ bóp chết những người nghèo trước,” anh Công nói. “Ví dụ người ta có tiền thì có thể duy trì cuộc sống trong vài tháng nhưng đối với những người nghèo thì họ ‘chết’ trước.”Lệnh này, theo chủ tịch UBND TPHCM, có thể kéo dài hai tuần.

Vào tuần trước, TPHCM, hiện là tâm dịch của cả nước, đã trước quyết định áp dụng thêm một số biện pháp mạnh hơn để chống dịch và gia hạn giãn cách xã hội.

Việt Nam nằm trong số những quốc gia được xem là khống chế đại dịch COVID có hiệu quả khi thực hiện các biện pháp quyết liệt gồm cách ly tập trung, truy dấu nguồn lây nhiễm và xét nghiệm sớm ngay từ lúc đại dịch mới bắt đầu. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á hiện đang trải qua đợt bùng phát thứ 4, và là đợt lây nhiễm tồi tệ nhất, với số ca nhiễm hàng ngày lên đến gần 8.000. Việt Nam hiện đã có hơn 100.000 ca nhiễm và hơn 500 trường hợp tử vong, trong số này phần lớn là số ca lây nhiễm và thiệt mạng xảy ra trong đợt bùng phát mới nhất bắt đầu từ cuối tháng 4.

Previous
Previous

Nguyễn Xuân Phúc là “danh hài” nhưng diễn “dở như hạch”

Next
Next

Việt Nam: Bánh mỳ ngon cũng cần 'nguyên liệu chính trị'