Doanh nghiệp Việt tiếp tục rút khỏi thị trường
RFA Tiếng Việt ngày 30/4 loan “Doanh nghiệp rút khỏi thị trường gia tăng, nhiều hơn số doanh nghiệp mới thành lập”.
RFA dẫn số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, theo đó, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở Việt Nam trong vòng 4 tháng đầu năm 2024, là 86.400 doanh nghiệp, vượt con số 81.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Bình quân một tháng có 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tuy vậy, RFA cho biết, báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định, kinh tế Việt Nam tiếp tục có nhiều dấu hiệu khởi sắc, với các số liệu chỉ số về sản xuất công nghiệp và đầu tư nước ngoài tăng.
Cụ thể, tính đến ngày 20/4, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý một tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam có xuất siêu đạt 8,4 tỷ đô la.
Theo RFA, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 34,1 tỷ đô la. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc trong quý một đạt 43,6 tỷ đô la, trong đó Việt Nam thâm hụt thương mại hơn 17 tỷ đô la.
Thực tế, nền kinh tế Việt Nam đã suy thoái hơn 2 năm nay, các doanh nghiệp vẫn luôn rời bỏ thị trường, doanh nghiệp mới thành lập làm ăn cũng rất khó khăn.
Ngày đầu tháng 4, RFA loan tin “Gần 74.000 doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường trong quý 1, sản xuất công nghiệp giảm”.
Cũng dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê, RFA cho biết, trong quý I/2024, có gần 74.000 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, trong khi số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 59.848.
So với 3 tháng đầu năm ngoái, số doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường đã tăng 22,8%, trong đó số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 53.365 doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, trái ngược với bản tin cuối tháng, bản tin đầu tháng 4 cho hay, kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 3 tháng qua, có mức tăng trưởng 5,6%, giảm hơn so với con số 6,7% so với quý trước đó.
Khu vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam cũng đang suy giảm, theo số liệu thống kê mới công bố, giảm 6,8% trong tháng 2 so với năm ngoái. Đây là mức sụt giảm lớn nhất trong hơn một năm qua.
RFA cũng dẫn số liệu của Công ty tư vấn tài chính Mỹ S&P Global Market Intelligence, công bố hôm 1/4, có những dấu hiệu cho thấy, nhu cầu tiêu dùng đang giảm trong tháng 3 dẫn đến việc sụt giảm thêm nữa các đơn đặt hàng mới, bất chấp những giảm giá.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là: Vì sao lại có sự chênh lệch trong số liệu, đều từ Tổng cục Thống kê của Việt Nam, chỉ cách nhau 30 ngày? Và thực tế, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc hay không, hay tiếp tục sụt giảm?
Tuy thoibao.de không có được số liệu thống kê độc lập, không có các chỉ số kinh tế từ nguồn khác, nhưng có lẽ, mọi người dân đều có thể cảm nhận được áp lực từ sự suy giảm kinh tế đối với đời sống gia đình và xã hội.
Cũng liên quan đến việc hàng loạt doanh nghiệp rút khỏi thị trường, đầu tháng 3/2024, báo Công Thương cho hay, đa số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, nghĩa là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp có quy mô dưới 10 tỷ ngừng kinh doanh là 44.265 doanh nghiệp, chiếm 89,8% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.
Hơn nữa, vẫn theo báo Công thương, phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 2 tháng đầu năm 2024, có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 2.683 doanh nghiệp, chiếm 73,1% tổng số doanh nghiệp giải thể.
Nhưng thực tế cho thấy, các doanh nghiệp lớn, với quy mô hàng chục ngàn công nhân, như PouYuen Việt Nam, tuy không giải thể nhưng cũng sa thải hàng chục ngàn công nhân.
Hoàng Anh – thoibao.de