Dân Sài Gòn lo âu trước giờ phong tỏa
Các kệ hàng tại siêu thị bị vét sạch khi người dân đổ xô đi mua đồ tích trữ trong thời điểm cận kề phong tỏa tại Saigon
Mặc dù chính quyền ra sức trấn an về lượng cung nhu yếu phẩm, nhưng trước thời điểm cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/2020, người dân thành phố đông dân nước vẫn tỏ ra hoang mang.
Báo Tiền Phong cho biết vào ngày 7/7, rất đông người dân đổ xô đến các siêu thị tại Saigon để mua lương thực, thực phẩm khiến nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá và rau xanh "cháy hàng".
Theo tờ báo này, các loại rau xanh tại siêu thị Emart đã được người dân mua hết sạch khiến những người đến sau không còn gì để mua.
Trang facebook chính thức của báo Thanh Niên cũng cho biết, nhiều người dân TP HCM đi siêu thị vào chiều 7/7 đã thất vọng vì không tìm nổi một cọng rau. Nhân viên siêu thị thông báo: 'Hết sạch rau xanh, hẹn bà con ngày mai'. Do đó, người dân đổi hướng ra chợ tìm mua rau.
Một người dùng Facebook tên Nguyễn Ngọc Thúy Diễm viết: "Hôm nay cả Sài Gòn thất thủ vì lo âu lương thực cho những ngày sắp tới… Chợ, siêu thị gì cũng đông như kiến, người người, nhà nhà càn quét! Mình cũng lo, cũng rầu… cũng đi vòng quanh tìm nơi vắng vẻ mua một ít dự phòng mà trong lòng nghĩ sao cứ như chiến tranh thời xưa vậy!"
Tình trạng này diễn ra sau khi các chợ truyền thống phải đóng cửa theo lệnh của chính quyền để phòng dịch và trước khi Saigon thực hiện cách ly xã hội từ 0 giờ ngày 9/7.
Dù chính quyền cố gắng nói giảm nói tránh, nhưng các biện pháp được áp dụng trong đợt này thực sự là một lệnh phong tỏa thành phố.
Theo chỉ thị của nhà nước, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, Chỉ thị 16 yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, hàng hóa, thuốc men, dịch vụ thiết yếu; các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn; làm việc tại cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao...
Chỉ thị còn quy định không tập trung quá hai người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Các biện pháp khác bao gồm đình chỉ hoạt động vận tải hành khách công cộng, xe chở khách công nghệ cả bốn bánh lẫn hai bánh (như Grab, Gojek).
Hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều phải ngưng hoạt động.
Nhiều người đánh giá đây là một lệnh "phong tỏa" thực thụ nên có thể hiểu được sự hoang mang của người dân.
Để tránh việc người dân đổ xô tới các siêu thị để mua hàng tích trữ trước giờ G, gây ra hiện tượng khan hiếm hàng cục bộ cũng như làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm do tập trung đông người, chính quyền đã ra sức trấn an về việc đảm bảo lượng cung hàng hóa.
Nằm trong đường hướng tuyên truyền trấn an, báo Tuổi Trẻ sáng 8/7 đăng bài viết "TP HCM hàng hóa vẫn ê hề, bà con cứ từ từ mua sắm".
Tuy nhiên, nhiều tờ báo khác lại phản ánh việc người dân vẫn hối hả đi mua hàng trong ngày 8/7.
Báo Thanh Niên cho biết từ 5 giờ sáng ngày 8/7, nhiều người dân Saigon đã “tranh thủ” đi chợ sớm để mua đồ tích trữ.Theo tờ báo này, mặc dù TP Saigon đã ngừng hoạt động các chợ tạm, xe đẩy vỉa hè hơn hai tuần nhưng khi các chợ truyền thống bị đóng cửa, siêu thị kẹt cứng thì vào sáng sớm khi các đơn vị kiểm tra chưa hoạt động, lực lượng bán hàng rong, bán dạo vẫn là những điểm cung cấp hàng hóa cho nhiều người dân.
Sáng 8/7, một người dùng Facebook tên Phạm Thành Trung viết: "Sáng dậy từ 6 giờ tính đi siêu thị mà vợ bảo siêu thị 9 giờ mới mở cửa… Vậy mà 9 giờ kém xuống đã thấy mọi người mua sắm quá trời… Mua được ít thịt bò, còn thịt heo vợ dặn thì không còn khay nào…"
Một người khác cho biết mình đã vào siêu thị Bách Hóa Xanh nhưng "ngay cả mì tôm cũng hết".
Nhiều người cho rằng sở dĩ người dân vẫn đổ xô đi mua đồ tích trữ bất chấp nhà nước ra sức tuyên truyền trấn an một mặt cho thấy sự hoang mang của người dân, mặt khác cho thấy niềm tin sụt giảm vào các thông tin của nhà nước.
'Vừa chống dịch, vừa sản xuất'
Cách đây vài ngày, chính quyền đã ra sức bác bỏ khả năng "phong tỏa" tại TP Saigon, khẳng định đó chỉ là tin giả. Tuy nhiên, vào ngày 6/7 thì "tin giả" đó đã chính thức trở thành tin thật khi nhà cầm quyền công bố thời gian và phương pháp áp dụng giãn cách xã hội đối với TP Saigon.
Những thông tin không thống nhất này làm xói mòn niềm tin của người dân trong bối cảnh dịch bệnh đã làm gia tăng nỗi bất an nơi họ, một nhà hoạt động xã hội tại TP Saigon chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
Để đối phó với tình hình dịch bệnh tại TP Saigon, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phối hợp cùng với Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch ở địa phương này.
Việc triển khai tới hai vị phó thủ tướng trực tiếp chỉ đạo chống dịch tại một địa phương cho thấy tính cấp bách của vấn đề.
Thủ tướng cũng đã giao Bộ Y tế chủ động phối hợp, ưu tiên phân bổ vắc xin sẽ về trong tháng 7 cho TP Saigon, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tiêm vaccine kịp thời, an toàn và hiệu quả, theo báo Tuổi Trẻ.
Dù áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để dập dịch, chính quyền vẫn chủ trương thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động kinh tế.
Việt Nam: Dự kiến 8 triệu liều vaccine trong tháng 7, miễn dịch cộng đồng đầu 2022.Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu TP Saigon triển khai đợt cách ly xã hội mới với tinh thần "vừa chống dịch, vừa sản xuất", "chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch".
Theo đó, việc chống dịch hiệu quả là để nhanh chóng ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh nhưng cũng tạo thuận lợi tối đa để các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà máy và cơ sở sản xuất... tiếp tục hoạt động.
Nhiều người cho rằng, đây là điều có thể hiểu được bởi TP Saigon là đầu não kinh tế của Việt Nam, với tỉ lệ đóng góp vào ngân sách luôn áp đảo so với các địa phương khác. Thành phố này cũng là thị trường lớn nhất cho hàng hóa trong nước, đặc biệt là nông sản. Sự ngưng trệ hoạt động tại đô thị đông dân nhất nước vì thế sẽ có tác động xấu đến toàn bộ nền kinh tế.
Giữa lúc tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, việc nhà nước tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học toàn quốc cũng làm dậy lên những tranh cãi về việc có cần thiết phải tổ chức một kỳ thi mà có tới trên 98% thí sinh sẽ đạt và rằng có hợp lý hay không khi tổ chức thi giữa đại dịch.