Cuộc chiến Ukraine và triển vọng xoay trục của Việt Nam

Hiếu Chân

Trong cuộc chiến Ukraine, Việt Nam không lên án cuộc xâm lược của Nga, nhiều lần bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc, thậm chí từng cấm dân chúng trong nước bày tỏ sự đoàn kết với cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine. Trong hình, một phụ nữ Hà Nội đọc một tờ báo Việt Nam đưa tin trên trang nhất về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hôm 25 Tháng Hai. Từ đó đến nay, truyền thông Việt Nam đều nói theo Nga, gọi cuộc xâm lược Ukraine là “chiến dịch quân sự đặc biệt.” (Hình minh họa: Nam Nguyen/AFP via Getty Images)

Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine làm rung chuyển thế giới và có thể lập lại một trật tự quốc tế mới, hình thành một mặt trận dân chủ chống chế độ độc tài Trung Quốc. Việt Nam sẽ đứng ở đâu trong trật tự đó?

Cuộc chiến tranh Ukraine – hiện đã bước sang tuần lễ thứ sáu – mang lại rất nhiều điều bất ngờ cho những nhà quan sát và phân tích thời sự dày dạn nhất.

Những bất ngờ của chiến cuộc

Trên chiến trường, hầu như ai cũng bất ngờ với sức kháng cự bền bỉ, mạnh mẽ và hiệu quả của quân đội và người dân Ukraine, với tình trạng yếu kém thê thảm của quân đội Nga và những hành vi khủng bố man rợ đối với người dân thường của đội quân vẫn được coi là mạnh mẽ thứ hai thế giới.

Người ta cũng bất ngờ với sự “thức tỉnh” đột ngột của phương Tây, dẫn tới sự thay đổi tận gốc chiến lược về an ninh, năng lượng của các nước châu lục này. Nước Đức chẳng hạn, suốt mười mấy năm cầm quyền của bà Angela Merkel, thủ tướng, đã nỗ lực duy trì mối quan hệ hữu hảo với nước Nga của ông Vladimir Putin, tổng thống, để bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng, mở rộng thị trường cho sản phẩm công nghệ Đức, đồng thời núp dưới cái dù an ninh của Hoa Kỳ và NATO, đã nhanh chóng thay đổi chính sách, gia tăng chi tiêu quốc phòng và tăng cường viện trợ vũ khí tân tiến cho các lực lượng kháng chiến Ukraine.

Ba Lan, một thành viên Liên Minh Châu Âu (EU) vốn bất mãn với EU về chính sách thông thoáng trong việc tiếp nhận người di dân từ Trung Đông và Bắc Phi, đã nhanh chóng mở rộng cửa biên giới đón tiếp người Ukraine tản cư, và mở hành lang vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo lẫn vũ khí quân dụng vào Ukraine. Mới đây khi Nga sử dụng hỏa tiễn siêu vượt âm (hypersonic) Kinzhal để tấn công các mục tiêu ở Ukraine và đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử, Ba Lan đã lên tiếng đề nghị Hoa Kỳ bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của họ để đề phòng.

Một bất ngờ lớn là sự đồng tâm hiệp lực của các nước công nghiệp Châu Âu và một số nước Châu Á như Nhật, Nam Hàn, Úc, Singapore, Đài Loan đã nhanh chóng cùng Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga mạnh mẽ chưa từng có dù bản thân các nước này cũng phải chịu những thiệt hại kinh tế đáng kể do giá dầu mỏ, khí đốt và lương thực tăng cao khi nguồn cung cấp bị gián đoạn.

Những thay đổi bất ngờ đó chứng tỏ cuộc chiến Ukraine đã không còn là hành động của Nga nhằm thay đổi chính phủ hợp pháp của Ukraine, ngăn cản nước này gia nhập Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc hợp thức hóa việc Nga sáp nhập một số vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine như tuyên bố của ông Putin.

Nhà bình luận Tom Friedman nổi tiếng của báo The New York Times cho rằng cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine là mới thực sự là cuộc chiến tranh thế giới, khác hẳn Đệ Nhất Thế Chiến và Đệ Nhị Thế Chiến, do chỗ bất kỳ người nào, dù sống ở nơi nào trên trái đất, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh và một thẻ tín dụng (credit card) thì gần như đều có thể theo dõi tin tức chiến sự cập nhật qua hình ảnh, tham gia chiến tranh bằng một cách nào đó và bị nó ảnh hưởng cả về kinh tế và xã hội. “[Cuộc chiến này] đã nhanh chóng biến thành ‘trận đánh lớn’ giữa hai hệ thống chính trị quyền lực nhất trong thế giới ngày nay: hệ thống dân chủ, nhà nước pháp quyền và thị trường tự do chống lại chế độ cai trị ăn cướp [kleptocracy] chuyên chế,” ông Friedman viết hôm 3 tháng Tư.

Previous
Previous

Ông Võ Văn Thưởng: Vụ bà Nguyễn Phương Hằng "thách thức đường lối, chủ trương của Đảng”

Next
Next

Vietnam Airlines ngưng bay đến Nga vì ‘vấn đề bảo hiểm phương tiện’