Chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng: Điều gì thực sự phía sau?
BBC News
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh là hai nhân vật cao cấp mới nhất bị xử lý trong chiến dịch chống tham nhũng của TBT Nguyễn Phú Trọng
Sự kiện Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam bắt ba nhân vật cốp cán hôm 7/6 liên quan đến đại án Việt Á đang gây rúng động dư luận. Chiến dịch ‘đốt lò’ của TBT Nguyễn Phú Trọng được cho là lại đỏ lửa hơn bao giờ hết.
Trong khi báo chí chính thống của Việt Nam không ngớt lời ca ngợi, một câu hỏi được các nhà quan sát quốc tế đặt ra là điều gì thực sự phía sau chiến dịch này trong một nhà nước độc đảng như Việt Nam.
Ai bị nhắm đến?
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Trạc là ba nhân vật bị xử lý hôm 7/6 trong đợt ‘đốt lò’ mới nhất của ông Nguyễn Phú Trọng, sau khi bị khai trừ Đảng và bị cách chức do vi phạm các quy định và quy chế của nhà nước, ‘gây thất thoát lớn’.
Hồi tháng Tư, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng bị bắt liên quan vụ ‘máy bay giải cứu’.
Tháng Năm, cựu Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường ra tòa trong vụ thuốc giả của VN Pharma.
Cũng trong tháng này, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trần Văn Dũng bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng và bị sa thải, với cáo buộc ‘có hành vi sai trái nghiêm trọng’ trong vụ thao túng thị trường chứng khoán.
Vài ngày sau, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khai trừ ông Đảng Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Một loạt giám đốc điều hành các tập đoàn lớn bị bắt tạm giam, gồm có ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch Bamboo Airways với công ty mẹ là tập đoàn FLC; nguyên TGĐ Chứng khoán Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt Đỗ Đức Nam; và cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân.
Hàng trăm quan chức cấp cao, giám đốc điều hành doanh nghiệp khác đã ‘vào lò’ trong chiến dịch chống tham nhũng được cho là ‘sâu rộng’ của TBT Nguyễn Phú Trọng kéo dài trong mấy năm qua.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã thành lập 8 đoàn kiểm tra để xử lý các vụ việc tham nhũng, bao gồm cả ở các cấp ủy đảng và cơ quan. Hơn 1.200 vụ đã được điều tra trong năm nay, với hơn 730 vụ liên quan đến hơn 1.500 bị cáo bị đưa ra tòa.
Mặc dù đã cải thiện hơn 30 bậc trong thập kỷ qua về chỉ số nhận thức về tham nhũng toàn cầu, Việt Nam vẫn xếp hạng 87 trong 180 nước, theo Bloomberg.