Hiện tượng Thích Chân Quang bằng chứng về sự thối nát của nền giáo dục Việt Nam

Việc Bộ  Giáo dục Đào tạo yêu cầu các trường đại học khẩn trương thu hồi các loại văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt – Thượng tọa Thích Chân Quang, đang làm nóng dư luận xã hội.

Khoá học trực tuyến tốt nhất

Ông Thích Chân Quang

Sau khi Bộ này khẳng định, đã tiến hành xác minh kỹ lưỡng, cẩn trọng, đúng quy định của pháp luật. Kết quả, ông Vương Tấn Việt đã sử dụng Bằng Tốt nghiệp Cấp 3 – hệ Bổ túc Văn hoá không hợp pháp, và ông Việt cũng đã thừa nhận kết luận này.

Trước đây, ông Vương Tấn Việt đã nhiều lần tự khoe, ông sở hữu các bằng cấp như: Cử nhân Ngoại ngữ ngành tiếng Anh, do Đại học Hà Nội cấp năm 2001; Cử nhân Luật của Đại học Luật Hà Nội, cấp năm 2019.

Điều khiến công luận xôn xao là, năm 2022, ông Việt đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Luật, với một thời gian nhanh kỷ lục – chỉ vỏn vẹn hơn 2 năm, kể cả thời gian chuẩn bị, nghiên cứu và viết luận án. Trong khi, chỉ những trường hợp cử nhân tốt nghiệp loại giỏi mới được “đặc cách” làm luận án Tiến sĩ, thì cũng phải mất thời gian 3 – 4 năm mới có thể hoàn thành.

Theo quy chế tuyển sinh và đào tạo hiện hành, đối với trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, thì mọi bằng cấp của ông Thích Chân Quang, đương nhiên sẽ không có giá trị, đồng thời sẽ bị các trường đại học tiến hành thu hồi, theo quy định.

Ông Thích Chân Quang là trụ trì chùa Phật Quang ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từng thuyết giảng trước các Phật tử, và ám chỉ gọi thầy Thích Minh Tuệ là “thằng ba trợn”. Điều đó đã gây sự phẫn nộ trên mạng xã hội, trong một thời gian dài.

Tháng 6/2024, ông Quang đã bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấm thuyết giảng trong vòng 2 năm, với lý do đã có nhiều phát ngôn và các bài giảng sai trái, đi ngược lại giáo lý của Phật giáo, gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

Công luận thấy rằng, cái gọi là “bằng Tiến sĩ” của Thích Chân Quang, là một ví dụ sống động nhất, chứng minh cho sự thối nát của hệ thống  giáo dục Việt Nam hiện nay. Do đó, không chỉ là việc thu hồi bằng giả của ông Việt, mà cần phải xem xét, điều tra, khởi tố vụ án hình sự, để truy ra nguyên lý do vì sao, ông này lại có thể sở hữu các bằng cấp “không hợp pháp”, trước đó và sau này.

Căn cứ vào luật pháp hiện hành của Việt Nam, người làm giả con dấu, tài liệu, hoặc giấy tờ khác, của cơ quan, tổ chức, hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, hoặc giấy tờ giả, thì bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Trên mạng xã hội, dễ dàng tìm thấy thông tin, ông Vương Tấn Việt là chắt nội của cụ Hồ Sĩ Tạo, là cháu nội cụ Phó Bảng Vương Sinh Huy (tức Nguyễn Sinh Sắc), con trai cụ Vương Chí Nghĩa. Theo thông tin này, ông Việt tự nhận là cháu ruột của “đồng chí” Hồ Chí Minh.

Trong một clip tôn vinh ông Vương Tấn Việt loan truyền trên mạng xã hội, Giáo sư Hoàng Chí Bảo – một người chuyên kể chuyện Hồ Chí Minh, đã ca ngợi “thầy Thích Chân Quang, Tiến sĩ Vương Tấn Việt của chúng ta, mang những nét hình ảnh rất đẹp của Bác Hồ”. Nhưng sau khi vụ bằng cấp giả của ông Việt lộ ra, Giáo sư Bảo đã vội “quay xe”, phủ nhận những lời ca ngợi trước đó, rằng chỉ là “nói cho vui”.

Theo giới quan sát, sau khi xử lý về mặt nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải xử lý về mặt tôn giáo, không nên để ông Thích Chân Quang tiếp tục làm trụ trì chùa Phật Quang. Điều này sẽ nảy sinh những vấn đề về xử lý tài sản, tiền bạc… khổng lồ của chùa, do Phật tử cúng dường lâu nay. Tài sản nào là của cá nhân ông Vương Tấn Việt, tài sản nào thuộc sở hữu của nhà chùa, là việc cần sớm làm rõ.

Trà My – Thoibao.de

Previous
Previous

Vì sao Chủ tịch nước Lương Cường sẽ phải đối mặt với nhiệm kỳ “đầy sóng gió”?

Next
Next

Bất chấp rủi ro, hàng đoàn người Việt vẫn rời bỏ đất nước