Hà Nội phân vùng ‘đỏ, cam, xanh’ trước nguy cơ ‘vỡ trận’

Trẻ em Hà Nội bị "nhốt" trong nhà do lệnh phong toả đang được áp dụng vào ngày 8/11/2021.

Trẻ em Hà Nội bị "nhốt" trong nhà do lệnh phong toả đang được áp dụng vào ngày 8/11/2021.

Hà Nội vừa thông báo sẽ phân vùng thành phố thành ba vùng “đỏ, cam, xanh” tuỳ theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý dân cư, ngay sau khi đợt giãn cách thứ 3 kết thúc vào ngày 6/9, giữa lúc một số trí thức và cư dân mạng bày tỏ lo ngại về khả năng “vỡ trận” do bùng phát dịch Covid-19 ở thủ đô.

Theo thông báo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội được báo chí Việt Nam loan đi vào tối 2/9, “vùng đỏ” là khu vực có nguy cơ rất cao sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc “ai đâu ở đó” để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.

“Vùng cam” là khu vực có nguy cơ cao và “vùng xanh” là khu vực có nguy cơ thấp hơn sẽ được điều chỉnh các biện pháp cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/TTg.

Thông báo của thành phố Hà Nội được đưa ra giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh tại TPHCM và một số tỉnh thành khác, khiến cho đời sống cư dân và nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một số trí thức và các nhà phân tích đưa ra cảnh báo về khả năng “vỡ trận” nếu Việt Nam không có các đối sách phù hợp và kịp thời để đối phó với đại dịch.

Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu hôm 2/9 bày tỏ trên trang Facebook về lo ngại tình trạng phòng chống dịch Covid -19 ở Hà Nội “đang ẩn chứa nhiều mối nguy”, trong đó ông cảnh báo nếu mức độ lây lan ở thủ đô mà lên đến mức tương tự như TPHCM thì “tình hình sẽ còn bi đát hơn”.

TS. Nguyễn Ngọc Chu kiến nghị Hà Nội nên thay đổi trong việc điều hành nhân sự để đáp ứng nhu cầu “phản ứng tức thời”, thành lập một “tổng hành dinh” của chính phủ bên cạnh bộ máy lãnh đạo của Hà Nội, thành lập Hội đồng khoa học tham mưu chống dịch độc lập và rút kinh nghiệm thực tiễn chống dịch của TPHCM.

Một số chuyên gia y tế Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại về một “sự trả giá quá lớn” nếu Hà Nội phải tiếp tục áp dụng lệnh giãn cách xã hội sau ngày 6/9, giữa bối cảnh người dân đã “quá mệt mỏi” và kinh tế kiệt quệ vì bị phong toả quá lâu.

“Những gia đình không có tiền tích lũy thì 45 ngày qua tôi cam đoan là thử thách quá lớn đối với họ”, GS. Nguyễn Anh Trí - nguyên viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương – đưa ra nhận định với báo Tuổi Trẻ. Theo ông, “Nếu giãn cách xã hội quá lâu mà dịch cứ bùng phát thì tới một ngày nào đó người dân không chịu nổi thì họ cũng sẽ bung ra thôi”.

Tính từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội có 3.841 ca nhiễm Covid-19, trong đó số ca mắc từ thời điểm thực hiện chỉ thị 16 (24/7) là 2.633 ca.

Previous
Previous

Người yêu thơ, yêu sách vở Nguyễn Mạnh Trinh đã ra đi vĩnh viễn

Next
Next

VNTB – Bao nhiêu người chết vì Covid tại Sài Gòn?