Hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh, thành bị kỷ luật
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa có các quyết định thi hành kỷ luật đối với ba nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác.
Cựu Chủ tịch Hà Nội khai báo ‘không thành khẩn’
Hai cựu thứ trưởng Công an mãn hạn tù và cuộc chiến 'đốt lò'
Ba người này đều nắm giữ chức vụ trong nhiệm kỳ 2016-2021 và chịu kỷ luật bằng hình thức "khiển trách".
Các ông Nguyễn Văn Thành, Đặng Huy Hậu và bà Vũ Thị Thu Thủy đều đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 20/10 cũng ký một quyết định "xóa tư cách nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương" với ông Trần Thanh Liêm, nguyên Chủ tịch Bình Dương.
Ông Liêm đã bị Ban Bí thư đã bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng hồi tháng Sáu năm nay sau khi bị khởi tố về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Ông Liêm và 5 người khác bị bắt tạm giam và khởi tố về "cùng hành vi" trong một vụ điều tra khi chuyển nhượng 43 ha đất gây thiệt hại 126 tỷ đồng.
Trong khi đó ông Nguyễn Thế Hùng, nguyên phó chủ tịch UBND TP Hà Nội bị kỷ luật theo hình thức "cảnh cáo".
Ông Hùng, nguyên ủy viên Ban cán sự đảng, là một trong số các quan chức bị cho là đã để UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch và đầu tư, một số tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, về đấu thầu và thực hiện các gói thầu.
Kỷ luật quan chức
Nhiều cán bộ, đảng viên trong bộ máy UBND TP Hà Nội trước đó đã bị kỷ luật và "xử lý hình sự".
"Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra trung ương quyết định: Thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Thế Hùng," báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Vào đầu tháng này Ban Bí thư, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, ra quyết định kỷ luật 9 tướng lĩnh Cảnh sát biển, trong đó khai trừ ra khỏi Đảng đối với Thiếu tướng Lê Xuân Thanh và Thiếu tướng Lê Văn Minh và cách chức trong Đảng 7 tướng lĩnh còn lại.
Hồi tháng Chín, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành một quy định được mô tả là tăng thêm quyền và phạm vi xử lý cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với điều được coi là "tiêu cực".
Ban này có quyền yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Một nhà quan sát muốn ẩn danh nói bản thân ban này có thể xem là cơ quan "siêu quyền lực" và rằng khái niệm các vi phạm được xem là "tiêu cực" là khá rộng và "hơi mơ hồ".