CSVN đẩy nhanh mở rộng đảo tại Trường Sa, chuẩn bị bước vào giai đoạn xây dựng cơ sở phòng thủ

SÀI GÒN – Các hoạt động bồi đắp, cơi nới và xây dựng của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa đã đạt bước tiến rõ rệt trong năm 2024, khi diện tích đất mới được hình thành gần tương đương với mức của Trung Quốc, theo báo cáo phân tích từ tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (AMTI) công bố ngày 22 Tháng Ba.

Trong vòng tám tháng, từ Tháng Mười Một 2023 đến Tháng Sáu 2024, Việt Nam đã gấp rút bồi đắp thêm 641 mẫu đất tại các thực thể đang kiểm soát, nâng tổng diện tích đất nhân tạo và khu vực nạo vét tại Biển Đông lên 3,319 mẫu – bằng khoảng 71% so với 4,650 mẫu mà Trung Cộng đã thực hiện tại Trường Sa.

Không chỉ dừng ở diện tích, Hà Nội cũng mở rộng mạng lưới hậu cần và cơ sở hạ tầng, với ít nhất 8 bến cảng mới đang được hình thành. Điều này cho thấy mục tiêu tăng cường khả năng tiếp vận trên biển, mở rộng tầm hoạt động của lực lượng thực thi pháp luật và quân sự tại khu vực đang tranh chấp gay gắt này.

Theo AMTI, trong nửa cuối năm 2024, Việt Nam tập trung hoàn tất các dự án bồi đắp ở các thực thể như đảo Thuyền Chài (143 mẫu), Đá Lớn (118 mẫu), Đá Lát (125 mẫu) và Đá Nam (121 mẫu) – vốn trước đây chỉ là rạn san hô chìm. Một số đảo như Nam Yết và Sơn Ca có vẻ đã hoàn tất quá trình bồi đắp, trong khi Đá Núi Le đang được mở rộng về phía Bắc để gia cố tiền đồn cũ.

Phân tích gia Derek Grossman của trung tâm Rand Corporation (California) nhận định rằng động thái này không phải lúc nào cũng thuận lợi cho Hà Nội trên bình diện đối ngoại. “Những gì người ta thấy đây không tốt đẹp gì cho Hà Nội,” ông nói sau khi xem xét các hình ảnh vệ tinh do AMTI công bố.

Tuy nhiên, về mặt chiến lược, đây có thể là bước đi quan trọng giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc trong khả năng hiện diện dài ngày tại Trường Sa. Trước năm 2021, Việt Nam chỉ có 4 tiền đồn có bến cảng, nhưng hiện con số đó đã tăng gấp ba với việc mở bến tại các thực thể như Phan Vinh, Trường Sa Đông, Sơn Ca và mới nhất là Tiên Nữ – nơi đang diễn ra nạo vét bên trong đầm nước để làm bến tàu.

Một điểm đáng chú ý khác là việc mở rộng hạ tầng không chỉ dừng ở cảng biển. Theo AMTI, từ mùa thu năm ngoái, một phi đạo dài khoảng 2,700 mét đã được khởi công tại đảo nhân tạo Thuyền Chài. Nếu hoàn tất, đây sẽ là đường băng dài nhất của Việt Nam ở Trường Sa, thay thế cho phi đạo ngắn hiện tại tại đảo Trường Sa Lớn – vốn chỉ phù hợp cho máy bay quân sự cỡ nhỏ.

Ngoài Thuyền Chài, các đảo nhân tạo như Đá Lát, Phan Vinh và Tiên Nữ – với diện tích mới được bồi đắp đáng kể – cũng có thể là những vị trí tiềm năng cho việc xây dựng phi đạo mới trong tương lai gần.

Bắc Kinh đến nay hầu như giữ im lặng trước những diễn tiến này. Tuy nhiên, vào Tháng Hai vừa qua, phát ngôn viên mới của Bộ Ngoại giao Trung Cộng – ông Quách Gia Khôn – đã lên tiếng phản đối việc Hà Nội xây dựng phi đạo tại Thuyền Chài, mở màn cho những căng thẳng mới trong thời gian tới.

Giới quan sát nhận định rằng, sau giai đoạn bồi đắp rầm rộ, Việt Nam nhiều khả năng sẽ chuyển sang giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng phòng thủ trên các đảo nhân tạo. Khi đó, các dấu hiệu về năng lực quân sự thực tế mà Hà Nội muốn phát triển tại Trường Sa sẽ trở nên rõ ràng hơn, và cũng có thể kéo theo các phản ứng gay gắt hơn từ phía Trung Cộng.

Next
Next

Chuẩn bị hòa giải vụ tranh chấp tài sản thừa kế của cố diễn viên Đức Tiến