Dân biểu Mỹ đề nghị hạ bậc Việt Nam trong xếp hạng buôn người

28/10/2021

VOA Tiếng Việt

Dân biểu Hoa Kỳ Christopher Smith đề nghị đưa Việt Nam xuống bậc 3 (Tier 3) vì có các vụ đưa lao động lậu ra nước người trong thời gian vừa qua. Hình chụp từ video điều trần Hạ viện Hoa Kỳ ngày 27/10/2021.

Tại phiên điều trần về nạn buôn người toàn cầu hôm 27/10, Dân biểu Hoa Kỳ Christopher Smith đề nghị đưa Việt Nam xuống bậc 3 (Tier 3) vì có các vụ đưa lao động lậu ra nước người trong thời gian vừa qua. Dân biểu Smith nói trong phiên thảo luận được truyền trực tiếp từ Hạ viện Mỹ ở thủ đô Washington: “Tôi tin rằng Việt Nam nên bị đưa xuống Tier 3, chủ yếu là do nạn buôn bán lao động”.

Trong bài phát biểu tại buổi điều trần, Dân biểu Smith nói rằng nạn buôn bán người lao động ở Việt Nam là nghiêm trọng. Ông nhắc lại vụ Daewoosa vào năm 2000 khi gần 250 công nhân Việt Nam bị các doanh nghiệp nhà nước đưa sang American Samoa, nơi họ bị hành hung, bốc lột, nhưng sau đó được chính phủ Hoa Kỳ giải cứu.

“Một trong những trường hợp đầu tiên áp dụng Luật Bảo vệ Nạn nhân Buôn người (TVPA) của Hoa Kỳ là vụ Daewoosa ở American Samoa. Giới chức Việt Nam là thành phần đồng loã trong tội phạm lao động cưỡng bức. Họ không hề thay đổi trong việc thừa nhận tình trạng này hoặc giúp đỡ nạn nhân.”

Ông Alex Thier, Tổng giám đốc của tổ chức Global Fund to End Modern Slavery (GFEMS), phát biểu.

Ông Alex Thier, Tổng giám đốc của tổ chức Global Fund to End Modern Slavery (GFEMS), phát biểu: “Công việc của chúng tôi tại Việt Nam, hỗ trợ sự tái hòa nhập ban đầu cho những người sống sót sau nạn buôn bán tình dục gần biên giới Trung Quốc, gần đây đã được nêu bật trong báo cáo 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Nạn buôn người”.

Trong báo cáo gửi cho phiên điều trần tại một tiểu ban của Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện, ông Thier viết: “Ở tỉnh Hà Giang, miền Bắc Việt Nam, di cư là một phương tiện mưu sinh. Tỷ lệ nghèo cao và sự phụ thuộc vào nông nghiệp lợi nhuận thấp đã khiến người di cư vượt biên sang Trung Quốc, nhưng chính những điều này cũng khiến nhiều người dễ bị buôn bán và bóc lột.”

Vào tháng 7, trong báo cáo 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nạn buôn người, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách cần phải theo dõi, cấp độ 2 (Tier 2) vì chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ nạn buôn người.

Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Việt Nam được đặc miễn của tổng thống để không bị xếp bậc 3 năm nay vì: “chính quyền đã đầu tư đủ nguồn lực để soạn thảo một kế hoạch mà nếu được thực thi thì có lẽ sẽ là những nỗ lực đáng kể để đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu.”

Trong văn bản điều trần, ông Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch của tổ chức BPSOS, đề xuất rằng thay vì đặt niềm tin vào một kế hoạch tương lai kèm với lời hứa hẹn thực thi, Hoa Kỳ nên dùng các trường hợp nạn nhân buôn người ở Ả Rập Xê Út làm phép thử cho thực tâm phòng, chống buôn người của nhà nước Việt Nam:

“Việc phân hạng Việt Nam trong bản phúc trình về buôn người sắp đến phải dựa vào những nỗ lực của quốc gia này về giải cứu và bảo vệ những nạn nhận đã được nhận diện; điều tra và truy tố các thủ phạm đã được nêu tên và đảm bảo chúng phải bồi thường cho các nạn nhân; thông tin cho công chúng về các rủi ro và cách hành xử vô lương tâm đã rõ trong chương trình xuất khẩu lao động; và chứng tỏ sự hợp tác có ý nghĩa với các cơ quan quốc tế, giới chức Ả Rập, và các tổ chức phi chính phủ.”

Previous
Previous

Năm nhà báo nhóm Báo Sạch bị tuyên 14 năm 6 tháng tù giam

Next
Next

Chuyến bay hồi hộp dành tặng các khúc dồi ngàn dặm