Công an bắt cóc trẻ em tống tiền: Chuyện thật như đùa!
Diễm Thi, RFA
Ngay khi thông tin nghi can bắt cóc bé trai tại Hà Nội, đòi tiền chuộc 15 tỷ đồng, được xác định là một cán bộ thuộc Đội tham mưu, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Vĩnh Phúc, tờ Giao Thông điện tử đã loan tin ngay trong ngày 15 tháng 8 năm 2023. Tuy nhiên, hàng loạt tờ báo lớn khác thuộc hệ thống truyền thông Nhà nước đều không đưa tin thủ phạm là ai. Thậm chí có báo còn dẫn lời của Thiếu tướng Công an Nguyễn Thanh Tùng khẳng định rằng, có nhiều thông tin đăng tải nhưng đều là “không chính thống”.
Nhà báo Võ Văn Tạo nêu nhận định của ông với RFA về những diễn biến vừa qua:
“Thứ nhất, ông thiếu tướng công an nói vậy là không đúng. Thứ hai, việc công an nói dối quanh co ban đầu rồi lòi ra sự thật về sau là đã có tiền lệ rồi chứ chẳng phải là chuyện hy hữu gì. Nói chung là người ta cứ muốn che đậy mặc dù sự thật rất khó che đậy. Trước sau cũng lòi ra, không đơn giản như họ nghĩ. Do đó, tôi cho đây là cách ứng xử kém thông minh của ngành công an lâu nay.”
Ông Đào, một người dân TP.HCM nói với RFA:
“Cách nói của ông thiếu tướng công an này ở một khía cạnh nào đó là phủ nhận các chính sách của Nhà nước, bởi như chúng ta biết, toàn bộ các cơ quan truyền thông trong nước đều của Nhà nước. Không có bất cứ cơ quan truyền thông nào của tư nhân hết.
Tất cả họ đều nhận ngân sách Nhà nước và chịu sự chỉ đạo của Ban tuyên giáo Trung ương. Họ là cánh tay của Đảng, làm theo đường lối của Đảng. Bây giờ ông thiếu tướng này nói thông tin ‘không chính thống’, khác gì nói Đảng và Nhà nước cũng không chính thống!?”
Chuyện công an đưa ra những thông tin lấp liếm ban đầu rồi cuối cùng sự thật lòi ra không là chuyện lạ. Có thể nêu một ví dụ cụ thể: Ngày 30 tháng 7 năm 2017, Facebook của nhà báo Huy Đức xuất hiện dòng trạng thái “Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ!”. Cùng ngày, báo chí Nhà nước đưa phát biểu của Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm rằng: “Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì”.
Nhưng chỉ một ngày sau, ngày 31 tháng 7 năm 2017, hàng loạt tờ báo của Nhà nước đồng loạt đưa tin “Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú” với thông tin do công an cung cấp.
Tương tự câu chuyện một công an bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc vừa xảy ra ở Hà Nội hôm 15 tháng 8 năm 2023, một ngày sau những thanh minh trên báo của thiếu tướng công an Hà Nội, cư dân mạng xã hội lan truyền hai văn bản chính thức xác minh nghi phạm là công an.
Một văn bản được Thượng tá Đặng Việt Quảng, Phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra ký ngày 15 tháng 8 năm 2023 gửi Giám đốc công an tỉnh Vĩnh Phúc, Đại tá Đinh Ngọc Khoa, yêu cầu tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Thượng uý Nguyễn Đức Trung, cán bộ đội Tham mưu, phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh.
Một văn bản là quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Thượng uý Nguyễn Đức Trung, cán bộ đội Tham mưu, phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, do Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc ký cùng ngày 15 tháng 8 năm 2023.
Một ngày sau, chính Công an Thành phố Hà Nội xác nhận kẻ bắt cóc bé trai là cán bộ đội tham mưu, Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc, mang cấp bậc thượng úy Nguyễn Đức Trung.
Chuyện công an bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc nhắc nhớ lại câu chuyện được truyền thông Nhà nước đăng tải đầu năm 2020 về sự việc tương tự rằng, do không có tiền thanh toán nợ nần, một cựu công an tên Nguyễn Quốc Toàn, từng công tác tại Công an huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, đã cấu kết đồng bọn bắt cóc một nữ sinh ở thành phố Trà Vinh rồi điện thoại cho gia đình đòi năm tỷ đồng tiền chuộc. Hoặc mới đây, tuy không phải chuyện bắt cóc nhưng liên quan đến hành vi “tha hóa” của công an khiến người dân bất bình đó là chuyện ba công an trộm dê của dân.