Cập nhật về tình hình người tị nạn ở Thái Lan
Bên lề cuộc họp của Đại Hội Đồng LHQ ở New York, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã triệu tập “cuộc họp cấp bộ trưởng” với người đồng cấp của Canada, Úc, New Zealand, Ý, Tây Ban Nha và Anh Quốc. Các quốc gia này cùng với Hoa Kỳ tạo nên Mạng Lưới Vận Động Tái Định Cư -- Resettlement Diplomacy Network (RDN). Cuộc họp đã đi đến một số quyết định chung:
(1) Thiết lập đường dây nóng để cùng nhau đối phó tình huống cấp bách
(2) Cùng nhau vận động thêm quốc gia đệ tam vào cuộc nhận tái định cư người tị nạn
(3) Tiếp tục giải quyết tình trạng người Afghan đi lánh cư
Phối hợp chặt chẽ để đối phó tình trạng người tị nạn ở Trung Mỹ, vùng Địa Trung Hải và khu vực Đông Nam Á
Xem thông báo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về sự kiện này: https://www.state.gov/ministerial-meeting-of-the-resettlement-diplomacy-network/
“Đây là thành quả vận động của Trợ Lý Ngoại Trưởng về chương trình tị nạn Julieta Valls Noyes trong suốt một năm qua,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, giải thích. “Chúng ta bắt đầu thấy nỗ lực này phát huy tác dụng ở ngay Thái Lan.”
Trong tháng 9 này, sẽ có một số người tị nạn Việt Nam lên đường tái định cư không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở Canada và Úc; tháng sau sẽ có gia đình tái định cư ở New Zealand.
“Điều đáng mừng là Đông Nam Á được xem là một trong ba khu vực trọng điểm trong sự phối hợp của mạng lưới các quốc gia tái định cư người tị nạn,” Ts. Thắng nhận xét. “Trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia và Thái Lan có tình trạng người tị nạn đáng quan tâm hơn cả.”
Cuối năm 2022, Bà Julieta Valls Noyes đã đến Thái Lan, theo lời kêu gọi của Ts. Thắng, và Malaysia để xem xét tình hình tị nạn nhằm đưa ra chính sách tái định cư tị nạn cho Bộ Ngoại Giao.
Theo con số thống kê của BPSOS, khoảng 150 đồng bào tị nạn đang trong hoặc đã hoàn tất thủ tục tái định cư; khoảng 100 trong số này sẽ rời khỏi Thái Lan trước cuối năm nay. Mỗi tuần đều có thêm gia đình được lên lịch phỏng vấn tái định cư với CUTN/LHQ trước khi hồ sơ được chuyển đến các quốc gia đệ tam.
Với nhịp độ phỏng vấn tái định cư của CUTN/LHQ hiện nay và sự hợp tác của các quốc gia trong mạng lưới vận động tái định cư, Ts. Thắng ước lượng số đồng bào sẽ rời khỏi Thái Lan trong năm 2024 là khoảng 400, chưa kể những người đi theo chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada hoặc Hoa Kỳ.
Việc bàn giao thủ tục “thanh lọc” cho Thái Lan
Theo nguyên tắc, thứ Sáu tới đây, 22 tháng 9, là thời điểm triển khai Cơ Chế Thanh Lọc Quốc Gia (National Screening Mechanism, NSM), qua đó Chính Phủ Thái Lan thay thế Cao Uỷ Tị Nạn LHQ để cứu xét và làm quyết định trên các đơn xin tị nạn. Tuy nhiên đây chỉ là mốc điểm trên giấy tờ.
Trong thực tế không có gì thay đổi. CUTN/LHQ vẫn tiếp tục giải quyết các đơn xin tị nạn. Do đó, các đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan không nên hoang mang.